CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:10

Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” cho người bệnh

Bài 2: Thủ tục nhiêu khê, dân khó tiếp cận BHYT hộ gia đình

 

Thủ tục phiền phức, vướng mắc

Chị Lê Thanh Thủy, hộ kinh doanh buôn bán nhỏ ở Hà Nội gần 10 năm nay, có sổ tạm trú diện KT3 tại Hà Nội. Gần đây, chị tham gia  BHYT tự nguyện. Tuy nhiên, tại địa bàn nơi chị sống, đại lý bảo hiểm yêu cầu phải về quê tận Nam Định để nhận thẻ BHYT cấp cho trẻ dưới 6 tuổi cho con chị, từ đó chứng minh gia đình chỉ còn chị là chưa có BHYT, như vậy mới được mua. “Thế nhưng ở phường bên cạnh thì đại lý lại chỉ yêu cầu cung cấp giấy khai sinh của con là sẽ được mua. Mỗi nơi một kiểu nên chúng tôi chả hiểu thế nào. Trong khi Nhà nước đang khuyến khích người dân mua BHYT hộ gia đình mà thủ tục lại yêu cầu quá phức tạp. Dân muốn mua mà thấy thủ tục nhiêu khê quá, họ sẽ ngại”, chị Thủy phàn nàn.

Thủ tục rườm rà khiến không ít người ngại mua BHYT. 

Trường hợp của chị Thủy chỉ là một trong rất nhiều những rắc rối mà người đi mua BHYT hộ gia đình gặp phải. Bởi trong việc kê khai BHYT vẫn còn rườm rà đối với cả người mua mới và người gia hạn thẻ khiến người dân gặp không ít khó khăn, nhất là những đối tượng là người cao tuổi, người lao động có dân trí thấp. Có một thực tế là bản thân các đại lý BHYT phường, xã không được cập nhật thường xuyên các thay đổi của văn bản nên đã xảy ra không ít trường hợp đại lý thu sai đối tượng, yêu cầu một số thủ tục không có trong quy định …

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2015, đã có 70 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 76% dân số. Trong đó, cả nước có hơn 9 triệu người tham gia BHXH theo hộ gia đình và vẫn còn hơn 16 triệu người chưa tham gia BHYT. Theo quy định của Luật sửa đổi một số điều của Luật BHYT, từ năm 2015, những người thuộc đối tượng tham gia BHYT tự nguyện sẽ tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhưng trên thực tế việc triển khai BHYT hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cấp xã, phường… Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Vũ Xuân Bằng cho biết: Thời gian qua, BHXH Việt Nam và cơ quan BHXH các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn tới các đại lý ở cấp xã. Nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều đại lý còn áp dụng cứng nhắc, ảnh hưởng tới công tác triển khai chính sách BHYT. Theo quy định, việc đăng ký mua thẻ BHYT rất đơn giản. Mỗi hộ chỉ cần kê khai tên tuổi và số thành viên trong gia đình. Không cần phải photocopy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thẻ cũ. Chủ hộ chỉ cần ký tên và chuyển cho đại lý để mua thẻ BHYT. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn bắt người dân phải thực hiện các thủ tục nêu trên.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Các quy định, thủ tục về mua BHYT theo hộ gia đình đã được điều chỉnh thuận tiện, ít phiền phức hơn cho người dân tham gia BHYT. “Tuy nhiên khi triển khai xuống các địa phương, đại lý thì vẫn còn những vướng mắc, nhiều cán bộ đại lý ở phường, xã chưa thuần thục các biểu mẫu, quy định nên vẫn gây khó dễ cho dân. Vẫn còn tình trạng một số đại lý thu thực hiện chưa đúng quy định như thu sai đối tượng, yêu cầu một số thủ tục không có trong quy định...”, bà Huyền nêu thực trạng.

Theo Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), những người lao động tự do có sổ tạm trú (KT3) sẽ được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Thế nhưng, theo luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động vì Phát triển cộng đồng (ACDC) khi áp dụng vào thực tế mới thấy quy định trên xuất hiện rất nhiều vấn đề, nhất là đối với người làm nghề lao động tự do như xe ôm, bán vé số… Bởi thực tế thủ tục cấp KT3 cho người ngoại tỉnh hiện không hề dễ dàng.

Hướng dẫn người dân tham gia BHYT hộ gia đình. 

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Lan, dù việc mua BHYT theo hộ gia đình giúp tiết kiệm hơn so với mua từng người nhưng vẫn là thách thức với những hộ thu nhập thấp. Ví dụ, với người khuyết tật, chỉ những trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội mới thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí, còn những người khuyết tật không thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội sẽ phải tự mua BHYT theo hộ gia đình. “Như vậy, nếu trong nhà chỉ có một người khuyết tật mà bắt buộc các thành viên khác cũng phải cùng mua BHYT e là không thỏa đáng, vì mức sống của đại đa số gia đình có người khuyết tật rất khó khăn”, luật sư Lan phân tích.

Có BHYT vẫn phải bỏ tiền túi ra chữa bệnh?

“Không biết là vô tình hay hữu ý, bất cứ ai đi khám chữa bệnh, câu đầu tiên đều được nhân viên y tế hỏi: “Có thẻ bảo hiểm y tế không?”. Chính vì vậy mà không nhiều người muốn tham gia BHYT nếu không thuộc đối tượng bắt buộc”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm VPQH, Tổng Thư ký Quốc hội đưa ra một trong những lý do khiến người dân không mặn mà tham gia BHYT.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, có rất nhiều lý do khiến người dân không muốn tham gia BHYT nếu không bị bắt buộc hoặc được ngân sách nhà nước đóng giúp tiền BHYT, trong đó có nguyên nhân quan trọng là người tham gia sợ bị phân biệt đối xử với người trả “tiền tươi, thóc thật” khi đi khám chữa bệnh. Thực tế có rất nhiều người có thẻ BHYT nhưng mỗi khi nhân viên y tế hỏi họ có thẻ không, thì đều nói là không có và chấp nhận khám dịch vụ vì sợ bị phân biệt đối xử. “Bác sỹ chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn của mình, không được phép phân biệt đối xử giữa các bệnh nhân với nhau. Còn khi thanh toán viện phí, người có thẻ sẽ được Quỹ BHYT thanh toán, còn người không có thẻ phải thanh toán 100% viện phí. Có như vậy mới khuyến khích người dân tham gia BHYT”, ông Phúc đề xuất.

Năm 2015, Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP Hà Nội cũng đã giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách BHYT tại 3 quận, huyện và 2 bệnh viện của thành phố, qua đó phát hiện không ít vướng mắc từ phía các cơ sở cũng như phản ánh chưa hài lòng của người bệnh khi thực hiện chính sách này. Đáng chú ý, nhiều người bệnh có thẻ BHYT vẫn phải bỏ tiền túi để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế nằm trong danh mục được BHYT thanh toán vì lý do hết… thuốc, vật tư nên bệnh viện yêu cầu bệnh nhân phải tự ra ngoài mua.

Ông Phạm Xuân Tài, thành viên Đoàn giám sát cho biết, theo quy định, khám cấp cứu dù vượt tuyến, trái tuyến vẫn được thanh toán đầy đủ, nhưng vì xác định thế nào là “cấp cứu” hoàn toàn phụ thuộc vào bác sĩ và bộ phận giám định BHYT, nên không ít trường hợp bệnh nhân buộc phải chấp nhận điều trị dịch vụ, nộp tiền toàn bộ. Thậm chí, có trường hợp như ở Bệnh viện huyện Gia Lâm, bác sĩ đã xác nhận bệnh nhân thuộc diện “cấp cứu” nhưng sau đó, cơ quan giám định BHYT lại xác định trường hợp này chưa đến mức “cấp cứu” nên không thanh quyết toán. Chưa kể thủ tục hành chính trong thực hiện thanh quyết toán BHYT còn phiền hà, bác sĩ lập hồ sơ bệnh án nhiều khi không đúng quy định mới của pháp luật về BHYT dẫn đến người bệnh không được thanh toán hoặc bệnh viện phải sang cơ quan bảo hiểm… giải trình.

Bên cạnh những vướng mắc nói trên, tình trạng nhiều người bệnh chấp nhận chịu thiệt thòi về quyền lợi BHYT của mình để tự ý vượt tuyến cũng khá phổ biến. Bởi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là trạm y tế đa phần có chất lượng rất hạn chế, trong khi thủ tục chuyển tuyến lại phiền hà. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT gặp khó khăn.

 

Theo Luật BHYT (sửa đổi) nhằm khuyến khích, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, Luật quy định: Người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Năm 2016, mức đóng BHYT vẫn là 4,5% mức lương cơ sở.

Tâm lý chủ quan, cho rằng mình đang ở độ tuổi khỏe nhất, không ốm đau nên rất nhiều người dân trong độ tuổi từ 20 đến 59 đã không tham gia BHYT. Do đó, sau một năm thực hiện quy định hộ gia đình bắt buộc tham gia BHYT, số người tham gia BHYT hộ gia đình cũng chỉ tăng khoảng 1,5 triệu người. Hiện còn khoảng 24 triệu người chưa tham gia BHYT. Thủ tục khó khăn trong quá trình triển khai cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham gia BHYT thấp như hiện nay.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh