THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:38

Bến xe Thượng Lý (Hải Phòng): Lao đao vì... xã hội hóa

Ông Vũ Đình Hưng, Phó Tổng Giám đốc Cty Kim khí Hải Phòng cho biết, bến xe Thượng Lý được xây dựng theo Quyết định 332/QĐ-UBND ngày 24/1/2014 của UBND TP Hải Phòng và Giấy chứng nhận đầu tư số 02121000445 ngày 16/4/2014 của Sở KH&ĐT Hải Phòng để thay thế bến xe Tam Bạc khi đóng cửa.

Theo quy hoạch được UBND TP và các sở, ngành phê duyệt, bến xe Thượng Lý có tổng diện tích 11.600 m2, đảm bảo cho 300 lượt xe ra vào mỗi ngày và lưu lượng hành khách từ 1.500 đến 2.000 lượt người. Sau hơn một năm xây dựng, bến xe đã hoàn thành, khang trang, hiện đại, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 2 cấp quốc gia và được thành phố gắn biển Công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Hải Phòng giải phóng ngày 7/5/2015. 

Ngày 13/5/2015, Sở GTVT Hải Phòng đã báo cáo và được thành phố chấp nhận phương án đóng cửa bến Tam Bạc và điều chuyển 63 phương tiện với lưu lượng 106 chuyến tuyến Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày về bến Thượng Lý. Đến 21/5/2015, Sở tiếp tục có thông báo về việc đóng cửa bến Tam Bạc vào ngày 31/5/2015. Tuy nhiên, sau đó, Sở lại đề nghị lùi thời gian đóng cửa bến Tam Bạc sang ngày 15/6/2015.

Ngày 5/6/2015, thay vì điều chuyển phương tiện từ Tam Bạc sang Thượng Lý như chủ trương ban đầu, Sở GTVT Hải Phòng có văn bản số 955/SGTVT-VT cho phép các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại bến xe Tam Bạc tuyến Hải Phòng - Hà Nội được lựa chọn giữa bến xe Niệm Nghĩa (thuộc Cty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng) và bến Thượng Lý đến 31/12/2015. Theo ông Hưng, ngay sau có thông báo của Sở GTVT Hải Phòng, các doanh nghiệp vận tải đã rút khỏi bến Thượng Lý và chuyển sang đăng ký hoạt động tại bến Niệm Nghĩa.

Hắt hiu bến xe Thượng Lý sau 1 năm đi vào hoạt động.

Ông Hưng cho biết, trước những việc làm sai trái của Sở GTVT Hải Phòng, Cty Kim khí đã “đội đơn” đi gõ cửa các cơ quan chức năng để được giúp đỡ. Vụ việc đã được Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND TP Hải Phòng giải quyết dứt điểm, song hơn một năm UBND TP Hải Phòng cũng như Sở GTVT vẫn “quanh co” bao biện, nên Cty Kim khí vẫn chưa nhận được câu trả lời xác đáng. Ông Lưu Thành Đông, Giám đốc Cty cổ phần đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng cho biết, hiện bến xe chỉ có 61 chuyến/ngày. Mỗi tháng Cty Kim khí lỗ 593 triệu đồng vì thu được 140 triệu đồng, trong khi đó số chi là 733 triệu đồng (trả lãi huy động góp vốn 460 triệu đồng; trả lương 195 triệu đồng; bảo hiểm 43 triệu đồng; điện nước 15 triệu đồng; chi khác 20 triệu đồng). “Cách đây 1 năm (7/5/2015), tại đây Cty chúng tôi đã trống dong, cờ mở để đón các đại biểu về dự lễ khánh thành và gắn biển công trình. Các đại biểu đến dự đều hân hoan đồng thời tỏ rõ có trách nhiệm với bến xe. Thế nhưng sau 1 năm đi vào hoạt động, bến xe đang ngắc ngoải chết dần thì chẳng thấy ai chia sẻ, ngó ngàng. Đội đơn kêu cứu khắp nơi nhưng các cơ quan chức năng như không hề hay biết”, ông Đông bùi ngùi chia sẻ.

 Thừa nhận khó khăn với Cty Kim Khí, ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hải Phòng) khẳng định, với lưu lượng xe ra vào như hiện nay, Cty Kim Khí “chết” là cái chắc. Theo ông Quang, lưu lượng xe ra vào ít thì các dịch vụ khác không thể phát triển. Để “giúp” Cty Kim khí, theo ông Quang, Sở GTVT Hải Phòng đang sắp xếp các chuyến mới về bến xe Thượng Lý, tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2016 vẫn chưa xếp được chuyến nào. Ông Quang “dự báo” kinh doanh vận tải ít nhất phải sau 5 năm mới có lãi.

Liệu Cty Kim khí có đủ nguồn lực, sức chịu đựng “chống chọi” thêm được 4 năm nữa? Thực hiện chủ trương xã hội hóa bến xe của UBND TP Hải Phòng chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh