THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:55

Bất chấp lệnh cấm, dịch vụ đổi tiền lẻ tại cổng đền, chùa vẫn tràn lan

 

Đổi tiền lẻ phí cao có thể bị phạt đến 40 triệu đồng

Năm nay là năm thứ 6 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện chủ trương không đưa các loại tiền mới in từ 5.000 đồng trở xuống và là năm đầu tiên không đưa các loại tiền 10.000 đồng mới ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Tuy chủ trương đã có, thế nhưng lợi dụng nhu cầu của người dân, nhiều cửa hàng hay tại các miếu, chùa, dịch vụ đổi tiền với mức phí cao mọc lên như nấm, nhất là cao điểm mùa lễ hội nên thị trường đổi tiền lẻ càng nhộn nhịp.

 

Các điểm đổi tiền lẻ ngang nhiên mọc lên với mức phí cao ngất ngưởng bất chấp lệnh cấm.

 

Tại những cổng chùa, đền, phủ lớn ở Hà Nội, tình trạng các cửa hàng bán đồ lễ trước cổng luôn có dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra công khai. Theo đó, từng xấp tiền được bó lại bằng dây chun, xếp chồng lên nhau đặt cạnh món đồ khác của cửa hàng. Tiền có mệnh giá càng thấp thì mức phí càng cao. Đối với tiền mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng được các chủ kinh doanh áp dụng mức phí chung. Khách hàng muốn đổi tiền sẽ phải chấp nhận mức phí đổi 20% đối với các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng. Đặc biệt, tiền 500 đồng có mức phí cao nhất lên tới 30 - 35%.

Trước đó, NHNN đã nghiêm cấm cán bộ ngân hàng, các tổ chức tín dụng tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó… Theo Nghị định số 96/2014/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Thế nhưng có cầu ắt sẽ có cung. Tình trạng kinh doanh đổi tiền lẻ với mức phí cao ngất ngưởng vẫn diễn ra công khai bất chấp lệnh cấm.

Thay đổi thói quen: Cứ đến đền, chùa là rải tiền lẻ

Việc đi lễ chùa, đặt tiền công đức hay còn gọi là tiền “giọt dầu” dâng cúng Thần Phật là truyền thống văn hóa của người Việt thể hiện sự thành tâm đối với chốn linh thiêng. Tuy nhiên, không phải ai đi lễ đều biết “phép tắc” lễ thế nào cho đúng, cho nghiêm, thể hiện được lòng thành.

 

Người dân vẫn có thói quen rải tiền lẻ nơi đền, chùa.

 

Trong tâm thức của người Việt, cúng tiền khi đi chùa, đình, đền, miếu… mang ý nghĩa như một chút công đức xây dựng tu bổ, chút đèn nhang cúng Thánh Thần, cúng Phật, đồng thời cầu mong may mắn và bình an đến với gia đình, người thân. Ngày nay việc cúng tiền ngày càng biến tướng và trở thành vấn nạn, nhất là vào mùa lễ hội, năm mới. Người đi lễ rải những đồng tiền lẻ khắp mọi nơi, từ các ban thờ đền vườn hoa, hốc cây, giếng nước… thậm chí nhét tiền lẻ vào tay chân tượng Phật, giẫm đạp lên tiền rơi vãi, gây ra những hình ảnh phản cảm nơi thờ tự, mất đi sự tôn nghiêm chốn Phật.

Như một thói quen ăn sâu, nhiều người đi lễ cảm thấy không yên lòng khi đi lễ tay không vì sợ Thần Phật không chứng, quở phạt vì không có tâm; sợ những lời cầu nguyện không linh, không nghiệm.

Nhiều người đi lễ nhưng cũng chẳng biết nơi mình đến lễ thờ Thần, Thánh hay thờ Phật, chỉ thấy mâm cao cỗ đầy, khênh lợn quay, gà luộc vào chùa; nhét tiền lẻ khắp các ban, bệ rồi lầm rầm khấn vái xin đủ điều. Tất cả những đồng tiền lẻ, mệnh giá nhỏ ấy mỗi lần đặt xuống đều được “đổi” lấy một tâm nguyện mang lợi ích cá nhân.

Ngoài việc dúi, nhét tiền vào tay, chân Phật, nhiều nơi, người đi lễ còn thả tiền lẻ xuống giếng, khiến cho Ban quản lý phải giăng lưới “hứng tiền” hoặc tiến hành “trục vớt” vào cuối ngày. Theo chuyên gia đầu ngành văn hóa GS. Trần Lâm Biền thì đó là những việc làm phản văn hóa; là hành động vô lễ với Thần Phật, xem rẻ Thần Phật và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian.

Đi lễ vốn dĩ chỉ cần thành tâm nhưng nay lại là chuyện không nhỏ bởi không phải ai đi lễ cũng hiểu hết những “phép tắc” chốn tôn nghiêm.

Sự thiếu hiểu biết về “Lễ” đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với các nơi thờ tự. Đã đến lúc người đi lễ cần phải thay đổi tư duy về tiền lễ, không để tạo ra những hình ảnh phản cảm, tạo ra những thảm họa “rác tiền” và kéo theo nạn buôn bán tiền lẻ ở chốn thờ tự tôn nghiêm.

Chia sẻ về vấn đề này, Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN cho biết: "Người dân đi lễ chùa có truyền thống công đức, cúng dường Tam bảo, tùy duyên công quả để tạo phúc cho gia đình. Tuy nhiên, việc rải tiền lẻ lên ban thờ là một hành động sai lầm vì cúng đức Phật là cúng hương đèn, hoa quả".

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, người đi lễ chùa cần nâng cao ý thức, không hùa theo đám đông để giữ cho chùa chiền được tôn nghiêm, thanh tịnh. Tiền công đức nên được đặt vào hòm công đức hoặc gửi ở các bàn ghi công đức được bố trí tại các chùa. Đây vừa là hành động có văn hóa, thể hiện được sự thành kính, vừa tránh được tình trạng lộn xộn, để tiền công đức được bảo quản và sử dụng đúng mục đích.

Hòm công đức chính là nơi tiếp nhận những tấm lòng của người đời dành cho việc tôn tạo, duy tu các công trình văn hóa, tâm linh. “Tâm xuất thì Phật biết”, việc cúng lễ tại các ngôi chùa không nhất thiết phải bằng tiền lẻ và đặt ở nhiều nơi. Thay vì rải tiền, người đi lễ nên thả tiền vào hòm công đức được đặt sẵn tại các chùa hoặc có thể đến bàn công đức tại các chùa, đình, đền… đóng góp lòng thành. Tấm lòng công đức của người đi lễ là lòng thành nên không ai đong đếm chuyện nhiều – ít.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh