THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:21

Bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, Ngày trẻ em thế giới là một sự kiện có ý nghĩa. Đây cũng là ngày để chúng ta cùng hành động, vận động chính sách; nâng cao nhận thức của xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách mà trẻ em đang phải đối mặt. Ngày trẻ em thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh toàn thế giới phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó, trẻ em và thanh thiếu nhi phải gánh chịu những tiêu cực từ đại dịch nhất là về vấn đề học tập, sức khỏe tâm thần.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới.

Nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng của đại dịch đến trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành trong việc tăng cường phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin và chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho cán bộ, nhân viên y tế, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ ở các khu cách ly, tại gia đình, nhà trường, các khu dân cư… Các cơ quan chức năng cũng tích cực tăng cường hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa sang chấn tâm lý cho trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19. Kết nối để hình thành mạng lưới hỗ trợ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng… Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn: “Các bộ, ban ngành, cơ quan, tổ chức, gia đình và cả trẻ em cùng quan tâm hơn, có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua khủng hoảng của đại dịch COVID-19”.

Theo Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers, mỗi người đều cần có một cơ thể khỏe mạnh cả tâm thần và thể chất. Tuy nhiên các vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn còn bị kỳ thị và hiểu lầm do đó đã tạo ra một "đại dịch" thầm lặng. Trẻ em và thanh thiếu niên chưa đủ mạnh mẽ để lên tiếng nói ra sự thật với bạn bè, người thân, gia đình. Vì thế, cần khuyến khích trẻ em chia sẻ, nói ra vấn đề của bản thân với người khác để nhận được sự giúp đỡ, tìm đến nhà chuyên môn hỗ trợ các em để quay trở lại sự thoải mái.

Bố mẹ nên dành nhiều thời gian vui chơi, trò chuyện cùng con.

Bố mẹ nên dành nhiều thời gian vui chơi, trò chuyện cùng con.

Tại nhiều gia đình, bố mẹ dành nhiều thời gian làm bạn với điện thoại hơn là trò chuyện với con. Từ thực tế đó, bà Rana Flowers cho rằng, bố mẹ nên bỏ điện thoại xuống và dành nhiều thời gian giao tiếp với con hơn. Trẻ em mong muốn trẻ em được người lớn lắng nghe mình thay vì yêu cầu trẻ phải làm thế nào. Nếu bố mẹ dành quá nhiều thời gian với điện thoại hay công việc thì sẽ mất cơ hội kết bạn, chia sẻ với con của mình.

Bà Rana Flowers cũng cho rằng, Chính phủ các nước cần cân nhắc các kế hoạch, chiến lược về sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên; đầu tư vào các dịch vụ để hỗ trợ trẻ em... Trường học cần có dịch vụ tư vấn, chương trình học có ưu tiên liên quan đến sức khỏe tâm thần dành cho trẻ nhỏ. Thêm vào đó là cần có những cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng có kỹ năng để có thể xác định trẻ em có nguy cơ, chuyển các em đến dịch vụ phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho các em. Cha mẹ cần được tập huấn để nhanh chóng nhận biết các vấn đề của con, hỗ trợ kịp thời; tạo môi trường khuyến khích sự trao đổi, nói chuyện giữa các thành viên trong gia đình…

Cũng tại Chương trình, trong vai trò của chuyên gia sức khỏe tâm thần, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam đã trò chuyện với trẻ em và khẳng định rằng, sức khỏe tâm thần tồn tại theo một chuỗi liên tục, có thể bao gồm các giai đoạn hạnh phúc và giai đoạn đau khổ mà hầu hết các giai đoạn này sẽ không phát triển thành những rối loạn có thể chẩn đoán được.

"Tất cả chúng ta đều có những ngày tốt đẹp hơn những ngày khác. Chia sẻ về những ngày tồi tệ của mình cũng quan trọng như chia sẻ về những ngày tốt đẹp. Có thể các em thấy rất khó mở lòng để chia sẻ, ngay cả với những người mình tin tưởng, nhưng đó là bước đầu tiên để các em có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết", Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh