Bến Tre vận dụng nguồn vốn vay hiệu quả giúp người lao động phát triển kinh tế
- Bài thuốc hay
- 21:12 - 02/11/2022
Thời gian qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác (như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh) trong việc cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần địa phương phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc cho vay được bình xét công khai, dân chủ tại cơ sở, các dự án được thẩm định chặt chẽ và đúng quy trình. Nợ quá hạn, lãi tồn đọng được các địa phương quan tâm giải quyết.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã tổ chức triển khai điều tra, cập nhật thông tin của 367.563 hộ gia đình, bình quân hàng năm có 114.698 hộ có biến động thông tin, với tỷ lệ biến động khoảng 40% so với tổng số hộ. Qua kết quả điều tra, cập nhật thông tin thị trường lao động đã giúp cho các địa phương trong toàn tỉnh có được nguồn dự liệu về lĩnh vực lao động, việc làm, nhất là số liệu có việc làm thường xuyên và lao động qua đào tạo.
Bà Trần Thị Hà, ở huyện Ba Tri là một trong những hộ gia đình mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để cho con trai đi làm việc có thời hạn ở tại Nhật Bản. Vợ chồng bà Hà đều làm nông nghiệp, cuộc sống hết sức khó khăn. Mạnh là con trai đầu trong gia đình. Sau khi học xong cấp ba, Mạnh đã đi làm công nhân nhưng thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.
"Gia đình quyết định cho cháu đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản với nghề điện tử. Ở huyện nhiều gia đình cho con đi hợp tác lao động tại Nhật, đi làm được một năm thì nhiều cháu gửi tiền về gia đình sửa nhà và phát triển kinh tế. Cháu Mạnh nhà tôi cũng phấn khởi và quyết tâm để tham gia được vào đơn hàng này, cháu đã vượt qua các vòng thi tay nghề, thi tiếng. Gia đình tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đủ kinh phí cho cháu đi hợp tác lao động. Mọi thủ tục để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, chúng tôi đều được hướng dẫn thực hiện rất nhanh gọn. Hiện nay, cháu đã làm bên Nhật được 2 năm, mỗi tháng cháu thu nhập cũng được từ 30 – 40 triệu", bà Hà cho biết.
Qua kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cho thấy công tác vay vốn, giải quyết việc làm ở địa phương được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn và xem đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế ở địa phương; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể của các xã, phường, thị trấn; ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản về công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương nên đã thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nhàn rỗi, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Các hộ vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đều chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để kinh doanh hoặc phát triển sản xuất và các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích dự án vay ban đầu.
Theo kết quả rà soát, nhu cầu vốn của 4 chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023) là 646 tỷ đồng, gồm: cho vay nhà ở xã hội 32 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 603 tỷ đồng; cho vay HSSV mua thiết bị học trực tuyến 10 tỷ đồng và cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 1 tỷ đồng.
Trên cơ sở đề nghị, tỉnh Bến Tre đã được Trung ương giao chỉ tiêu năm 2022 cho 4 chương trình là 52,5 tỷ đồng. Đến ngày 28/5/2022, đã giải ngân 940 khách hàng vay vốn với số tiền 36,3 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch; trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 100% kế hoạch. Các chỉ tiêu cho vay còn lại như: cho vay HSSV mua máy tính đạt, cho vay nhà ở xã hội, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập hoàn thành trong tháng 6/2022.
Đại diện Cơ sở mầm non Búp sen xanh (xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) đã được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thuộc Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Cơ sở được vay tiền với lãi suất chỉ bằng 1/3 so với lãi suất ở ngân hàng thương mại. Lãi suất cho vay là 3,3%/năm, thời hạn vay tối đa 36 tháng. Mức cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục. Tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.
Với 50 triệu vốn vay, chủ cơ sở mạnh dạn tái đầu tư, khởi động lại cơ sở sau gần 1 năm nghỉ hoàn toàn do dịch bệnh. Số tiền này dùng để mua dung dịch khử khuẩn, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, mua đồ dùng học tập, trang thiết bị mới, chuẩn bị đón trẻ vào năm học 2022 - 2023, đảm bảo lương cho nhân viên an tâm trở lại công việc.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác kiểm tra sau khi giải ngân, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.