THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:33

Bị côn trùng đốt, coi thường là rước họa khó lường

 

Trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh do côn trùng đốt.


Các bác sĩ cảnh báo, thời tiết giao mùa, trời nồm, ẩm nóng như hiện nay là thời điểm thuận lợi cho các loại côn trùng gây các bệnh về da phát triển, nhất là muỗi, kiến ba khoang, ong bướm, sâu róm, bọ chét… 

Trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất

TS Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh do côn trùng đốt hay gặp nhất là do kiến ba khoang, thường xảy ra thành vụ dịch. Năm ngoái, Hà Nội và các tỉnh lân cận đã xảy ra vụ dịch viêm da dị ứng do kiến ba khoang đốt vào mùa thu với gần 4.000 bệnh nhân đến khám. Còn từ đầu năm nay đến nay, bệnh viện này cũng xuất hiện trở lại các trường hợp mắc bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng với khoảng hơn 300 bệnh nhân đến khám, điều trị. 

Tương tự, tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai hay Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp vào khám, điều trị do bị côn trùng, phổ biến hơn cả là bị kiến ba khoang đốt. PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thân của kiến ba khoang có chất pederine. Thông thường, khi bị kiến ba khoang đốt, chúng ta hay có phản ứng đập, miết con kiến, lúc này hóa chất pederine trong con kiến giải phóng ra, nếu chúng ta không rửa tay mà lại chạm, bôi vào vùng da khác sẽ gây viêm da tiếp xúc, bỏng nhẹ trên da.

Theo các bác sĩ, tùy theo từng loài côn trùng, liều lượng nọc độc và cơ địa của mỗi người mà biểu hiện tổn thương khác nhau, mức độ nguy hiểm cũng khác nhau. TS Đỗ Thị Thu Hiền cho biết, đa số trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ như sưng nề đỏ, ngứa và đau ở nơi bị đốt, những biểu hiện này thường tự biến mất.

Một số trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thân như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đáng chú ý, trẻ em là đối tượng thường xuyên bị mắc bệnh do côn trùng đốt hơn cả. PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ mắc bệnh này thường diễn tiến nặng hơn do trẻ có sức đề kháng kém, làn da mỏng, không chịu được ngứa nên thường gãi khiến vết côn trùng đốt trầy xước gây nhiễm trùng và lan rộng.

“Chúng ta nên vệ sinh sạch sẽ, rửa tại chỗ vết thương, khoảng 2-3 ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chủ quan vì có một số vết thương có thể gây nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng mặc dù vết thương rất nhỏ” - PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cảnh báo.

Không lạm dụng các phương pháp dân gian

Hiện nay, có nhiều cách xử lý khi bị côn trùng đốt như: bôi dầu khuynh diệp, bôi nước vôi, rửa vết côn trùng đốt bằng nước chanh, giấm loãng hay muối sinh lý, xà phòng… TS.BS. Đỗ Thị Thu Hiền cho biết, đa phần trường hợp bị côn trùng đốt thường tự xử lý tại nhà và có hiệu quả bằng những phương pháp kể trên. Tuy nhiên với những vết đốt gây các biểu hiện như viêm, nhiễm trùng thì bệnh nhân cần sự hỗ trợ của bác sĩ với các kem bôi có phối hợp kháng sinh, corticoid để làm giảm viêm và các thuốc bôi đặc trị giúp giảm triệu chứng nhanh. 

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết thêm, với những trường hợp bị côn trùng đốt gây hậu quả như sốt cao, sưng phù, tái đi tái lại, trẻ gãi liên tục gây mủ... thì bắt buộc phải đưa trẻ đến cơ sở y tế. Do vậy, người bị côn trùng đốt không nên lạm dụng các phương pháp xử lý theo kiểu truyền miệng, nhất là khi không nắm rõ tình trạng bệnh.

Đặc biệt, hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc xịt, phun được quảng cáo có tác dụng diệt côn trùng, phòng muỗi đốt… PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cảnh báo, bản chất của thuốc phòng chống muỗi, côn trùng đốt là những thành phần hoá học để diệt muỗi, khiến cho côn trùng không hoạt động được.

Tuy nhiên khi chất này ức chế côn trùng hoạt động thì bản thân người dùng, nhất là đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nếu nồng độ chất hóa học cao. Do đó, người dân không nên lạm dụng các loại thuốc, hóa chất này và khi sử dụng cần đúng liều lượng, tuân thủ theo hướng dẫn. Với những gia đình có trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ đang có vết trầy xước trên da thì tốt nhất không nên sử dụng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh