Bạc Liêu: Đẩy mạnh dạy nghề, tạo việc làm để giảm nghèo bền vững
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:41 - 22/02/2016
Theo lãnh đạo Sở LĐ – TB & XH tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2011 đến nay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Trong điều kiện tỉnh đã và đang triển khai các dự án như: Hạ tầng cơ sở khu công nghiệp, nhà máy điện gió, khách sạn cao ốc, văn phòng ( Bạc Liêu Tower); hạ tầng cơ sở các khu du lịch cùng nhiều chương trình dự án phát triển nông nghiệp – nông thôn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới; các mô hình sản xuất đã thu hút đông đảo lao động và giải quyết việc làm nhằm xóa nghèo bền vững.
Nhờ được học nghề kết hạt cườm mà nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn của tỉnh Bạc Liêu đã có việc làm thường xuyên, ổn định, tăng thêm thu nhập
Công tác giải quyết việc làm của tỉnh vì thế được chú trọng bằng nhiều giải pháp thiết thực như: ĐTN gắn với việc làm, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, phát triển ngành nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, đầu tư vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, mở sàn giao dịch việc làm của tỉnh để tạo môi trường kết nối cung, cầu lao động, giải quyết nhiều việc làm mới cho lao động, ổn định đời sống nhân dân. Được biết, tỉnh Bạc Liêu hiện có 17 cơ sở dạy nghề (trong đó có 10 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập), cùng nhiều cơ sở sản xuất gắn việc sản xuất với dạy nghề cho người lao động (NLĐ) theo hình thức truyền nghề. Hầu hết các cơ sở dạy nghề đều chú trọng dạy những nghề thiết thực phù hợp điều kiện theo học và cơ hội tìm kiếm được việc làm của NLĐ, nhất LĐNT trong tỉnh như: Uốn tóc, sửa chữa xe gắn máy, may công nghiệp, đan đát, kết hạt cườm, kỹ thuật trồng hoa lan, nấm linh chi…
Sau khi được học về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm linh chi, nhiều hộ nông dân ở Bạc Liêu đã thực hiện thành công mô hình này, đem lại nguồn lợi kinh tế cao hơn so với trồng những loại nấm khác
Với những việc làm thiết thực kể trên đến nay toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động; tư vấn việc làm, tư vấn học nghề cho hàng ngàn lao động khác. Nhờ được học nghề và có cơ hội tìm kiếm, hoặc tự tạo được việc làm tại địa phương và ngoài tỉnh nhiều người lao động đã vươn lên thoát nghèo. Đó là một thực tế đáng mừng ở thành thị cũng như vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua. Phát huy kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQGGN) về giảm nghèo, từ năm 2011 được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành thực hiện CTMTQGGN đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Nghề đan đát là một trong những nghề được nhiều phụ nữ nông thôn theo học để tự tạo việc làm tại gia, tăng thêm thu nhập đáng kể
Nhờ các hoạt động trong công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả ngày càng cao, triển khai thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phân công các ngành, cơ quan, đơn vị, đảng viên trong tỉnh, huyện, thành phố và vận động các doanh nghiệp nhận đỡ đầu hộ nghèo thông qua việc giúp vốn, trao phương tiện sản xuất, hướng dẫn cách thức làm ăn cho hộ nghèo, nên toàn tỉnh đã có hàng ngàn hộ nghèo được nhận đỡ đầu, hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất số tiền hàng chục tỷ đồng.
Nghề sửa chữa xe gắn máy thu hút nhiều nam thanh niên nông thôn theo học và trong số đó có rất nhiều học viên đã tự tạo được việc làm ổ định cuộc sống
Bằng những giài pháp cụ thể mang tính thiết thực kể trên, đến nay toàn tỉnh đã xóa nghèo được hàng chục ngàn hộ nghèo theo hướng bền vững. Đồng thời đã vận động Qũy An sinh xã hội, Qũy Vì người nghèo được hàng trăm tỷ đồng, xây dựng bàn giao hàng ngàn căn nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, tình thương cho hộ nghèo. Đặc biệt hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh 100% hộ gia đình chính sách, người có công không còn trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo và có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú.