CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:01

Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” cho người bệnh

Bài 1: Không có BHYT, người nghèo bệnh nặng chỉ nằm chờ chết

Đó là tâm sự của chị Hoàng Thị Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội), bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai). Bị suy  thận cấp độ 3, mỗi tuần phải lọc máu hai lần, chị Thanh bảo, chính nhờ BHYT mà chị vẫn có thể cầm cự với “căn bệnh của nhà giàu” này, nếu không thì chỉ có nước nằm chờ chết... 

Nhiều người sẽ bỏ điều trị vì không có tiền chi trả

Phát hiện bị suy thận gần 3 năm nay, Chị Thanh cho biết, lúc đầu gia đình chị cũng choáng váng vì số tiền điều trị quá lớn, hơn 5 triệu đồng mỗi tháng chưa kể chi phí ăn ở, đi lại. “Thời gian đầu, cả gia đình tôi luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, chạy tiền điều trị tháng này lại lo tháng sau, trong khi cả gia đình chỉ làm nghề nông, nhà chả có gì, gạo thóc chỉ đủ ăn. Sau bác sĩ bảo tôi về đăng ký BHYT tự nguyện, được bảo hiểm thanh toán 80%, nên giờ mỗi tháng tôi chỉ phải nộp khoảng 1,5 triệu đồng tiền điều trị nên mới có thể cầm cự được vài năm nay”. Sau khi được bác sĩ tư vấn, dù rất khó khăn nhưng chị đã “bấm bụng” mua BHYT cho cả gia đình. “Bỏ ra vài trăm nghìn cũng xót ruột, nhưng khi bị bệnh, thấy số tiền BHYT chi trả cho mình trong một tháng đã hơn tiền cả năm mua BHYT rồi. Xưa nay tôi vốn khỏe mạnh, chả bao giờ ốm, đùng một cái suy thận phải ra, vào viện liên tục. Bệnh tật đến chẳng thông báo trước nên cả gia đình giờ có thẻ BHYT cũng thấy yên tâm hơn”- chị Thanh cho biết.

Người nghèo, người dân tộc thiểu số được nhà nước hỗ trợ BHYT.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Luật Bảo hiểm y tế mới, gánh nặng trên vai những người nghèo đã đỡ đi rất nhiều. Cùng phòng với chị Thanh, anh Khoa (ở huyện Lý Nhân, Hà Nam) cũng là bệnh nhân chạy thận có thâm niên. Anh Khoa cho biết, trước năm 2014, mặc dù gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn phải chi trả 5% tiền thuốc, mỗi tháng phải đóng thêm 500.000 – 600.000 đồng; còn tiền lọc máu, chạy thận mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, với Luật BHYT mới, anh đã được bảo hiểm thanh toán toàn bộ tiền thuốc. Ngoài tiền quả lọc, bệnh nhân còn được thanh toán khi có sử dụng thuốc tăng hồng cầu, đạm, theo chỉ định của bác sĩ. “Nếu không có BHYT, người nghèo lại bệnh tật như tôi chắc không thể cầm cự lâu dài”- anh Khoa cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết thời gian gần đây, số bệnh nhân suy thận có chỉ định chạy thận do biến chứng của các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường, cao huyết áp… ngày càng tăng. Theo TS Dũng, bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo  thường được ví von là căn bệnh nhà giàu bởi chi phí điều trị rất lớn, kể cả người giàu cũng sẽ trở nên nghèo khó nếu mắc bệnh lâu dài. Do vậy, nếu không có BHYT, nhiều bệnh nhân sẽ bỏ ngang điều trị, chấp nhận cái chết vì không có tiền chi trả. Hiện tại khoa Thận nhân tạo có trên 600 bệnh nhân, đa số bệnh nhân đều có thẻ bảo hiểm, rất ít trường hợp vào cấp cứu mới. Khoảng 100 bệnh nhân là hưởng diện đồng chi trả 20%, vài chục thuộc diện 5%, đa số được hưởng 100%...

Tham gia BHYT, bớt nỗi lo khi viện phí tăng

Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Thành Nhân (phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết ông bị tiểu đường mãn tính, phải điều trị lâu dài nên ông theo dõi khá sát thông tin tăng viện phí, tuy nhiên do có BHYT nên ông không tỏ ra quá lo lắng “Tôi là thương binh nên được BHYT thanh toán 100%. Bà nhà tôi là cán bộ hưu trí, cũng chỉ phải chi trả 5% nên không đáng lo lắm”.

BHYT vốn được coi là “phao cứu sinh” của bệnh nhân nghèo.  

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, các dịch vụ y tế điều chỉnh có thay đổi theo hướng tăng lên và sự điều chỉnh chính là đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT: “Trong lần tăng viện phí này, nhóm bệnh nhân được hưởng lợi nhiều nhất là mắc bệnh mãn tính, điều trị kéo dài hàng ngày như chạy thận, ung thư, chi phí hóa chất điều trị lớn. Mới đây, tôi vừa tiến hành ca phẫu thuật có tổng chi phí 500 triệu đồng, nhưng bệnh nhân tham gia BHYT nên chỉ phải chi trả hơn 40 triệu đồng”.

Theo tính toán của các chuyên gia, khi tham gia BHXH, mức trần người bệnh phải chi trả mỗi năm là 6 tháng lương cơ bản, tức gần 7 triệu đồng, khi người bệnh đóng đạt mức này sẽ được hưởng BHYT 100%. Điều này khá có lợi với các bệnh nhân mãn tính như suy thận, ung thư, bởi  thời gian điều trị lâu dài và chi phí cao.Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết thêm: “Trước đây khi viện phí chưa tính đúng, tính đủ, nhiều trang thiết bị, vật tư không được tính trong danh mục BHYT chi trả. Do đó, người bệnh phải mua thêm ở ngoài, tốn kém nhưng không đảm bảo chất lượng. Hiện nay các gói dịch vụ đã được tính đủ các chi phí, đủ vật tư nên người bệnh không phải mua ngoài mà vẫn đảm bảo được điều trị tốt nhất”.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2016 cả nước có thêm hơn 500.000 người thuộc hộ gia đình đã tham gia BHYT. Như vậy, tính đến đầu tháng 3, toàn quốc đã nhập dữ liệu tham gia BHYT của trên 75 triệu người, đạt 82% dân số cả nước. Đáng lưu ý, trong số những trường hợp mới đăng ký tham gia BHYT, tính riêng TP.Hồ Chí Minh có thêm khoảng 130.000 người, tăng 13 lần so với năm 2015. Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), việc có nhiều người dân tự nguyện tham gia BHYT tăng đột biến trong hai tháng đầu năm một phần nguyên nhân là do chính sách viện phí mới được áp dụng từ ngày 1/3 tăng từ 30 - 50% khiến người dân tự ý thức được tầm quan trọng của thẻ BHYT.

Hầu hết bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai đều có BHYT.

Nói về giá trị của chiếc thẻ BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo khi đi khám, chữa bệnh, phải nằm viện trong thời gian dài mới thấy hết được giá trị của chiếc thẻ BHYT, của chính sách BHYT. Quỹ BHYT không chỉ chi trả hầu hết những dịch vụ, những loại thuốc trong danh mục mà còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. “Thống kê của các bệnh viện gửi về cho thấy, trung bình một năm, BHYT chi trả cho bệnh nhân nghèo mắc ung thư có thể lên tới 300 - 400 triệu đồng, nhưng cũng có những bệnh nhân tiền chi phí lên tới 1 tỷ đồng. Nhờ có chiếc thẻ BHYT mà nhiều người nghèo đã tìm lại sự sống cho chính bản thân và gia đình”, ông Sơn nói.

Mở rộng hỗ trợ cho hộ cận nghèo

Có thể nói, chính sách BHYT mới đang tác động rất lớn đối với khoảng 23,7 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội, giúp họ yên tâm hơn trong việc khám, chữa bệnh. Theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi từ đầu năm 2015 bãi bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Những điểm mới này đã giúp người nghèo được tiếp cận gần hơn với BHYT.

Song song với việc tăng mức chi trả BHYT đối với những hộ nghèo, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh. Khi đó chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng lên. Điều đó đồng nghĩa với việc những người có BHYT, nhất là những hộ nghèo không phải chi trả đồng nào được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất.

Riêng đối với những hộ thuộc diện cận nghèo, Bộ Y tế cho biết, Nhà nước đang hỗ trợ 70% để mua thẻ BHYT, nhưng một số người vẫn chưa có điều kiện để tham gia BHYT. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo, các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho hộ cận nghèo, phấn đấu đạt 100% hộ cận nghèo đều có BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc xác định và lập danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014 - 2015 để có hình thức hỗ trợ phù hợp, giúp họ tham gia BHYT.

CHÂU GIANG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh