THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:49

Bến Tre: Chú trọng công tác chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố tạo nên sự phát triển của đất nước trong tương lai, đó chính là nhiệm vụ của toàn xã hội… Chính vì vậy, trong những năm qua và thời gian tới việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được chính quyền các cấp địa phương tỉnh Bến Tre ưu tiên hàng đầu trong việc đảm an an sinh xã hội. Để triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em, tránh xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, trẻ em bị xâm hại, ngày 21/5 tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em.

 Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre 


Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Trong thời gian qua việc bạo  hành trẻ em vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước và có chiều hướng gia tăng khiến nhiều người rất bức xúc. Các đối tượng xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, tinh vi. Để công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung được tốt hơn chúng ta cần triển khai cụ thể về từng xã, phường, cần tuyên truyền các công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, không để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại. Hội nghị trực tuyến lần này sẽ thông qua các bài tham luận của các cơ quan, ban, ngành, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các quý đại biểu để rút ra các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả nhất”.

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, lãnh đạo Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 227.324 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm tỷ lệ 18%) so với tổng dân số. Trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 1.592 trẻ (chiếm tỷ lệ 0,7%) so với tổng số trẻ em; trẻ em thuộc hộ nghèo 22.229 trẻ (tỷ lệ 9.77%); trẻ em thuộc hộ cận nghèo 1.354 trẻ (tỷ lệ 6.31%). Trong thời gian qua việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tiếp tục được thực hiện tốt, bên cạnh đó các chương trình mục tiêu của tỉnh giúp cho nhiều hộ  thoát nghèo bền vững, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc ngày càng tốt hơn.

Việc thực hiện công tác xã hội hóa vận động các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em con hộ nghèo, cận nghèo thông qua các chương trình học bổng, học phẩm, phẫu thuật tim, phẩu thuật dị tật vận động… đã tạo điều kiện cho các em vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Nhiều  sân chơi bổ ích cho trẻ em được triển khai giúp cho trẻ em tỉnh Bến Tre có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần…

Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bến Tre 


Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre cho biết, theo thống kê trong 3 năm (2016 - 2018) trên địa bàn tỉnh Bến Tre xảy ra 75 trường hợp trẻ em bị xâm hại (xâm hại tình dục là 71 em, bị gây thương tích 4 em). Các em là nạn nhân từ 6 đến 16 tuổi (có 1 trường hợp dưới 6 tuổi). Trên thực tế số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại chắc chắn còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không tố giác vì ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình. Phân tích số liệu thống kê cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ đa số có trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp tự do, đa số đều có quen biết với nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân, hoặc là người cùng địa phương, do đó các đối tượng nắm được quy luật sinh hoạt của gia đình và các em, dễ dàng tiếp cận, lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của các em để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó một bộ phận cha, mẹ, người thân trong gia đình thờ ơ, thiếu trách nhiệm; lo làm ăn, chưa quan tâm thường xuyên trong việc quản lý và giáo dục con cái, nhất là vấn đề phát triển tâm, sinh lý của các em. Một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, sống với mẹ kế hoặc cha dượng, các trường hợp không còn cha mẹ phải sống với ông bà…những trẻ em này thường bị tổn thương, khiếm khuyết về tâm lý, dễ mặc cảm, tự ti, thiếu điều kiện học tập, vui chơi, thiếu quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng khi hành động dễ bị lôi kéo dụ dỗ, bị xâm hại.

Công an tỉnh Bến Tre phát biểu và nêu một số đề xuất, kiến nghị tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em.

 

Công an tỉnh Bến Tre có các đề xuất, kiến nghị: Sở LĐ-TB&XH tỉnh tăng cường công tác tham mưu xây dựng các chính sách an sinh xã hội về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo hành trên địa bàn tỉnh, kịp thời tư vấn tâm lý, giúp đỡ, hướng dẫn các em kỹ năng tránh khỏi hành vi xâm hại, nhất là phối hợp với lực lượng công an tư vấn, giúp đỡ đối với các trường hợp trẻ em bị bạo hành; Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan thường xuyên tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong học đường; Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thường xuyên củng cố và phát huy tổ, đội tuyên truyền xung kích, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.

Đại diện Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre 


Cũng tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Bến Tre về công tác chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em. Đại diện Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre đề nghị: Lãnh đạo các cấp xem xét đầu tư công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, nhà vệ sinh từng huyện, đồng thời tạo điều kiện để xã hội hóa công tác vui chơi giải trí cho trẻ em cấp xã. Để không bỏ sót trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp, rất mong các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên quan tâm phát triển trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hội xem xét hỗ trợ kịp thời.

Một số kiến nghị: Chính phủ xem xét ban hành chính sách sát với thực tế, dễ thực hiện hơn về trợ giúp trẻ bệnh tim bẩm sinh; cần tăng cường công tác truyền thông về trẻ em và về mặt tổ chức nên có cán bộ chuyên trách trẻ em ở xã, thị trấn.

Ở đầu cầu huyện Ba Tri có lãnh đạo xã An Hòa Tây báo cáo kết quả thực hiện công tác chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em từ đầu năm 2019 đến nay. Sau báo cáo xã An Hòa Tây có kiến nghị: Cần duy trì cán bộ bán chuyên trách trẻ em vì hiện xã cán bộ LĐ-TB&XH kiêm nhiệm trợ cấp 120.000 đồng/tháng quá thấp so với yêu cầu công việc, chuyên môn nghiệp vụ thấp chưa được đào tạo trường lớp (chỉ qua tập huấn ngắn hạn)…

Lãnh đạo xã  An Hòa Tây (huyện Ba Tri) báo cáo và kiến nghị tại hội nghị trực tuyến.


Qua các ý kiến đóng góp cũng như những đề nghị, kiến nghị của đại diện các sở, ban, ngành và điạ phương, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre đã phát biểu chỉ đạo các sở, huyện… phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…

Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường việc hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại học sinh trong các trường học và trên môi trường mạng. Chủ động phát hiện, thông báo, cung cấp thông tin, phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo, LĐ-TB&XH và Công an trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên có liên quan khi để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em.

Quản lý chặt chẽ việc cấp phép, điều kiện thành lập; kiểm tra, thanh tra tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động và hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non.

Phát triển công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội học đường tại các cơ sở giáo dục.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chỉ đạo UBND cấp xã phân công người làm công tác bảo vệ trẻ em, thành lập hoặc kiện toàn ban điều hành chương trình bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã…

 

Hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH đều có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện công tác trẻ em, trong đó chú trọng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em tại các địa phương. Đối với một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đều có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan về việc chỉ đạo, đôn đốc, xử lý nghiêm minh; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở thực hiện kịp thời các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định của pháp luật; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin với báo chí để dư luận xã hội hiểu đúng bản chất vụ việc.

Đặc biệt, từ năm 2017, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã ra đời để tiếp nhận xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Tại nhiều địa phương, 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ, can thiệp theo quy trình, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng đang được đầu tư cả về cơ sở vật chất và hoạt động cung cấp dịch vụ. Thực hiện dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, 48 địa phương được ngân sách Trung ương hỗ trợ việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh