Tài cầm quân và chế tạo vũ khí của Quang Trung-Nguyễn Huệ
- Văn hóa - Giải trí
- 15:58 - 07/02/2015
Vũ khí khiến cho quân địch kinh hồn bạt vía
Nguyễn Huệ (1753-1792), còn có tên Nguyễn Quang Bình; là em út trong gia đình có 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Ông Trần Công Phạn, người đã từng có 20 năm nghiên cứu về sự phát triển và công hiệu của các loại vũ khí trong các triều đại phong kiến Việt Nam cho biết: " Khẳng định ngay được rằng hỏa hổ và hỏa cầu là hai vũ khí độc đáo thể hiện được tầm nhìn và trí tuệ của vua Quang Trung.
Chính ông đã nảy ra ý định và chỉ đạo các cận vệ phụ trách quân sự và Bộ binh lúc bấy giờ nghiên cứu và phát triển loại vũ khí này. Hai loại vũ khí này đã khiến cho quân địch kinh hồn bạt vía đồng thời phía quân Tây Sơn tránh được tối đa những tổn thất của mình. Trong mỗi trận chiến, trong khi hai bên giáp nhau, trước hết họ dùng vật ấy đốt cháy quần áo người ta để cho người ta phải lui.
Tượng đài tưởng nhớ vua Quang Trung
Tướng nhà Thanh, Trần Gia Ôn trong một trận chiến giáp lá cà với quân Tây Sơn đã hốt hoảng về tâu lên hoàng đế nhà Thanh rằng: "Nó (chỉ hỏa hổ-hỏa cầu) nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu.
Quân có tinh nhuệ đến mấy cũng không thể nào tránh và chống đỡ được. Gặp vũ khí này thì gươm đao cũng thành vô hiệu, các dụng cụ công thành, khiên mác cũng hóa vô dụng”. Hoàng đế nhà Thanh đã không lường trước được, một ông vua xuất thân từ anh hùng áo vải lại sáng tạo ra một vũ khí đầy uy lực như vậy".
Hỏa hổ và hỏa cầu có thể sánh ngang với các loại pháo binh hiện nay. Trong cuốn : “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ mô tả chi tiết lại rằng: “Hỏa hổ còn còn có tên gọi khác là hỏa đồng, có bầu lớn dài chừng một thước, khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy.
Vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ. Vũ khí này là kết quả của vua Quang Trung cùng hàng chục tướng tài quân sự nghiên cứu và chế tác nên sau 2 tháng ròng gần như thức trắng”. Thực ra loại vũ khí này đã có nền móng hình thành từ thời Lê sơ. Khi đó vua Quang Trung còn là một vị tướng dũng mãnh, ông đã nhanh chóng chớp thời cơ quan sát kỹ và lưu giữ lại trong trí nhớ để đến khi lên ngôi trị vì thì phát triển, sáng tạo thành một loại vũ khí lợi hại bậc nhất.
Lần đầu tiên, vua Quang Trung cho làm 150 chiếc hỏa hổ, 100 chiếc hỏa cầu. Nhưng hỏa cầu không phát huy nhiều tác dụng. Những vũ khí đầu tiên này đều được mang ra thử nghiệm trong khi diễn tập. Khi biết tác dụng chính xác của nó mới cho làm hàng loạt. Tuy nhiên, để đánh lạc hướng nhà Thanh, trong nhiều lần các sứ nhà Thanh qua thám thính, vua Quang Trung vẫn ngụy trang các vũ khí này như là các vật dụng thô sơ.
Vũ khí hỏa hổ do vua Quang Trung nghiên cứu và phát triển
Trong tài liệu chính sử thời vua Quang Trung có chép; Hỏa hổ thực chất là một loại súng. được chế tạo bằng một ống dài khoảng 25cm, nạp thuốc thành nhiều nấc. Nấc đầu tiên là liều thuốc bắn, giã nén chặt dày khoảng 4cm, sau đó tiếp nấc thứ hai là liều thuốc phun, giã nén chặt, dày khoảng 12cm.
Sau đó, nạp đạn ghém gồm các vật liệu sát thương, dày khoảng 4cm. Phần ống còn lại nạp dầy thuốc phun. Gặp địch, người dùng hỏa hổ châm ngòi, cầm cán tre chĩa vào, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đốt cháy sát thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác và tiếp tục bắn. Vòi của hỏa hổ phun ra như một con rồng lửa vậy”.
Ngay từ năm Bính Ngọ 1786 Nguyễn Huệ đã hoàn thiện và dùng vũ khí này chiến đấu hạn gục hàng vạn kẻ đối đầu.
Sau khi vui mừng với hỏa hổ, vua Quang Trung đã nghiền ngẫm cách chế tác hỏa cầu. Sau khi nắm vững kỹ thuật, vua Quang Trung đã tìm ra cách phát triển hỏa cầu. Đây không phải là một loại vũ khí mới của thế giới nhưng cần làm khác đi vì chính nhà Thanh cũng chưa chế tác được.
Thấu hiểu điều này, vua Quang Trung, suốt 5 ngày đêm sau, bằng tài năng kỹ thuật của mình và các tướng lĩnh khác đã dựa trên kĩ thuật hỏa khí phương Tây làm nên những quả hỏa cầu đầu tiên. Hỏa cầu còn có tên gọi khác là hỏa cầu lưu hoàng. Đây là một quả cầu kim loại rỗng ruột hoặc bằng giấy quết nhựa bên ngoài, có tay cầm dạng chốt, to như chiếc tách uống trà.
Theo cách chế tác thì bên trong cho chám một loạt các hạt có tẩm dung dịch lạ. Sau đó cho quân nhồi thuốc nổ, chất cháy, mảnh gang, sắt vụn và các quả cầu. Khi sử dụng thì châm ngòi nổ và ném vào đối phương. Các nhà nghiên cứu vũ khí cho rằng đây là một dạng lựu đạn khủng, được chế tác công phu, sức sát thương rất cao.
Ngay trong trận đánh đầu tiên, quân của Nguyễn Huệ với 380 chiếc hỏa cầu đã tiêu diệt gần một vạn quân địch. Đặc biệt trong một lần sang do thám, sứ nhà Thanh là Triệu Cấn Thành đã tóm được một chiếc hỏa cầu. Do không hề biết sử dụng và công năng của nó thế nào, lại hăm hở muốn mang về để báo công với vua Thanh. Nhưng khi Triệu Cấn Thanh để trong nhà mình, bất cẩn lăn từ bàn xuống bếp lửa, hỏa cầu đã nổ tung khiến cho cả nhà Triệu Cấn Thành trọng thương.
Hỏa cầu cũng như một loại lựu đạn khủng
Trận đánh lịch sử không thể nào quên
Năm 1789, trước khi mở một trận đánh lịch sử làm phá tan đội quân nhà Thanh, Nguyễn Huệ đã cho triệu 15 tướng tài để làm cuộc hội ý bí mật. Cuộc hội ý này thống nhất sẽ đánh các thế lực phản loạn trước. Không quản ngày đêm, quân Tây Sơn ra Thăng Long chặn đuổi bọn quan lại nhà Lê, lính Bắc Hà đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của hỏa hổ Tây Sơn.
Các tướng tàn của Bắc Hà khiếp hãi và truyền kháo nhau rằng; “Các đội quân Trịnh thấy mũi giáo Tây Sơn quá sắc liệu không chống nổi, cố sức lấy súng lớn bắn ra, quân Tây Sơn đều cúi đầu tránh đạn mà nhảy vào. Chúa Trịnh mặc nhung phục, đứng trên voi phất cờ hồng thúc các quân. Quân Tây Sơn lấy ông hỏa hổ tung ra, quân Trịnh đều tan vỡ, vứt gươm, bỏ giáo, xô nhau chạy trốn thể như núi đổ, chồng chất đạp lên nhau mà chết”.
Sau khi dẹp yên được các thế lực chống đối này, Nguyễn Huệ quyết định mở cuộc tổng tấn công với quân Thanh. Đây là một quyết định hoàn toàn sáng suốt của ông. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 4, trang 7) có chép, nhiều quan tướng phương Bắc đầu hàng, Nguyễn Huệ đã khoan lòng từ bi tha bổng. Một mặt ông muốn thể hiện lòng nhân nghĩa, mặt khác ông đang tập trung trí lực đánh một trận cực lớn với nhà Thanh.
Nguyễn Huệ có tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh, giỏi chiến đấu. Ông cầm quân từ năm 17 tuổi, đánh đông dẹp bắc toàn đều toàn thắng nhờ vào phương châm chiến thuật: bí mật và thần tốc, lấy chính binh làm chủ, kỳ binh làm phụ. Đỉnh cao nhất là trận phá quân Xiêm - Nguyễn ở Rạch Gầm - Xoài Mút và chiến dịch đại phá 20 vạn quân Thanh. Nguyễn Huệ liên tục quán triệt quan điểm này cho các quan cận thần”. Trước lời truyền tai về sự lợi hại của hỏa hổ-hỏa cầu.
Triều đình nhà Thanh trấn an quân sỹ của mình bằng cách rêu rao rằng; “Thật ra, cuân Nam (chỉ quân Tây Sơn) không có sở trường gì khác, toàn dùng ống phun lửa làm lợi khí, gọi là hoả hổ. Khi hai quân giáp nhau, trước hết họ dùng thứ đó để đốt cháy quần áo người ta, buộc người ta phải rút lui.
Nhưng tài nghệ của họ cũng chỉ có thế thôi, so với súng ống của ta thì họ kém rất ra, không có gì là đáng ngại. Hiện nay, ta chế sẵn vài trăm lá chắn da trâu sống. Nếu gặp hoả hổ của người Nam phun lửa, thì quân tay cầm lá chắn ấy đỡ lửa một tay cầm dao chém bừa chắc rằng chúng bỏ chạy tan tác mà tự nguyện dâng đất cho ta mà thôi”. Khi biết nhà Thanh rêu rao điều này, càng khiến cho Nguyễn Huệ hạ quyết tâm đánh một trận lịch sử.
Sau khi đã cho chuẩn bị đầy đủ 1 vạn hỏa hổ và 1,2 vạn hỏa cầu, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy quân Tây Sơn tấn công thần tốc, bất ngờ vào thành Thăng Long làm nên trận thăng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa.Trong trận đánh này, quân Tây Sơn dùng tượng binh phá kỵ binh, dùng hỏa hổ, hỏa cầu gây rối loạn bộ binh quân Thanh, dụ quân địch lên giáp lá cà mới bắn hỏa hổ. Trước thế trận thần tốc cùng với sự sáng tạo của quân Tây Sơn, hơn 20 vạn quân Thanh đã hoảng loạn dẫm đạp lên nhau, chết như rạ.