THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:31

Bầu cử Quốc hội: Những mốc son lịch sử

Bầu cử Quốc hội: Những mốc son lịch sử - Ảnh 1.

Áp phích tuyên truyền Triển lãm. Nguồn: Văn phòng Quốc hội.


Bầu cử Quốc hội: Những mốc son lịch sử - Ảnh 2.

Hình ảnh Pano Triển lãm tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn từ Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III để trưng bày, góp phần tái hiện những dấu ấn hoạt động của Quốc hội và các kỳ bầu cử đã qua, là hoạt động góp phần thông tin, tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 25/5/2021.

Thật vậy, 14 kỳ bầu cử đã qua, Ngày bầu cử Quốc hội của mỗi khóa thực sự là những ngày hội của toàn dân, luôn để lại những dấu ấn đặc biệt. Mỗi kỳ bầu cử đã qua là một mốc son của lịch sử dân tộc và của Quốc hội Việt Nam. Ngày bầu cử Quốc hội là ngày cử tri khắp cả nước, không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo, vùng miền, dân tộc, đoàn kết, đồng lòng, phấn khởi, nô nức, tề tựu đi bầu cử, tham gia bầu cử. Hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cùng điểm lại những ngày hội non sông, những dấu mốc khởi đầu cho mỗi khóa của Quốc hội Việt Nam.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội của nước Việt Nam, ngày 6/1/1946, đó là ngày đặc biệt của nhân dân ta. Hơn 90% tổng số cử tri đã nô nức tham gia bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, được hưởng quyền bầu cử và ứng cử. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời, để tỏ rõ sự đoàn kết, nhất trí của Chính phủ, Quốc hội Việt Nam, tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, đã tán thành đề nghị của Chính phủ truy nhận 70 đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng và của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I.

Bầu cử Quốc hội: Những mốc son lịch sử - Ảnh 3.

Đội nhi đồng cứu quốc Mai Hắc Đế tham gia vận động bầu cử Quốc hội ngày 05/01/1946. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Mục lục ảnh phông Nguyễn Bá Khoản, số 195-851.

"Tổng tuyển cử thắng lợi là cuộc động viên chính trị rộng lớn, sâu sắc, biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm bảo vệ và xây dựng chế độ mới, chế độ Dân chủ Cộng hòa. Nó đẩy lùi mọi âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho đấu tranh chính trị, ngoại giao của Chính phủ ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta có một Quốc hội dân chủ, tiến bộ."

Ngày bầu cử khóa II, ngày 8/5/1960, đã diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II. "Khắp miền Bắc, bình quân hơn 97% cử tri đã tham gia bỏ phiếu." Đồng thời, với tinh thần "Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một", Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiêu biểu tính chất thống nhất của cả nước ta và tiêu biểu ý chí đấu tranh thống nhất của nhân dân ta từ Bắc chí Nam, Quốc hội đã ban hành nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ của đại biểu miền Nam trong Quốc hội.

Bầu cử Quốc hội: Những mốc son lịch sử - Ảnh 4.

Đồng bào các dân tộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II, tháng 5/1960. Nguồn: Văn phòng Quốc hội.

"Cuộc bầu cử Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở tất cả các địa phương đã được tiến hành hoàn toàn đúng theo những quy định của luật lệ bầu cử. Các cơ quan nhà nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả mọi người công dân đều có thể sử dụng đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử. Tuyệt đại đa số những người từ 18 tuổi trở lên đã được ghi vào danh sách cử tri. Những người làm công tác bầu cử đều có ý thức dân chủ, có tinh thần trách nhiệm và nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ bầu cử. Việc tuyên truyền vận động bầu cử được tiến hành hoàn toàn tự do, dân chủ, đúng pháp luật.

Cuộc bầu cử đã được toàn thể nhân dân nhiệt liệt tham gia. Tuyệt đại đa số cử tri đã đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong trật tự hoàn toàn do nhân dân tự giác, tự tổ chức lấy.". Cuộc bầu cử đã bầu được 362 đại biểu.

Cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khoá II là một thắng lợi rất to lớn của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngày bầu cử Quốc hội khóa III, ngày 26/4/1964, cuộc bầu cử Quốc hội khóa III được tiến hành trên toàn miền Bắc. Hơn 8,58 triệu cử ở miền Bắc đã đi bỏ phiếu. "Cuộc bầu cử đã diễn ra như một ngày hội lớn!. Từ thành thị đến thôn quê, tất cả các địa điểm bầu cử đều có treo cờ hoa, có nơi có đội âm nhạc giúp vui; có nơi có tổ chức múa sư tử để đẩy mạnh việc tuyên truyền cổ động. Nhân dân nô nức đi bỏ phiếu với niềm vui sướng và ý thức sâu sắc là đi làm nhiệm vụ của người công dân".

Bầu cử Quốc hội: Những mốc son lịch sử - Ảnh 5.

Những cử tri trẻ tuổi lần đầu được bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng, tháng 4/1964. Nguồn: Văn phòng Quốc hội.

Cuộc bầu cử đã bầu được 366 đại biểu. Cũng như Quốc hội khóa II, đại biểu miền Nam tiếp tục được Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ. Kết quả của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III tiếp tục thể hiện rõ sự ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta mong muốn về một nước Việt Nam thống nhất đồng thời còn là sự thể hiện niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bầu cử Quốc hội khóa IV, ngày 11/4/1971. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng thuộc 80 đơn vị bầu cử trên khắp miền Bắc đã đi bỏ phiếu bầu những đại diện xứng đáng vào Quốc hội khóa IV.

"Ngày bầu cử đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân và toàn quân. Nhiều nơi bỏ phiếu được trang trí đẹp đẽ. Nhiều địa phương dựng cổng chào, treo cờ, kết hoa, hoặc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, gây không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Tranh cổ động, biểu ngữ, khẩu hiệu được treo dán ở các xóm, làng, đường phố, trên trận địa pháo cao xạ và ngay trên xe chở hàng ra tiền tuyến. Cử tri nô nức đi bỏ phiếu từ sáng sớm để bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất, để thuận tiện cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Nhiều cụ già trên 100 tuổi đã nhờ con cháu dắt đến phòng bỏ phiếu đúng giờ khai mạc. Nhiều cử tri ở vùng cao phải đi nửa ngày đường mới đến nơi đặt hòm phiếu, nhưng 6 giờ sáng đã có mặt để sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ công dân của mình…"Số người đi bầu đạt 98,88% trên tổng số cử tri. 420 đại biểu đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV.

Cuộc Bầu cử Quốc hội khóa V, ngày 6/4/1975, đã diễn ra sôi nổi, 98,26% cử tri miền Bắc đã nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V. Cử tri đã bầu 424 đại biểu trong tổng số 527 người được ra giới thiệu ứng cử.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa V được triệu tập ngày 3/6/1975 cũng là lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vừa kết thúc toàn thắng, non sông thu về một mối, đất nước được hoàn toàn độc lập, bước vào thời kỳ mới, xây dựng đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập, cả nước tiến lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Quốc hội khóa V cũng là khóa Quốc hội ngắn nhất, từ tháng 4/1975 đến tháng 4/1976 và chỉ có hai kỳ họp.

Bầu cử Quốc hội khóa VI, Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, thực sự là ngày hội lớn của nhân dân cả nước. Khắp nơi, nhân dân đều vui mừng, phấn khởi, tích cực tham gia Tổng tuyển cử. Ngoài việc nô nức kéo nhau đi bỏ phiếu, nhân dân còn có nhiều hình thức phong phú làm cho ngày hội thống nhất non sông thật vui vẻ, tưng bừng. "Trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ tập thể, người chiến thắng, những con em của dân tộc Việt Nam anh hùng, đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân của mình, cử những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất."

Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ chung trong cả nước là 98,77%. Kết quả, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu. Không có đơn vị bầu cử hoặc khu vực bầu cử nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 có ý nghĩa quan trọng làm nức lòng nhân dân cả nước và có tiếng vang lớn trên thế giới, là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình mở rộng và củng cố chính quyền nhà nước, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân ta quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Quốc hội khóa VII đã diễn ra ngày 26/4/1981 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 97,96% và đã bầu được 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VII. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống, thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII đã khẳng định đồng bào và chiến sĩ cả nước đã thực hiện quyền làm chủ tập thể, sáng suốt lựa chọn được những đại biểu xứng đáng bầu vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Bầu cử Quốc hội: Những mốc son lịch sử - Ảnh 6.

Quyền Chủ tịch Nước Nguyễn Hữu Thọ làm nhiệm vụ cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/1981. Nguồn: Văn phòng Quốc hội.

Bầu cử Quốc hội khóa VIII diễn ra vào ngày 19/4/1987, với 98,75% cử tri đi bỏ phiếu bầu được 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII. Quốc hội khóa VIII được bầu ra và hoạt động khi đất nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, Quốc hội đã tỏ rõ vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, ban hành Hiến pháp năm 1992.

Bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, XII, XIII và XIV diễn ra giữa lúc công cuộc đổi mới đất nước đang được thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa trên nhiều phương diện, cả đối nội và đối ngoại. Việc tăng cường vai trò làm chủ của nhân dân và vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất được đặt ra hơn bao giờ hết. Cuộc bầu cử đại biểu quốc hội các khóa luôn là ngày hội của toàn dân, là sự phản ánh về ý chí, nguyện vọng của nhân dân về sự đoàn kết, thống nhất, phát triển.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa IX đã diễn ra ngày 19/7/1992 bầu được 395 đại biểu với 99,12% cử tri đi bỏ phiếu. Cuộc Bầu cử Quốc hội khóa X, ngày 20/7/1997 bầu được 450 đại biểu với 99,59% cử tri đi bỏ phiếu. Bầu cử Quốc hội khóa XI, ngày 19/5/2002, bầu được 498 đại biểu với 99,73% cử tri đi bỏ phiếu. Cuộc Bầu cử Quốc hội khóa XII, ngày 20/5/2007 bầu được 493 đại biểu với 99,64% cử tri đi bỏ phiếu. Bầu cử Quốc hội khóa XIII, ngày 22/5/2011. Đây là lần đầu tiên, người dân đi bầu đồng thời các cơ quan dân cử ở 4 cấp, gồm: đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cấp xã, phường, thị trấn trong cùng một ngày. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 99,51%, 500 đại biểu Quốc hội trúng cử. Ngày 22/5/2016, Bầu cử Quốc hội khóa XIV đã diễn ra với 99,35% cử tri đi bỏ phiếu, bầu 496 đại biểu.

Kết quả của các cuộc bầu cử là sự phản ánh từng chặng đường của sự phát triển của Quốc hội Việt Nam, thể hiện về nền dân chủ, về nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thắng lợi của mỗi kỳ bầu cử luôn là sự thể hiện niềm tin của nhân dân đối với Đảng và con đường cách mạng của dân tộc. Ngày bầu cử Quốc hội mỗi khóa thực sự là ngày hội của non sông, ngày hội của toàn dân tộc.

Chỉ hơn 1 ngày nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của cả nước, là ngày cử tri cả nước thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân. Phát huy tinh thần dân chủ, quyền làm chủ của công dân đất nước, cử tri cả nước cùng tham gia thực hiện bầu cử, lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, và của các địa phương. Mỗi cử tri cần làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, thực hiện quyền làm chủ, tham gia bầu cử đầy đủ, sáng suốt lựa chọn những người đủ tài, đủ đức tham gia cơ quan quyền lực nhà nước.

Bảo Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh