Bảo tàng Báo chí Việt Nam mở cửa đón khách từ hôm nay, 19/6
- Tây Y
- 16:42 - 19/06/2020
Thông tin từ infonet.vietnamnet.vn cho biết, ngày 28/7/2017, Thủ tướng ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng nằm tại Toà nhà Hội nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm. Đã có trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của Bảo tàng. Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.
Dự án trưng bày triển khai đồng thời với Dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công. Nội dung trưng bày gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Bảo tàng được chia 2 tầng. Tầng 1 là nơi trưng bày các hiện vật, tài liệu độc đáo và các tờ báo cổ. Tầng 2 đang được bố trí các tờ báo điện tử và các tờ báo địa phương. Bảo tàng này hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến, nơi tham quan thường xuyên của những người làm báo ở mọi miền trong cả nước. Đây được coi là điểm tựa tinh thần để các nhà báo, phóng viên giữ vững niềm tin, tinh thần sáng tạo không ngừng trong quá trình làm việc.
Chia sẻ với Vov.vn, nhà báo Lê Quốc Trung, Nguyên Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: "Bảo tàng trưng bày 95% là hiện vật gốc còn lại là phục chế. Chúng tôi cố gắng tối thiểu phục chế trong quá trình thu thập, sưu tầm. Những hiện vật gốc ví dụ như buồng tối của báo ảnh Việt Nam của Thông tấn xã Việt Nam là hiện vật của những người làm trong buồng tối thời kỳ chiến tranh, trước những năm 1975 được thu thập đầy đủ. Chúng tôi nhờ một kỹ thuật viên đã từng làm buồng tối giúp bày biện lại đúng theo những cái sẵn có.
Tuy nhiên bên cạnh các hiện vật còn may mắn lưu giữ lại, những hiện vật báo chí là giấy, tư liệu không như các hiện vật khác lại rất dễ bị tàn nhanh. Để sưu tập các hiện vật gốc trưng bày tương đối đầy đủ cả quá trình lịch sử của Báo chí cách mạng Việt Nam là rất khó khăn. Nhưng với sự cố gắng của cả một tập thể những người làm bảo tàng, cũng như cả giới báo chí, ngày hôm nay chúng ta có được tương đối đầy đủ hiện vật về các thời kỳ để trưng bày là vô cùng quý giá".