THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:21

"Bất ngờ" ở Mã Pì Lèng!

Bởi những hình ảnh của công trình này khi được "cải tạo" lại có vẻ "hoành tráng" và bề thế hơn hẳn so với trước - khi mà dư luận và cả cơ quan chức năng đều phản ứng bởi sự can thiệp thô bạo của công trình đối với cảnh quan thiên nhiên ở một vùng di sản văn hóa nổi tiếng.

"Bất ngờ" ở Mã Pì Lèng! - Ảnh 1.

Dư luận đặt câu hỏi: Liệu có "ngoại lệ" nào đối với công trình vốn đầy tai tiếng này?

Để xử lý một cách "hài hòa", Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu tỉnh Hà Giang cải tạo, chỉnh trang công trình nhà nghỉ, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không gây cản trở tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang.

Bộ cũng yêu cầu tỉnh Hà Giang phải thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện. Theo phương án cải tạo công trình Mã Pì Lèng Panorama được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt hồi tháng 3, công trình này phải đập đi 1 tầng trong 2 tầng nổi. Thế nhưng những hình ảnh mới đây lại cho thấy, công trình hiện không chỉ vẫn có 2 tầng nổi trên mặt đất như trước mà còn... thêm 1 tầng áp mái. Có nghĩa là độ cao của công trình tăng thêm so với trước!

Cần nhắc lại, Panorama Mã Pì Lèng vốn là một công trình "4 không": Không có giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, không có văn bản thẩm định của Bộ VH-TT&DL. Việc để nó tồn tại đã là một điều khiến nhiều người cảm thấy "bất thường", vậy mà mọi chuyện không dừng ở đó. Lợi dụng chủ trương cho cải tạo để có "hình thức phù hợp hơn", chủ công trình này lại cho xây dựng thêm khiến nó trở nên "hoành tráng" hơn trước.

Trước đây, việc công trình "mọc lên" giữa "rừng xanh núi đỏ", phá vỡ cảnh quan thiên nhiên mà không cơ quan chức năng nào của địa phương can thiệp đã là một điều "không bình thường", thì giờ đây việc nó trở nên to lớn hơn bất chấp những chỉ đạo của cả Trung ương lẫn địa phương có thể coi là một sự thách thức - thách thức cả cơ quan quản lý Nhà nước và dư luận.

Dư luận đặt câu hỏi: Liệu có "ngoại lệ" nào đối với công trình vốn đầy tai tiếng này? Nếu có thì "ngoại lệ" đó xuất phát từ ai?

Trong khi lãnh đạo huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang khẳng định công trình đã được cải tạo "đúng theo chỉ đạo" thì Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu kiểm tra. "Chúng tôi sẽ kiểm tra xem từ đó đến nay, việc cải tạo được tiến hành thế nào, đúng với phương án đã được thống nhất không, chính quyền địa phương phải có câu trả lời", một lãnh đạo của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết.

Mã Pì Lèng Panorama là điển hình của sự coi thường kỷ cương, ngang nhiên xâm hại di sản thiên nhiên. Nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh để ngăn chặn một tiền lệ xấu, có thể lây lan sang nhiều di sản thiên nhiên khác khi tiếp tục "nương nhẹ" với những vi phạm ở công trình này.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh