Bế mạc Festival Huế 2016: Khép lại một lễ hội nhiều điểm nhấn
- Văn hóa - Giải trí
- 18:11 - 05/05/2016
- Festival Huế 2016: Tưng bừng Lễ hội đường phố Đông Á – Mỹ La Tinh.
- Khai mạc Festival Huế 2016: Tái hiện lịch sử 710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân
- Huế “rực cháy” trong đêm rock “Lửa cố đô”
- Festival Huế 2016: Bay cao cùng ngày hội Khinh khí cầu quốc tế
- Huế “rực cháy” trong đêm rock “Lửa cố đô”
- Festival Huế 2016: Ấn tượng chương trình “Về miền Hương Ngự”
- Lung linh đêm hội áo dài
Festival Huế 2016 đã chính thức khép lại sau chương trình nghệ thuật Bế mạc tối 4/5
Festival Huế 2016 là lễ hội Văn hóa – du lịch có quy mô quốc gia, quốc tế được tổ chức đã lần thứ 9 có thể được xem là thành công. Lễ Hội này gắn với các sự kiện lịch sử, văn hóa chính trị của Huế, của quốc gia; đồng thời, kết hợp các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và Lễ Hội có quy mô lớn, có tính cộng đồng cao; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên- Huế; tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế, tăng cường giới thiệu, quảng bá về văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người xứ Huế, để lại những ấn tượng sâu đậm với nhân dân Thừa Thiên Huế, công chúng và du khách trong cả nước và bạn bè quốc tế.
Festival Huế 2016, có sự hiện diện của gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên (trong đó có 271 nghệ sĩ quốc tế, gần 900 diễn viên, nghệ sĩ trong nước) và hàng ngàn nghệ sĩ, diễn viên quần chúng tham gia các hoạt động khác tại Festival Huế, đã đem lại sự phong phú, đa dạng, có sức cuốn hút cao của các chương trình nghệ thuật, đặc biệt là tạo cho Festival Huế tầm vóc của một Lễ Hội quốc gia và quốc tế, là một Lễ Hội văn hóa lớn có sức quy tụ, cuốn hút và lan tỏa trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hóa. Có 53 chương trình nghệ thuật tiêu biểu (74 suất diễn) với các Lễ Hội đầy màu sắc và gần 50 hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng đã diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm tại 21 sân khấu và điểm diễn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Một tiết mục trong đêm Bế mạc
Nhiều chương trình, lễ hội chính đã thu hút hàng chục ngàn khán giả tham dự như chương trình khai mạc, chương trình bế mạc, Đêm Hoàng Cung, Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn, Lễ hội đường phố Đông Á – Mỹ Latinh, Chương trình quảng diễn đường phố của đoàn L’Homme Debout, Chương trình Áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu”, Liveshow “Lửa Cố đô”, Lễ hội Quảng Chiếu, Chương trình Huế dịu dàng – Về miền Hương ngự…cũng như các sân khấu biểu diễn hàng đêm tại khu vực Đại Nội và Cung An Định…
Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế đã thu hút số lượng lớn khán giả tham gia: Hội chợ Thương mại quốc tế với trên 100.000 lượt; “Chợ quê ngày hội” có khoảng 120.000 lượt; “Hương xưa làng cổ” với trên 10.000 lượt; Liên hoan ẩm thực quốc tế có trên 100.000 lượt; Lễ hội “Sắc màu tuổi thơ” với 5.000 lượt; Festival Khoa học có khoảng 2.000 lượt…
Sau 6 ngày diễn ra, Festival Huế 2016 đã thu hút gần 1.000.000 lượt người tham dự. Theo số liệu thống kê từ Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho thấy lượng khách đến Huế khoảng 250.000 khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiết mục múa "Trúc xinh sân đình" của đoàn Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội
Bên cạnh những thành công đã đạt được, Festival Huế 2016 cũng đã để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp cho cả người dân Huế lẫn du khách. Nổi trội nhất chính là việc BTC lễ hội này đã vi phạm bản quyền hình ảnh khi sử dụng ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Huy Hoàng Hải mà không xin phép tác giả trong chương trình “Lễ hội áo dài – Nơi huyền thoại bắt đầu”. Khán giả cũng nghi ngờ về sự chuyên nghiệp của BTC khi mời người mẫu Mai Ngô (Ngô Quỳnh Mai) biểu diễn trong Lễ hội áo dài, khi cô này đang bị cấm biểu diễn trên toàn quốc. Trước đó, theo thông tin từ báo chí, Mai Ngô đã bị bị cấm diễn trên toàn quốc từ Sở Văn hóa – Thể thao TPHồ Chí Minh. Lý do là cô đã tự ý tham dự cuộc thi Asia’s Next Top Model 2016, mà không xin phép, và Sở đã ba lần gửi thư mời cho Ngô Quỳnh Mai lên làm việc về sai phạm của mình nhưng cô không đến (theo báo Lao động).
Ngô Quỳnh Mai đang dính Scandal cấm biểu diễn toàn quốc nhưng vẫn xuất hiện trong chương trình Lễ hội áo dài - Nơi huyền thoại bắt đầu tại Festival Huế 2016
Mặt khác, BTC Festival Huế 2016 cũng để xảy ra tình trạng lộn xộn, chặt chém, nạn móc túi và thương mại hóa trong chương trình triển lãm “Dấu ấn văn hóa kinh đô Huế và Đồng bằng sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống” được tổ chức từ ngày 29/4 đến 4/5, tại Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên - Huế.
Về chất lượng lễ hội, khán giả cũng cho rằng Festival Huế 2016, đã có không ít những “hạt sạn”. Trong đó, các tiết mục biểu diễn trong Lễ hội đường phố bị cho là lặp đi lặp lại. Không những thế, BTC còn tùy tiện ngắt phần biểu diễn của các đoàn nghệ thuật khi họ đang biểu diễn. Các tiết mục của những đoàn tham gia biểu diễn trên đường phố còn được bê vào đêm Bế mạc khiến người xem nhàm chán (tiêu biểu là tiết mục của đoàn Mông Cổ),…
Khán giả cũng phàn nàn về việc BTC quảng bá rộng rãi “Về miền Hương Ngự” là chương trình không mất vé nhưng người dân lại không được vào xem mà chỉ có khách vé VIP. Một chương trình tôn vinh các giá trị nghệ thuật truyền thống của Huế, nhưng khán giả được vào xem chưa đến 300 người và người dân Huế lại không được theo dõi ngay cả trên tivi.
Chương trình "Về miền Hương Ngự"
Một mùa Festival Huế nữa qua đi và chắc nó sẽ để lại rất nhiều ấn tượng bao gồm cả tốt đẹp do có nhiều điểm đổi mới và cả những ấn tượng không mấy tốt đẹp từ công tác tổ chức tới chất lượng chương trình.