Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
- Huyệt vị
- 15:36 - 29/03/2021
Nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) cho hay, đóng góp của thị trường bất động sản hiện chiếm tới 13,6% GDP. Đặc biệt, bất động sản có khả năng lan tỏa lớn đến hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, với lĩnh vực xây dựng, năm 2020 đã có sự tăng trưởng rất tốt, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 6,5%, góp phần quan trọng vào GDP. Dự báo, quý I/2021, cổ phiếu bất động sản sẽ tăng khoảng 15%, một phần do cộng hưởng của tình trạng sốt đất. Giá chứng khoán của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết năm 2020 tăng 27% và tính đến thời điểm hiện tại tăng 31%. Lĩnh vực bất động sản và xây dựng đang được đánh giá là tương đối khả quan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng: "Mặc dù có những cơn sốt đất xảy ra trên thị trường song điều đó cũng cho thấy, thị trường bất động sản vẫn có sức hút với các nhà đầu tư. Tôi cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư mà người Việt rất tin tưởng, chỉ sau vàng và chứng khoán".
Nhiều chuyên gia cùng cho rằng, chính những điểm nghẽn về pháp lý đã khiến các dự án chậm triển khai, hoặc không thể triển khai, dẫn đến làm gia tăng chi phí, đẩy giá nhà lên cao so với thu nhập của người dân. Cùng với đó, những vướng mắc về thủ tục hành chính khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp tục ra được dự án mới...
Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, tác động của dịch Covid-19 tới ngành xây dựng là có, nhưng không chịu tác động lớn như các ngành bất động sản hay du lịch. Thực tế trong năm 2020, đóng góp của doanh nghiệp xây dựng với GDP của đất nước là rất lớn. Điều đó đạt được là nhờ dư địa của các doanh nghiệp từ nhiều năm trước, cùng với đó là đầu tư công của Nhà nước đã thúc đẩy các hoạt động xây dựng phát triển.
"Để các ngành có thể phát triển bền vững trong thời gian tới, tôi cho rằng, cần tiếp tục xây dựng "Chính phủ kiến tạo", tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp bất động sản có thể hoạt động thuận lợi, từ đó doanh nghiệp xây dựng cũng mới có thể hoạt động tốt. Bên cạnh đó, những chồng chéo của pháp luật liên quan đến bất động sản, xây dựng cũng cần tháo gỡ. Ví như một số sản phẩm bất động sản như condotel, đang vướng mắc về pháp lý nên cũng phần nào gây khó khăn cho thị trường. Trong năm 2021, nếu tháo gỡ được những khó khăn trên thì ngành xây dựng, bất động sản sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển", ông Dũng đề xuất.
TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng khuyến nghị, trong tương lai, Việt Nam cần các chính sách thông suốt, hệ thống luật pháp thuận lợi, tạo điều kiện cho đầu tư và cho doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đều đồng tình với quan điểm rằng thị trường sẽ tiếp tục có một năm phục hồi tốt hơn, phát triển lành mạnh hơn và không có "cơn sốt" hay "bong bóng" nào xảy ra với thị trường.