THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:52

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội bỏ phiếu bầu cử ở các thành phố lớn

Nơi 4 lãnh đạo chủ chốt thực hiện quyền bầu cử, cũng là nơi ứng cử

Chiều 21/5, tại họp báo công tác chuẩn bị bầu cử, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã thông tin về địa điểm bỏ phiếu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Theo đó, vào ngày bầu cử 23/5 tới:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bỏ phiếu bầu cử ở Hà Nội, 

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu tại TP. Hồ Chí Minh, 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bỏ phiếu ở Cần Thơ,

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại Hải Phòng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội bỏ phiếu bầu cử ở các thành phố lớn - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nói về nguyên tắc, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang cư trú tại địa bàn nào thì bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở nơi đó.

Tuy nhiên, một số vị đi bỏ phiếu ở địa phương khác, gắn với việc kiểm tra công tác bầu cử, chứng kiến giờ khai mạc và động viên các địa phương trong ngày trọng đại. Địa phương 4 lãnh đạo chủ chốt thực hiện quyền bầu cử cũng là nơi các vị ứng cử.

Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục năm thứ 5 ứng cử đại biểu Quốc hội ở Thủ đô.

Tương tự các Chủ tịch Nước tiền nhiệm gần đây, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ở TP. Hồ Chí Minh.

Lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử đại biểu Quốc hội tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ bỏ phiếu tại TP. Cần Thơ. 

Trong các nhiệm kỳ trước và gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng.

Thay vì Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ứng cử ở TP. Hải Phòng. Vào đầu nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ứng cử tại Hà Tĩnh, khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ chuyển sinh hoạt từ Đoàn đại biểu Hà Tĩnh về Hà Nội.

Cho biết thêm, theo bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, về nguyên tắc bầu cử, lãnh đạo cư trú ở địa bàn nào thì đi bầu cử tại nơi đó. Tuy nhiên với lãnh đạo còn gắn với nhiệm vụ cụ thể.

“Các lãnh đạo đi bỏ phiếu ở một số địa phương để gắn với việc kiểm tra, chứng kiến, động viên các địa phương trong ngày bầu cử”, bà Thanh nói.

16 tỉnh, thành có những điểm bỏ phiếu sớm

Cũng tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử. 

Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã đồng ý cho 16 tỉnh tổ chức bầu cử sớm tại một số điểm bao gồm các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Nông, Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Bạc Liêu, Bắc Ninh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho hay, việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.

Trường hợp trong quá trình bầu cử có khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng sẽ cần thời gian để giải quyết, sau đó công bố kết quả, xác nhận tư cách đại biểu.

Về biện pháp để chống hiện tượng bầu hộ, bầu thay từng diễn ra trong các cuộc bầu cử trước đây, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh ý nghĩa của việc tuyên truyền để người dân ý thức trách nhiệm của mình đối với cuộc bầu cử, để mỗi cử tri thực hiện đầy đủ quyền của mình.

Chỉ còn 1 ngày nữa, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đây là ngày hội toàn dân để cử tri thể hiện và phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HDNĐ các cấp.

Về ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV

Tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tính đến thời điểm này có 866 người để bầu 500 đại biểu ( tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu).

Cơ cấu kết hợp như sau: Phụ nữ: 393 người (45,38%); người dân tộc thiểu số: 185 người (21,36%); người ngoài Đảng: 74 người (8,55%); tái cử: 204 người (23,56%); người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người (25,87%). Số tự ứng cử: 9 người.

Về ứng cử viên đại biểu HĐND

- Cấp tỉnh: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 3.726 người. Tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người. Tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 đại biểu.

Cơ cấu kết hợp: Phụ nữ: 2.528 người (40,78%); trẻ tuổi: 1.987 người (32,05%); ngoài Đảng: 774 người (12,49%); người dân tộc thiểu số: 1.156 người (18,65%). Số người tự ứng cử: 18 người (0,29%).

- Cấp huyện: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 22.952 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người. Tỷ lệ 1,66 lần.

Cơ cấu kết hợp: Phụ nữ: 15.814 người (42,21%); trẻ tuổi: 15.262 người (40,73%); ngoài Đảng: 4.909 người (13,10%); người dân tộc thiểu số: 7.204 người (19,23%). Số người tự ứng cử: 29 người (0,08%).

- Cấp xã: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 242.312 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người. Tỷ lệ 1,67 lần.

Cơ cấu kết hợp: Phụ nữ: 157.680 người (38,91%); trẻ tuổi: 181.056 người (44,68%); ngoài Đảng: 102.084 người (25,19%); người dân tộc thiểu số: 87.062 người (21,48%). Số người tự ứng cử: 213 người (0,05%).



Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh