THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:19

Bến Tre phát động phong trào “Đồng khởi” giảm nghèo

Dự án hợp tác công - tư PRPP xây dựng mô hình trồng cây cảnh ở huyện Chợ Lách.

Phấn đấu giảm số hộ nghèo bình quân 1,5%/năm

Là một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, trong những năm gần đây cơ cấu kinh tế của Bến Tre đã có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 34,7 triệu đồng/năm, gấp 1,66 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, nhìn tổng quan Bến Tre vẫn còn là tỉnh nghèo, với trên 44.000 hộ nghèo, trình độ phát triển còn thấp, đứng thứ 11/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh trong công tác giảm nghèo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã xác định: “Phát động phong trào “Đồng khởi”, tự lực, tự cường tạo sự chuyển biến đột phá trong huy động các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển gắn với phát triển văn hóa và xây dựng con người, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm”.

Đề án phát triển sinh kế giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Bến Tre đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề, cũng như việc phát huy tiềm năng, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Minh Lập, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, hiện nay  hộ nghèo, người nghèo đã có bước chuyển về nhận thức, tự vươn lên thoát  nghèo thông qua việc tận dụng cơ hội và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế.  Trao đổi về công tác lãnh đạo, chỉ đạo giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ông Nguyễn Hữu Phước cho biết, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh thường xuyên làm việc với các đoàn thể, tổ chức các cuộc trao đổi, thảo luận, tìm ra các phương thức giúp đỡ hộ thoát nghèo.

Nghề đan lục bình hàng thủ công mỹ nghệ giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.

Giai đoạn 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xuất hiện một số mô hình giảm nghèo hiệu quả. Điển hình như mô hình “5+1” của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Với tinh thần đồng đội, sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh, các cấp hội cựu chiến binh đã cử hội viên khá giúp đỡ vật chất, tinh thần cho các hội viên nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn thông qua các hình thức như: Hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, phương pháp sản xuất... Các cựu chiến binh được phân công giúp đỡ những hội viên nghèo là những người có tâm huyết, trách nhiệm luôn bám sát từng hộ nghèo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất.

Tại các huyện, thị xuất hiện các mô hình giảm nghèo hiệu quả như câu lạc bộ nuôi bò, nuôi dê, phát triển kinh tế hộ ở xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm); dự án “Cải thiện sinh kế hộ nghèo” trên địa bàn huyện Bình Đại... Tuy nhiên để giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm, tỉnh Bến Tre cần nhiều dự án, mô hình thiết thực và hiệu quả hơn nữa, các chính sách vay vốn hỗ trợ phải có chọn lọc đối tượng, tập trung cho hộ nghèo, cận nghèo có gắn kết với các dự án khuyến nông, dạy nghề, giải quyết việc làm... tạo điều kiện cho các hộ nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và có điều kiện  cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Gắn công tác xã hội với giảm nghèo

Giai đoạn vừa qua, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre đã chú trọng tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm... đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, đặc biệt chú trọng các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhằm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo. Chương trình giảm nghèo được gắn với việc triển khai lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương nhằm huy động, tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giúp người nghèo, hộ nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hộ anh Cao Minh Nhân ở huyện Giồng Trôm, thoát nghèo nhờ nuôi dê.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng,  cần gắn kết công tác xã hội với công tác xoá đói giảm nghèo, lồng ghép với các mô hình hỗ trợ nhóm và phát triển cộng đồng. Theo ông Hồi, với cách làm này các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tìm giải pháp tối ưu phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Cùng chung quan điểm, bà Ino Mayu, Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản), tài trợ dự án cải thiện sinh kế hộ nông dân bằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho một số xã của huyện Bình Đại, đề xuất: “Cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật và giám sát thường xuyên hơn với các hộ nghèo, chọn giải pháp cụ thể cho từng hộ thay vì phải rót nhiều  kinh phí thực hiện các mô hình lớn. Cán bộ phụ trách giảm nghèo cần bám sát cơ sở thường xuyên để động viên, hướng dẫn các hộ cách thức chăn nuôi, sản xuất... để họ bỏ dần tự ti, mặc cảm và tự bản thân vươn lên. Ngoài các yếu tố chính như hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giải quyết việc làm, việc áp dụng công tác xã hội có ý nghĩa không nhỏ góp phần quyết định giảm nghèo bền vững. Giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ sự nỗ lực, tự thân của chính các hộ nghèo với sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng…”.      

Tỉnh Bến Tre hiện có trên 246.000 hội viên phụ nữ, hàng năm, các cấp Hội luôn điều tra, cập nhật số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ với nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau như: Sử dụng Quỹ hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn từ các tổ chức quốc tế… Đến năm 2015, thông qua các nguồn vốn, đã hỗ trợ trên 70.600 phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Bà Phạm Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre cho biết: 5 năm qua, những mô hình, việc làm hiệu quả đã giúp trên 10.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo.Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục thực hiện tốt ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đã đề ra (vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững; trách nhiệm trong công tác cán bộ nữ và chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở), nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

THIÊN HƯỚNG/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh