THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:47

Trao quyền tham gia cho trẻ em ngay từ nhỏ

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) sự kiện tổng kết chiến dịch Lan toả yêu thương 2021 và hội thảo Các phương pháp giáo dục tích cực và thúc đấy sự tham gia của trẻ em.

Thúc đẩy sự tham gia của trẻ một cách thực chất: Từ suy nghĩ tới hành động

Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, khi nói tới Quyền của trẻ em, ngoài quyền sống còn, chúng ta thường coi trẻ bé bỏng nên chăm lo tới quyền bảo vệ, hay giáo dục phát triển trẻ chứ vẫn còn chưa quan tâm đúng mức đến quyền tham gia của trẻ em. Với quan niệm trẻ nhỏ, không biết gì, nhân danh việc người lớn đang làm tất cả vì trẻ em, trẻ em còn thiếu không gian và môi trường thúc đẩy sự tham gia, đặc biệt là trong gia đình. Đương nhiên, trẻ em có thể có góc nhìn khác với người lớn, trẻ em cũng không phải người lớn thu nhỏ, nhưng các em cũng có những ý kiến chính kiến của riêng mình rất cần được tôn trọng dù là trong gia đình, nhà trường hay cộng đồng xã hội.

Trẻ em được nói lên tiếng nói của mình tại Diễn đàn trẻ em các cấp.

Trẻ em được nói lên tiếng nói của mình tại Diễn đàn trẻ em các cấp.

“Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ không chỉ là việc giáo dục, phát triển, đảm bảo quyền và sự tham gia của trẻ em mà còn góp phần xây dựng một thế hệ công dân văn minh, có tư duy, thông minh, có giải pháp và biết ra quyết định khi trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chúng ta thúc đẩy sự tham gia của trẻ một cách thực chất: Từ suy nghĩ tới hành động, để trẻ em được đưa ý kiến, được lựa chọn và được ra quyết định trong các vấn đề phù hợp liên quan tới trẻ em”, bà Linh nhấn mạnh.

Ghi nhận thành công của chiến dịch Lan toả yêu thương, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh: “Qua 5 năm thực hiện liên tục, chiến dịch Lan toả yêu thương đã nhận được sự quan tâm của các bộ ngành, các cơ quan địa phương, báo chí và cộng đồng. Qua mỗi chiến dịch hay hội thảo, đối thoại hàng năm, chúng tôi cũng có cơ hội để trao đổi thêm với các bên liên quan, đặc biệt là với trẻ em về phòng chống xâm hại, chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cần phải có sự quan tâm và chung tay của mọi cơ quan, ban ngành và cộng đồng, chứ không chỉ là nhiệm vụ của Cục Trẻ em hay các tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực trẻ em.”

Đại diện Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em, bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý dự án Viện MSD cho rằng, công tác trẻ em luôn đặt ra những thách thức hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong bối cảnh COVID -19 và để đáp ứng nhu cầu trẻ em tốt nhất thì không gì tốt hơn việc lắng nghe các em. Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em trong một năm qua vẫn luôn nỗ lực hết mình để thúc đẩy tiếng nói của các em, thúc đẩy quyền tham gia của các em. Mạng lưới sẽ tiếp tục tiến trình truyền thông, giáo dục, vận động chính sách về thúc đẩy quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia, thử nghiệm các mô hình tham gia của trẻ em.

Trẻ em luôn mong muốn có nhiều cơ hội được lên tiếng

Tại hội thảo, em Bùi Phạm Khánh Trâm, học sinh lớp 9 tại Quảng Ngãi chia sẻ, việc để trẻ em lên tiếng bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng sẽ giúp trẻ em tự tin hơn và có cơ hội có thêm thông tin, vốn hiểu biết hơn. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian để quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với các con mỗi ngày. Hãy kiên nhẫn lắng nghe để thấu hiểu con mình hơn và trở thành người đầu tiên chúng con nghĩ đến và tìm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. “Em cũng mong rằng các cơ quan hãy tổ chức nhiều hơn nữa những diễn đàn để trẻ em được lên tiếng. Hãy bắt đầu bằng yêu thương, vì yêu thương sẽ giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề và tạo ra một môi trường lành mạnh, an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện”, Khánh Trâm nói.

Từng tham gia giám sát việc thực thi quyền trẻ em tại nhiều địa phương,  bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Giáo dục, Văn phòng Quốc hội cho biết, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được, việc thực thi vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức khi nhiều hoạt động chỉ lấy ý kiến đại diện trẻ em còn mang tính chất trình diễn, chủ yếu để báo cáo. Hoặc lấy ý kiến mà không theo đuổi xem những ý kiến đó được giải quyết như thế nào. Hoạt động chưa thường xuyên, kịp thời, đại đa số mới chỉ tiếp nhận qua sự kiện như diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ, Hội đồng trẻ em, mạng xã hội.

Chưa có tổ chức/biện pháp tiếp nhận thường xuyên ý kiến của trẻ em và xử lý phân loại, chuyển gửi các cơ quan giải quyết. Chưa chạm tới các nhóm yếu thế, khó khăn. Còn thiếu kênh phản hồi: Chưa có báo cáo rà soát cụ thể về kết quả tiếp thu/thực hiện/giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em. Chưa có nhiều và chưa có sẵn những công cụ hỗ trợ đại biểu dân cử, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức làm việc về trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em dễ dàng hơn, thuận tiện hơn khi thực hiện vai trò giám sát của mình.

Bà Hải cũng đưa ra khuyến nghị cần có những nghiên cứu sâu về thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam, trong đó có tính đến yếu tố văn hóa, phù hợp vùng miền để việc tham gia được hiệu quả. Có biện pháp thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như hiện nay....

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh