"Bẫy" vay tiền qua app rồi đòi nợ tàn khốc
- Pháp luật
- 20:04 - 05/11/2020
Việc nở rộ các hoạt động cho vay tín dụng thông qua mạng, qua ứng dụng (app) trên điện thoại đang "làm nóng" nghị trường. Một số đại biểu quốc hội và trước đó là cơ quan chức năng cũng cảnh báo về một số hậu quả của việc quá thả lỏng cơ chế cho vay này.
Các ứng dụng này đang hút rất nhiều người bởi nó đơn giản, nhanh chóng, không cần gặp mặt và không cần thế chấp tài sản. Tất nhiên là số tiền cho vay nhỏ và thời gian cho vay ngắn hơn so với vay tín dụng tại ngân hàng.
Những người cho vay thông qua phương thức này có nhiều "chiêu thức lách luật" để qua mặt cơ quan chức năng như việc chia nhỏ tiền lãi vào phí, phạt hoặc dịch vụ hỗ trợ. Tổng mức tiền lãi và phạt theo Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ tìm hiểu "lên đến tới hơn 1.000%/năm". Thực tế, cách thu hồi nợ của các đối tượng này cũng tàn khốc hơn cả tín dụng đen thông qua việc khủng bố tinh thần, bôi nhọ thông tin trên mạng, liên tục quấy phá để ép buộc trả nợ hằng ngày, hằng giờ. Nhiều người dân đã phản ảnh với chính quyền nhưng đến nay hoạt động này vẫn đang diễn ra phổ biến.
Được biết, các ứng dụng vay tiền yêu cầu người vay đồng ý cho truy cập danh bạ trên điện thoại di động. Điều này khiến những người trong danh bạ, mặc dù không liên quan, không vay tiền nhưng cũng bị bên cho vay đe doạ.
Đến lúc gần trả app này thì app kia gọi điện đến mời và app này sẽ hối thúc app kia trả cho nên cứ thành một vòng xoáy vay app này để trả app kia. Đến khi không còn khả năng chi trả, các app đều gọi điện để đe dọa, gọi tất cả các số trên danh bạ, ghép hình ảnh các trang mạng xã hội gửi cho người thân, thực sự tôi thấy rất áp lực và mệt mỏi", một người vay qua app cho biết.
Áp lực từ việc sợ bị đe dọa, bị bôi nhọ danh dự, người vay thường sẽ chọn ngay phương án vay thêm app để kéo dài thời gian xoay xở. Tuy nhiên, thực tế không biết rằng các app đã liên thông thông tin với nhau và người vay đã bị cuốn vào cái bẫy lúc nào không hay.
Thời gian qua báo chí phản ánh, hiện nay có nhiều app ứng dụng quảng cáo mô hình cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending) chỉ cung cấp nền tảng cho vay, tuy nhiên họ cũng đứng ra thực hiện luôn khâu huy động vốn vay và thu hồi công nợ cho khoản vay đến hạn.
Cơ quan chức năng cũng cho rằng khó xử lý do Chính phủ vẫn chưa có hành lang pháp lý về hoạt động này. Điều này vô hình trung đang tạo điều kiện thuận lợi cho tín dụng đen thông qua ứng dụng để thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay này.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Hoàng Thị Thanh Hoa (Hãng Luật LPVN) cho biết: "Cần phân nhóm chủ thể của hoạt động cho vay thông qua app, qua mạng làm hai nhóm. Một là nhóm hoạt động cho vay của các ứng dụng thuộc quản lý của các tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Hai là nhóm hoạt động cho vay dân sự do các bên tự thỏa thuận với nhau (có thể là ủy quyền, hỗ trợ vay vốn hoặc dịch vụ hỗ trợ tài chính, tùy cách ứng dụng đặt tên)".
Đối với nhóm thứ nhất – việc cho vay của các ứng dụng thuộc quản lý của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng hoặc cá nhân, tổ chức được tổ chức tín dụng ủy quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phát luật về cho vay và thu hồi nợ.
Cụ thể, theo Thông tư 18, Ngân hàng Nhà nước quy định: "Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật".
Đối với hoạt động cho vay dân sự do các bên tự thỏa thuận với nhau mà các Đại biểu quốc hội đang đề cập, đây thuộc nhóm hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động cho vay tín dụng và cần phải xử lý nghiêm khắc. Có hai vấn đề mấu chốt cần xác định để tiến hành xử lý nhóm các đối tượng này.
Một là về nguyên tắc, các bên có quyền thỏa thuận nhưng không được trái với quy định pháp luật và đạo đức xã hội. Việc bên cho vay áp đặt mức lãi suất cao, không tuân thủ các quy định chuyên ngành về vay – cho vay dù người vay đồng ý thì giao dịch này không phù hợp với quy định.
Hai là không khó để cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm trong việc thu hồi nợ theo kiểu "xã hội đen" của các đơn vị chủ quản của app. Chỉ cần có khiếu nại của người dân về việc bị quấy rối liên tục hay đe dọa, cơ quan chức năng cần can thiệp để xem xét xử lý hành chính. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay áp dụng chế tài hình sự với các nhóm đối tượng lợi dụng công nghệ cho vay nặng lãi với mô hình tín dụng vi mô này.