CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:32

Bí ấn chuyện người chết 12 giờ bỗng dưng sống lại

 

Già làng Rơ Châm Ip kể lại chuyện chết đi sống lại của mình

Chuẩn bị làm đám ma đưa tiễn người chết

Ở làng Bloi (thị trấn Yaly, huyện Chư Păh, Gia Lai) nhiều người cao tuổi vẫn chưa hết kinh ngạc khi nhắc đến câu chuyện về sự sống lại hết sức lạ lùng của già làng Rông - Rơ Châm Ip (SN 1941). Gặp chúng tôi, già làng Ip vui vẻ kể chuyện sống lại kì lạ của mình: “Mấy người làng mình nghe chuyện của mình đã hết sức hoảng sợ, sau đó thì lại ngạc nhiên, vui mừng”, già Ip khởi đầu câu chuyện như thế khi chúng tôi tìm về địa phương xác minh thực hư câu chuyện người chết sống lại được người dân khắp nơi đồn đại này.

Bằng chất giọng sang sảng, nhưng chân chất như bao người dân Tây Nguyên, ở cái tuổi 74, già Ip vẫn khỏe mạnh. Già làng Ip kể, khi ấy già làng còn trẻ, không hề bị bệnh gì, nhưng đột nhiên sáng “ngày định mệnh” ấy, không hiểu tại sao tự nhiên “không còn sự sống”, với những dấu hiệu tắt thở, tim ngừng đập. Khi ấy khoảng 6 giờ một ngày mùa khô, trời vẫn chưa sáng rõ.

Mọi người trong nhà kể rằng: “Ban đầu mọi người tưởng mình đang ngủ thôi, nên để mình nằm trong chăn, còn họ thức dậy làm việc. Nhưng mấy tiếng đồng hồ liền sau đó mà mình không hề động đậy gì hết, mẹ mình thấy lạ mới kiểm tra xem có thở không, tim còn đập không. Thấy mình không còn thở, mẹ mình sợ hãi gọi cha mình đang làm ngoài vườn và nhiều người khác trong làng tới kiểm tra. Chẳng ai thấy mình thở, hay tim mình đập nữa, nên bảo nhau rằng mình chết rồi, mình bị thần chết bắt đi rồi!”, già làng Ip cười xòa.

Tưởng  Ip chết, mọi người ngậm ngùi, đau đớn, thương tiếc. Khi ấy  Ip cường tráng lắm, như con trâu núi vậy, chẳng bệnh tật gì, chẳng đau đớn gì. Đang ngủ mà chết thế thì cũng buồn lắm. Thế là sau giây phút nhiều người dân trong làng đổ xô đến để kiểm tra xem Ip còn sống hay đã chết thật. Ai cũng bảo già Ip chết rồi. Cứ thế, theo tập tục địa phương, mọi người chia nhau chuẩn bị các đồ lễ để làm đám ma cho người xấu số. Các đồ ma chay đã xếp đầy chung quanh nhà Ip, nào là quần áo, nồi niêu, bát đĩa, cồng chiêng, ghè rượu, gùi… Những đồ đạc này, theo phong tục của người Jrai là đồ người sống chia cho người chết, sẽ được chôn cất theo người chết, hoặc lưu giữ tại mộ người chết, để người chết sử dụng ở thế giới bên kia.

Cũng trong thời gian đó, mọi người trong làng tập trung đông đủ tại nhà  Ip, chia buồn với gia đình, giúp gia đình chuẩn bị những thứ cần thiết để đưa ma, một số thì ngồi uống rượu la liệt khắp trong nhà, ngoài vườn. Cha, mẹ thì ngồi cạnh Ip, khóc than tiễn biệt người con xấu số đoản mệnh, chưa có Vợ con nối dõi đã vội vã ra đi. Chỉ sáng mai thôi là già Ip được chôn xuống đất, mãi mãi rời xa mọi người. Nhưng  kỳ lạ thay khi mọi người đang khóc lóc cầu Giàng, huyệt mộ đã đào trong nhà mồ của làng, người người đã uống đến cái ghè rượu cuối rồi, thì bất ngờ chiều tối cùng ngày già Ip tỉnh lại.

Chuyện chưa từng xảy ra

Già làng Ip kể: “Lúc đó trời nửa sáng nửa tối, tự nhiên mình ngồi bật dậy, ngơ ngác nhìn không hiểu có chuyện gì mà xung quanh mình chất bao nhiêu đồ đạc, cha mẹ thì khóc lóc thảm thiết, trong nhà ngoài sân từng đống lửa cháy lép bép, mọi người rượu đã ngà ngà. Khi họ thấy “cái xác bật dậy” thì hết sức hốt hoảng, sợ hãi vì sự việc lạ lùng, chưa từng một lần chứng kiến trước đây. Họ lại tưởng mình đã biến thành con ma quay trở về làm hại dân làng nên bỏ chạy toán loạn. Vừa chạy họ vừa ngoái lại nhìn mình với ánh mắt sợ hãi. Còn cha mẹ mình, sau hoảng hốt thì cũng đi lại xem mình là người hay ma. Rồi cứ xoa nắn khắp người. Khi biết chắc mình sống lại, mình không phải con ma, cha mẹ vô cùng mừng rỡ, ôm chặt lấy mình khóc ầm ĩ vì sung sướng!”.

Già Ip kể lại, khi thấy già ngồi bật dậy, người trong làng bỏ chạy hết rồi, quanh nhà mò chỉ còn cha mẹ và người em vì sợ quá không chạy nổi. Người làng kẻ chạy toán loạn, kẻ đứng lấp ló sau những gốc cây lớn, ai nấy đều sợ hãi tột độ. Có mấy người thanh niên còn chạy về nhà lấy ná, lấy rìu, lấy mác ra để chống lại con ma Ip. Lúc ấy mẹ Ip chẳng biết vì vui mừng quá, hay vì sợ mọi người làm hại con bà mà bà chạy khắp làng, vừa chạy bà vừa gào lên: “Giàng ơi, lũ làng ơi, thằng Ip sống lại rồi. Nó không phải là con ma đâu. Nó trở lại làm người rồi. Mọi người ra xem đi. Nó trở lại làm người rồi!”

Mọi người ban đầu còn sợ sệt, nhưng cũng có vài thanh niên vốn chơi với già Ip tò mò nên đến gần xem thử, tất nhiên trên tay vẫn khư khư mấy thứ vũ khí vì vẫn sợ Ip là con ma. Thế nhưng khi tận mắt nhìn thấy Ip, tận tay sợ vào già Ip, thấy già sống lại kì diệu, nên cho đó là một tín hiệu đáng mừng. Mấy thanh niên cười rồi nói với người làng, thế là lũ lượt người làng chạy ra, người xoa đầu, người cầm tay, người vỗ vai.

Già làng hồi ấy là Siu prố cười sảng khoái rằng: “Thằng Ip không phải là ma”. Thế là đám ma của già Ip bỗng dưng biến thành đám hội của cả làng. Chiêng mõ đánh lên, báo cho cả các buôn làng bên cạnh biết. Người làng khác cũng lũ lượt kéo đến, mang theo nào là ghè rượu, nào là thịt thú rừng, nào gạo nương mới để tổ chức ăn mừng, ăn uống linh đình suốt đêm đó và ngày hôm sau. Bao nhiêu ghè rượu, bò, heo, gà đã được làm thịt để đưa ma, bỗng chốc dành để ăn mừng “điều kì diệu”. Dân làng coi đây là một việc rất trọng đại, một việc rất đáng mừng.

Vì sao sống lại?

Về nguyên nhân cậu bé Ip sống lại, mọi người trong làng truyền tai nhau bảo vì Ip còn trẻ nên Giàng không nỡ để phải chết. Người khác lại bảo vì gia đình Ip sống tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người trong làng nên khi Ip chết ai cũng thương, Giàng thấy thế nên không muốn Ip chết sớm. Lại có người cho rằng cha Ip khi ấy đang là người có uy tín, hiểu biết, dũng cảm, có nhiều đóng góp cho buôn làng, nên Giàng cảm động, “cứu con trai nó khỏi chết, để sau này con trai nó trở thành già làng nhà Rông uy tín tiếp theo” như cách nói của người dân địa phương. Bởi theo phong tục của người Jrai, già làng nhà Rông là người phụ trách việc cúng nhà Rông, cúng Giàng. Người này được chọn lựa rất kĩ càng trong những người cao niên có uy tín nhất làng. Thường thì già làng nhà Rông được cha truyền con nối.

Mãi sau này, khi già Ip đã hoàn hồn thì mới nhận ra mình đã chết nhiều giờ, đã được cha mẹ và người làng tổ chức đám tang chuẩn bị mang đi chôn cất rồi. nếu già Ip chỉ chậm một đêm nữa thôi, thì có lẽ đã nằm chung với ông bà dưới nhà mồ rồi. Già làng Ip cũng kể thêm, từ sau lần sống lại lạ lùng, kì diệu đó, ông sống rất khỏe mạnh, ít khi bị đau ốm tới bây giờ đã 74 tuổi.

Trao đổi với chúng tôi chuyện chết đi sống lại của già Ip, ông Rơ Châm Hải, Trưởng Công an thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, Gia Lai) xác nhận với chúng tôi rằng sự việc là có thật. Tuy nhiên ông Hải cũng lý giải về chuyện này. Ông Hải cho rằng có khả năng khi ấy trình độ hiểu biết của mọi người chưa cao nên khi già làng Ip “ngất đi”, rơi vào trạng thái chết lâm sàng hoặc cận tử như y học hiện đại chứng minh, trong khi đó mọi người lại tưởng già làng Ip bị chết thật nên tổ chức đám tang.

Không chỉ có chuyện chết đi sống lại của già Ip, ông Hải còn kể một chuyện “người chết sống lại” còn nhiều lạ lùng hơn xảy ra  từ khoảng 200 năm trước. Khi xưa vùng đất thuộc khu vực lòng hồ và ven hồ Ya Ly (phần thuộc địa phận thị trấn Ia Ly) có sự tồn tại của làng Ngol Go. Làng này là một làng lớn nhất, giàu có nhất, sung túc nhất vùng trong một thời gian dài.

Trong làng có một người đàn ông tên Dam Drang thân hình vạm vỡ, rất dũng mãnh, khỏe mạnh, anh hùng, được mọi người hết sức ngưỡng mộ, yêu quý. Người này khi đi săn bắn thường săn được nhiều nhất.

Trong những trận giao tranh với các bộ tộc, các làng khác luôn đi đầu, chiến đấu dũng cảm, đem lại chiến thắng, sự bình yên và nhiều của cải quý giá cho buôn làng. Nhưng không may trong một trận đánh với một bộ tộc khác, ông bị nhiều người bao vây đánh trọng thương. Khi mọi người tìm được ông không còn dấu hiệu nào của sự sống. Mọi người thấy vậy hết sức đau buồn, liền cùng nhau khiêng về để làm ma. Thân thể của Dam Drang được để suốt 2 ngày đêm, xung quanh xếp nhiều đồ đạc, của cải.

Chính thời điểm nắp quan tài sắp đóng lại, đưa xuống huyệt để chôn, mọi người khóc lóc thảm thiết, kêu gào tên ông vì xót thương, ông bất chợt đẩy nắp quan tài ra, bật dậy. Ông nhảy ra khỏi quan tài, chạy ngay tới chỗ để thức ăn, nước uống. Ông ăn một lèo hết một nồi cơm to, nửa con lợn, một con gà. Ăn xong ông uống 2 hơi hết 2 bầu nước lớn. Sau đó, Dam Drang vẫn tiếp tục sống vui vẻ, khỏe mạnh trong làng cùng mọi người.

“Theo lời của các già làng kể lại, làng này có tới 7 nhà Rông, 3 nhà mồ, bốn phía đều có giọt nước lớn, trâu bò, chiêng, chóe… nhiều vô kể. Trong một lần giao tranh với một tộc người đến từ phía Tây, cách nay hơn trăm năm, làng Ngol Go bị thua to nên mọi người tứ tán khắp nơi. Dần dần không ai biết người làng đã đi đâu. Bây giờ thi thoảng người dân đi làm nương rẫy gần hồ Ya Ly vẫn nhặt được những vật dụng của làng này còn sót lại”, ông Hải nói.

Câu chuyện “sự sống lại kì diệu của người anh hùng Dam Drang” này, những người cao tuổi trong nhiều làng ở thị trấn Ia Ly vẫn hay kể lại cho con cháu nghe. Theo quan điểm của ông Hải, những câu chuyện dân gian như thế này đã truyền qua nhiều đời, nhiều người, nên ít nhiều có những chi tiết bị sai lệch. Ông Hải cho rằng việc chết đi sống lại chỉ là biểu hiện của việc bị chết lâm sàng mà thôi.

AP (Theo ANTĐ)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh