THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:26

Bị sa thải khi tự ý nghỉ việc có đúng không?

Em là Hoàng Thị Minh Thủy, có ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm với một công ty của Nhật Bản. Dạo gần đây do áp lực công việc khiến em chán nản, cộng với gia đình có việc nên em đã tự ý nghỉ việc 1 tuần mà không xin phép lãnh đạo Công ty. Sau 1 tuần nghỉ việc, khi em đến Công ty đi làm lại thì bị trưởng phòng nơi em đang làm việc nói rằng em đã bị sa thải. Việc Công ty sa thải em có trái quy định của pháp luật không? Em có được hưởng trợ cấp thôi việc hay không? Mong nhận được sự tư vấn của luật sư!

Ảnh minh họa.                         Nguồn Internet.


Luật sư tư vấn trả lời:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập– Tổng đài TƯ VẤN PHÁP LUẬT VOV.vn 19006511 - Hợp tác xã Luật Đống Đa. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc Công ty sa thải bạn có trái pháp luật hay không?

Theo khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012:

“ Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng…”

Và theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:

. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp sau: 

a) Do thiên tai, hỏa hoạn;

b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; 

c) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Do đó, nếu việc bạn tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng thuộc các trường hợp nêu trên thì việc bạn bị Công ty sa thải là có cơ sở pháp luật.

Thứ hai, bạn có được hưởng trợ cấp thôi việc khi bị sa thải hay không?

Căn cứ Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi:

a. Người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt do:

- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

- Trong trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012.

b. Trong trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012.

Đối chiếu với các quy định trên thì trong trường hợp bị sa thải, bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.

Hi vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn tìm được phương án tốt nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Mọi thắc mắc Quý khách vui lòng liên hệ qua điện thoại đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.vn 19006511 (tư vấn miễn phí) để nhận được sự tư vấn qua điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp để được luật sư bảo vệ quyền lợi của bạn.

Thạc sĩ, Luật sư VŨ HỒNG HOA (HTX Luật Đống Đa)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh