THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:44

Bến Tre: Hiệu quả qua 2 năm thực hiện tiếp cận giảm nghèo đa chiều

 

Nhân dịp đầu Xuân, Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc phỏng vấn Ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre về công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm nhấn cơ bản trong thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua?

Giám đốc Nguyễn Minh Lập:Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp, phần lớn hộ gia đình sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, khoảng 0,14 ha/người. Nông nghiệp chủ yếu từ cây dừa, giá cả thiếu ổn định; công nghiệp chưa phát triển trong khi đó nguồn lao động của tỉnh dồi dào, mỗi năm có khoảng 18 ngàn lao động bước vào độ tuổi lao động, có khoảng 8 - 10 ngàn lao động xuất cư đi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… Từ thực tế đó, công tác giảm nghèo tại Bến Tre là một thách thức lớn làm sao để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người nghèo.

Mô hình trồng nấm bào ngư góp phần phát triển kinh tế địa phương tỉnh Bến Tre

 

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp và chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như: đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý… trong đó chú trọng nâng cao năng lực cho người nghèo; người nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn và tham gia thực hiện các mô hình giảm nghèo để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Những kết quả trên cho thấy các chương trình và các dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đến nay chương trình mục tiêu giảm nghèo đã có chuyển biến tích cực và đạt kết quả ngày càng rõ nét, trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội; đời sống hộ nghèo từng bước được cải thiện, lao động có việc làm ngày càng tăng, niềm tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua?

Giám đốc Nguyễn Minh Lập:Qua 02 năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,11% đầu năm 2016 còn 7,89% cuối năm 2017 (giảm 4,22%, với hơn 14.700 hộ thoát nghèo). Về thực hiện Đề án sinh kế đã đạt được những kết quả bước đầu như:

Có 11.879/15.858 hộ nghèo, cận nghèo tham gia đề án được hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 8.146 hộ được mở sổ theo dõi hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất, ghi chép thu chi trong gia đình. Qua rà soát đến nay đã có 4.133 hộ thoát nghèo, trong đó có 2.656 hộ thoát nghèo bền vững theo 03 tiêu chí của Đề án sinh kế (thỏa mãn các nhu cầu cơ bản theo tiêu chí đa chiều; thu nhập tăng và duy trì ở mức trung bình trở lên; thoát nghèo bền vững và không tái nghèo).

Hỗ trợ 9.167 lượt hộ sản xuất nông nghiệp, giải ngân vốn vay hỗ trợ cho trên 10 ngàn lượt hộ, kinh phí 10,08 tỷ đồng; tập huấn hướng dẫn cho 589 hộ về kỹ thuật khuyến nông - khuyến ngư và định hướng thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm; xây dựng và nhân rộng 113 mô hình nuôi bò, nuôi dê, trồng cây giống hoa kiểng và tiểu thủ công nghiệp cho 1.107 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia, qua theo dõi cho thấy đa số các hộ vay vốn phát triển sản xuất sử dụng đúng mục đích và bước đầu mang lại hiệu quả.

Các giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm giúp người nghèo có việc làm với thu nhập ổn định. Đã đào tạo nghề cho 7.856 người, trong đó có trên 780 người nghèo, người cận nghèo; tổ chức 79 phiên giao dịch việc làm, với hơn 11 ngàn lượt người tham gia; nâng cao hiệu quả kết nối cung, cầu lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, qua đó đã giải quyết việc làm 19.570 người, trong đó xuất khẩu lao động 829 người; hỗ trợ 65 hộ gia đình phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống như bó chổi cọng dừa, đan giỏ, đan ghế, làm cây giống - hoa kiểng, dệt thảm,…

Hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đến nay 100% hộ nghèo được mua thẻ bảo hiểm y tế và miễn giảm học phí, 5.835 hộ nghèo được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất; 587/4.663 hộ nghèo khó khăn được hỗ trợ về nhà ở; 922/8.357 hộ được hỗ trợ vốn xây dựng hố xí hợp vệ sinh, 1.256/9.094 hộ xây, mua dụng cụ chứa nước sạch; tổ chức 70 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn cho 2.544 người dân.

Các ban, ngành, đoàn thể các cấp thường xuyên quan tâm, kiểm tra, giám sát hình triển khai thực hiện, nắm chắc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; năng lực của cán bộ làm công tác giảm nghèo được nâng cao, nắm vững các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Phóng viên: Ông thấy có những khó khăn, hạn chế trong thực hiện công tác giảm nghèo?

Giám đốc Nguyễn Minh Lập:Tăng trưởng việc làm của tỉnh còn thấp, bình quân hằng năm tăng khoảng 3,5 ngàn việc làm. Người lao động, nhất là lao động nghèo xuất cư lao động ngoài tỉnh với thu nhập không cao.

Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do người nghèo có ít đất hoặc không có đất sản xuất, sản xuất nhỏ, manh mún, giá cả nông sản không ổn định; người nghèo chủ yếu làm thuê việc làm không ổn định, nhận thức và năng lực tổ chức sản xuất còn hạn chế, thiếu các kỹ năng cần thiết khác,…. nên không thể vươn lên thoát nghèo. Mặc khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường gây mất mùa, năng suất thấp, dịch bệnh trong chăn nuôi nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là đối với người nghèo.

Một số nơi lãnh đạo còn thiếu quan tâm, thiếu kiểm tra đôn đốc, năng lực của đội ngũ làm công tác giảm nghèo chủ yếu dựa vào chính sách; các giải pháp hỗ trợ chưa cụ thể, chưa đa dạng và mang tính bền vững; chưa hỗ trợ được người nghèo nâng cao năng lực để chủ động xây dựng kế hoạch thoát nghèo; công tác quản lý sử dụng các nguồn vốn vay chưa được chặt chẽ; việc kết nối nguồn lực hỗ trợ người nghèo còn chậm. Một bộ phần người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.

Mô hình nuôi dê giúp dân thoát nghèo bền vững

 

Phóng viên: Xin Ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của công tác giảm nghèo trong thời gian tới?

Giám đốc Nguyễn Minh Lập:Năm 2018 được Tỉnh ủy xác định là năm “tăng tốc” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, phấn đấu cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 1,5 - 2% (tương đương 5.700 hộ) và phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 3%, trong đó có 15.858 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế thoát nghèo bền vững. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội năm 2018, góp phần giảm nghèo bền vững đến năm 2020 tỉnh đề ra các nhiệm vụ giải pháp thực hiện:

Tập trung giải quyết việc làm, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nghèo, khuyến khích người nghèo tận dụng thời gian nhàn rỗi để tham gia lao động sản xuất, kiếm thêm thu nhập; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động, kết nối các doanh nghiệp có uy tín theo nguyên tắc cạnh tranh có lợi nhất cho người lao động; thực hiện tốt chính sách cho vay vốn đối với người tham gia xuất khẩu lao động. Xác định đây là giải pháp để tăng thu nhập và giúp người lao động khởi nghiệp thoát nghèo; về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tăng trưởng việc làm giúp người lao động làm việc tại tỉnh có thu nhập ổn định, hạn chế lao động xuất cư. Từng địa phương thực hiện đa dạng hoá sinh kế cho người nghèo, khai thác thế mạnh của từng hộ nghèo.

Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, phát huy nội lực, tính chủ động của người nghèo. Tập trung hướng dẫn, kết nối các nguồn lực hỗ trợ, hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo; thực hiện tốt công tác tiếp cận, theo dõi, hướng dẫn và trợ giúp kịp thời cho người nghèo phát triển sinh kế; lấy nội lực của hộ gia đình làm nền tảng để phát triển bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó chú trọng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo và chính sách hỗ trợ viện phí cho người bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ về nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, điện sinh hoạt và trợ cấp xã hội. Tổ chức thực hiện tốt chương trình đưa văn hóa, thông tin về cơ sở; tuyên truyền chính sách - pháp luật, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giúp người nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo, phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, gương thoát nghèo tiêu biểu.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách người có công phát triển sản xuất và cải thiện các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở. Phấn đấu đến cuối năm 2019, Bến Tre không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công. Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Xin cảm ơn Ông!

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh