Bí ẩn chuyện gia sản Trần gia bốc hơi trong tay Công tử Bạc Liêu
- Văn hóa - Giải trí
- 04:42 - 01/09/2016
Trần Trinh Trạch (1872-1942), hay thường gọi là Hội đồng Trạch, nguyên là thành viên của Hội đồng Tư mật Nam kỳ (Conseil Preivé), nguyên Chánh hội trưởng và đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam - ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, được coi là một trong "Tứ đại Phú hộ" của Sài Gòn. Trần Trinh Trạch có bảy người con (ba trai, bốn gái). Người con trai thứ ba của ông là Công tử Bạc Liêu.
Bàn thờ cha mẹ Công tử Bạc Liêu. (Ảnh sưu tầm)
Năm 1945, Việt Minh giành chính quyền, có lẽ công việc lớn nhất của chính quyền cách mạng là tịch thu đất của địa chủ cấp cho người dân. Theo số liệu lúc bấy giờ, đến hơn 90% tá điền được cấp đất. Đến khi thực dân Pháp quay trở lại, Trần gia những tưởng khôi phục lại những gì đã mất, nào ngờ Việt Minh đã làm “nổi lên” kháng chiến. Vùng cách mạng làm chủ lại nằm trên gần như toàn bộ các sở điền của Trần gia. Ở đó, Việt Minh đã tổ chức đời sống mới. Việt Minh còn chủ trương yêu cầu địa chủ giảm tô rồi thối tô cho tá điền…
Công tử Bạc Liêu
Người con trưởng của Trần Trinh Trạch là Trần Trinh Đinh, được Trần gia giao cai quản nhà máy xay xát Hậu Giang. Khoảng giữa năm 1946, Việt Minh gởi giấy yêu cầu Đinh nộp thuế nhà máy cho cách mạng để nuôi quân kháng chiến. Lúc này, mặc dù thị xã Bạc Liêu bị Pháp chiếm đóng, nhưng ở vùng nông thôn, lực lượng Việt Minh rất mạnh, nên Đinh sợ, đành ôm tiền đi nộp. Sau đó, không biết căn nguyên thế nào mà “lính kín” (mật thám) phát hiện được. Đinh vô cùng sợ hãi. Và sau đó, y trốn biệt lên Sài Gòn. Vợ con y cũng theo luôn. Đinh không trở về cai quản điền sản Trần gia nữa.
Còn Trần Trinh Khương, người con út, sau Cách mạng tháng Tám cũng đã đưa toàn bộ vợ con qua Pháp ở. Có người nói rằng, Khương theo chân Pháp, nhưng hậu duệ dòng họ Trần Trinh thì cho rằng, Khương đi vì lý do kinh tế. Con cái Khương ngày nay rất thành đạt, có người làm thương gia, kỹ sư, bác sĩ…
Cuối cùng sự nghiệp Trần gia bây giờ chỉ còn trông cậy vào Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu). Thế nhưng, Huy lại là kẻ chỉ biết ăn chơi chứ không biết làm. Huy có làm chăng là để tạo cớ mà thụt két gia đình. Sản nghiệp họ Trần giao cho Huy cũng giống như “giao trứng cho ác”. Đến bây giờ, hậu duệ dòng họ Trần Trinh đã đúc kết được một câu “xanh rờn”: “Cả đời Trần Trinh Huy chỉ biết ăn chơi chứ không biết làm”.
Bộ bàn ghế làm bằng gỗ quý của Trần gia.
Phan Kim Khánh, người được dân Bạc Liêu thập niên 60 gọi là Công tử Khánh vốn là cháu ngoại của Trần Trinh Trạch. Khánh đã từng đánh cắp cổ vật để trên bàn thờ ông ngoại mình đem đi Sài Gòn bán. Ngoài ra, Khánh còn bán vài căn phố lầu ở Bạc Liêu của Trần Trinh Trạch, vốn thuộc quyền thừa kế của mẹ mình là bà Trần Thị Đông.
Có lần, Phan Kim Khánh kể rằng: "Khoảng năm 1965, tôi ở Sài Gòn về Bạc Liêu chơi. Khi đi ngang qua nhà của một ông già chuyên bán đồ lạc-xoong rất lớn, tôi chợt nhìn thấy 4 bộ lư rất đẹp và rất quen thuộc. Đây là 4 bộ lư mắt tre, cao 1,2 thước. Nếu căn cứ vào thời điểm bây giờ thì nó là cổ vật, giá 7 – 10 cây vàng 1 bộ. Tôi nhận ra nó là những bộ lư được trưng trên bàn thờ nhà lớn của ông ngoại tôi. Tôi tinh quái thăm dò lão già bán lạc-xoong:
- Ông mua ở đâu mà có mấy bộ lư đẹp quá?
Lão già ra chiều bí mật, ngó dáo dác rồi nói nho nhỏ vào tai tôi:
- Tao vừa mua của một nhà giàu xưa.
Tôi ướm hỏi:
- Chắc của Hội đồng Điều?
- Nhằm nhò gì, của một gia đình giàu nhất vùng này.
Nghe lão già nói xong, tôi chạy qua gặp ông cò cảnh sát rồi báo:
- Đồ vật quý trong nhà ông ngoại tôi bị đánh cắp, yêu cầu ông cò cho nhân viên công lực qua điều tra.
Sập ba thành dành cho khách đến chơi.
Sau đó, họ điều tra ra thủ phạm chính là Nhơn và Đức, anh cô cậu ruột của tôi, con của cậu Ba Huy. Sau vụ này, cậu Ba Huy rất tin tôi nên giao trông coi tài sản gia đình. Và ông đã lầm – lại “giao trứng cho ác”.
Một số con cháu của Trần gia, rũ bỏ tiền tài và giai cấp của ông cha để theo cách mạng. Ngoài rể là Phan Kim Cân, cháu ngoại là Phan Kim Sơn, còn có ông Hai Lượm tham gia cách mạng, có người làm đến cấp hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam như ông Tính…
Vào thập niên 40 trở về sau, cách mạng như một dòng sông chảy xiết, cuốn theo đại bộ phận nhân dân chảy đến cái đích của tự do độc lập, cơm áo cho dân cày.
Thế cho nên, điền đất của Trần gia không còn phát sinh lợi tức từ điền tô nữa. Do vậy, nó không thể gồng gánh nổi việc nuôi nấng những cậu ấm, cô chiêu gót đỏ như son, vốn quen chơi hơn quen làm. Và cứ thế… Trần gia từ từ suy sụp.
Cho đến khi Mỹ nhảy vào với chiêu bài mua chuộc nông dân, cường quốc số 1 thế giới ấy đã đổ ngoại tệ mạnh vào rồi ban hành “Sắc luật 03 – người cày có ruộng” để mua hết toàn bộ điền đất của ông Trạch gọi là truất hữu (truất quyền sở hữu) với một số tiền khổng lồ (chỉ chừa lại 1.000 công đất phụ ấm ở Cái Dầy).
Sự giàu có của Trần gia nức tiếng khắp cả nước.
Thế nhưng, số tiền này con cháu của ông Trạch cũng không được hưởng trọn vẹn, bởi vì theo quy định của ông Trạch lúc sinh thời thì người quản lý của ông (ông Hen-ri) được hưởng 10% lợi tức do sản nghiệp Trần gia mang lại. Đồng thời, nếu số tiền truất hữu nói trên được rút ra chia cho con cháu thì ông Hen-ri lại cũng được hưởng 10%.
Phản ứng trước việc hưởng khoản tiền phần trăm vô lý này mà anh em nhà họ Trần Trinh đã họp lại và nhất trí không rút tiền ra mà gởi Ngân hàng để lấy lãi chia cho con cháu. Quyết định trên, khiến cho dòng họ Trần mất một khoản tiền khổng lồ, là vì sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, chế độ mới không công nhận khoản tiền bán đất cho Mỹ và do bóc lột mà có.
Nhiều đồ sứ quý giá để trong nhà.
Thật ra, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ không lấy gì ưu ái lắm với Trần gia. Họ đã quản lý ngôi nhà lớn của Trần Trinh Trạch, lúc đầu thì cho Mỹ ở, sau lấy lại làm Tổng hành dinh của Sư đoàn 21 ngụy. Nghe nói, trong thời gian chiếm giữ, họ đã phá phách làm hư hại nội thất của ngôi nhà và đã lấy đi nhiều đồ vật quý.
Sau ngày miền Nam giải phóng, dòng họ Trần còn lại một ít điền sản và bất động sản như: lô đất ở Cái Dầy, 10 căn phố lầu và 3 ngôi biệt thự ở thị xã Bạc Liêu. Những tài sản này sau đó bị Nhà nước quản lý, bởi vì đó là tài sản nhân dân được trả về cho nhân dân. Vài năm sau, 1 trong 3 ngôi biệt thự được Nhà nước ta xét trả lại cho một người cháu của Trần Trinh Trạch, vì có những đóng góp cho cách mạng.