THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:41

Bảo vệ rừng bằng những luật tục và truyền thuyết

Rừng giữa lòng thành phố

Trời chợt mưa chợt nắng trong tiết trời se lạnh chuyển thu sang đông, chúng tôi đến buôn Ako Dhong, nằm cuối con đường Trần Nhật Duật (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dù nằm ngay ở lòng thành phố, nhưng buôn vẫn bảo tồn được một khu rừng nguyên sinh rộng 3 ha với nhiều loại động thực vật quý hiếm với vẻ thơ mộng, êm đềm.

Con đường bê tông chạy thẳng tắp từ đầu đến cuối buôn, hai bên dãy nhà dài được bao bọc bởi những hàng cây cắt tỉa tạo hình đẹp mắt, tô điểm thêm sự thanh bình cho buôn làng. Thỉnh thoảng mùi hương cà phê ai đó đang rang đến độ chín bay qua, khiến ta phải dừng lại hít hà.

Tìm đến nhà trưởng buôn Y- Dhec Kbuôr thường gọi Ama Dit (SN1958), người biết tường tận về buôn Ako Dhong. Trong khoảng sân rộng có một nhà dài bằng gỗ truyền thống của người Ê Đê, bên cạnh là một ngôi nhà xây cấp 4 theo lối kiến trúc hiện đại, trưởng buôn cho biết: Tiếng Ê đê: “Ako” có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là “suối”. Ako Dhong là “đầu nguồn suối”, vùng đất này bắt nguồn từ 6 con suối Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung và đặc biệt là Ea Nuôl - con suối lớn nhất ở Buôn Ma Thuột. Mặc dù nằm ở thành phố nhưng buôn Ako Dhong vẫn giữ được cho mình khung cảnh yên bình, tĩnh lặng, khác xa với cái nhộn nhịp náo nhiệt của thành phố. 

Trước kia buôn Ako Dhong là rừng, lác đác đôi ba ngôi nhà nằm giữa khoảng rừng mênh mông, là nơi dạo chơi của các loài thú. “Ngày đó tôi còn rất bé, theo chân cha mẹ đến những buổi họp buôn, ngồi nghe ông bà, kể chuyện về Ama Hrin, người đã gây dựng nên buôn Ako Dhong giàu đẹp này” Ama Dit vui vẻ kể. Khoảng năm 1956, có một chàng trai Ê Đê tên là Y Diêm Niê lúc đó mới 27 tuổi (Ama Hrin là lấy tên của con đầu lòng có nghĩa là cha của Hrin) từ vùng đất Ma đ’rắk (Đắk Lắk) đi đến vùng đất này Anh thấy cuộc sống của người dân nơi đây không hề giống bất kỳ một buôn Ê Đê nào. Ở đây có nguồn nước dồi dào, rừng bất tận. Chàng trai Ê Đê xin được ở lại lập nghiệp.

Với trí tuệ hơn người, sức vóc to lớn khoẻ mạnh, Ama Hrin nhanh chóng trở thành người ưu tú nhất buôn. Ở tuổi 30, Ama Hrin đã được mọi người đặc cách làm trưởng buôn, làm chủ đồn điền. Đất ở đồn điền, Ama Hrin đem chia đều cho các hộ nhưng sản phẩm làm ra của mỗi gia đình phải được công khai chia đều cho mọi người, ai ốm đau sẽ được thêm phần và được giúp đỡ... Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Ako Dhong đã trở thành buôn Ê Đê sung túc nhất vùng đất đỏ Tây Nguyên.

Nguồn nước không ngừng tuôn chảy ra từ cánh rừng xanh tốt

Điều đặc biệt ở buôn Ako Dhong là vẻ thơ mộng, êm đềm và không kém phần hoang dã, hấp dẫn chính là nhờ khu rừng này tạo nên. Bà con không cho bất kỳ ai động đến mấy ha rừng nguyên sinh của buôn. Họ bảo đấy là nguồn sống, là dưỡng khí, là mạch nguồn của nước... đụng vào đấy là mất tất cả. Biết bao du khách ghé thăm Ako Dhong phải trầm trồ kinh ngạc trước một buôn dân tộc vừa hiện đại vừa cổ xưa. Những gốc cổ thụ, cây xanh trong buôn được bảo vệ, già Ama Hrin cấm bán, cấm chặt, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng bằng trâu, bò. Bao nhiêu hộ gia đình Ê Đê là bấy nhiêu ngôi nhà dài vẫn còn được gìn giữ cẩn thận. Năm 2012, già Ama Hrin về với ông bà, điều quý nhất già để lại cho đại ngàn nắng gió này là một buôn Ê Đê thấm nhuần văn hóa bản địa mà vẫn hiện đại, văn minh.

Luật phạt vạ trâu, bò cho những ai vi phạm

Đến khu rừng buôn K’Mrơng Prông A rộng 1,2 ha thuộc xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột , tỉnh Đắk Lắk già làng Y Yơ’h Kbuôr (76 tuổi) kể về nguồn gốc khai sinh ra làng: Thuở xưa, ông bà mình chọn nơi đây lập buôn vì tìm được bến nước nằm sâu trong khu rừng. Lập xong, họ dâng lễ cúng thần nước, thần núi rừng, cầu thần linh ban cho bà con sức khỏe, suốt đời sống thủy chung, đùm bọc lẫn nhau. Nước là “thần hồn”, là hiện linh của sự sống, còn rừng là “lá bùa hộ mệnh” che chở cho buôn làng. Rừng còn thì nước còn, bà con xem việc giữ rừng như chính sinh mạng của mình vậy. Nếu để rừng mất, nước cạn thì làng cũng mất. Cái tên K’Mrơng (rừng) Prông (to lớn) đã gắn chặt với tên buôn mình từ đó đến giờ.

Để bảo vệ nguồn nước không ngừng tuôn chảy, các đời già làng lưu truyền một luật tục giữ rừng độc đáo. Nếu người nào trong buôn dám mạo phạm tới rừng thiêng sẽ bị loan báo cả làng biết, cho xấu hổ lần sau không dám nữa. Còn nếu chặt một cây rừng phải nộp trâu, bò, vài ché rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ.

Cây cổ thụ ở khu rừng buôn K’Mrơng Prông xã Ea Tu, Tp Buôn Ma Thuột 

Cách rừng K’Mrơng Prông A chừng 2 cây số, rừng thiêng K’Mrơng Prông B rộng gần một héc ta do trưởng buôn Y Wih’ Êban (61 tuổi) cai quản, luật phạt cũng nghiêm khắc không kém. Người nào vào rừng chặt một cây gỗ sẽ bị phạt một con heo trắng to kèm 4-5 ché rượu và phải xin lỗi cả buôn. Chặt bao nhiêu cây sẽ phải nộp phạt bấy nhiêu con, nếu tái phạm lần thứ hai, thứ ba mức phạt sẽ tăng theo cấp số nhân. Kẻ nào chai lì, vi phạm liên tiếp sẽ bị trai làng áp giải giao nộp cho chính quyền xử lý theo pháp luật. Nhờ đó, cả hai khu rừng chứa nhiều cây cổ thụ như đa, sao, bằng lăng, kơ nia... đến nay vẫn còn nguyên vẹn, tỏa bóng xanh mát.

Ông Y Wih’ Êban cho hay: Cách đây 20 năm, một người trong buôn trót cưa trộm một cây gỗ trong rừng, bị dân phát hiện báo cho trưởng buôn. Làng tịch thu gỗ, bắt người này mang một con lợn, rượu ra bến nước làm lễ cúng, xin các thần linh đừng tức giận mà làm tắt mạch nước. Trước sự chứng kiến của buôn, người này nhận lỗi, hứa không tái phạm. Câu chuyện được truyền kể từ năm này sang năm khác để răn dạy con cháu không được phạm luật cấm của làng.

Trao đổi với chúng tôi liệu rừng thiêng K’Mrơng Prông có nằm trong “tầm ngắm” của bọn lâm tặc ngoại làng không? Già làng Y Yơ’h trả lời: Miếng mồi ngon dễ gì chúng  từ bỏ. Nhưng mọi sự xâm chiếm của chúng từ trước tới nay đều thất bại dưới “mắt thần” của rừng”. Mỗi tuần làng cắt cử 3-4 thanh niên khỏe mạnh vào rừng tuần tra. Còn hễ thấy người lạ đột nhập vào rừng, dân cấp báo trưởng buôn hoặc già làng. Lập tức, làng triệu tập người vào kiểm tra, ngăn chặn ngay”.

Dù cuộc sống văn minh hiện đại, nhà nhà đều có giếng nước khoan nhưng đa phần người dân trong buôn vẫn ngày 2 buổi sáng-chiều vào bến gùi nước sinh hoạt. Đã qua 55 mùa rẫy, bà Nay H’ Nhen ở buôn Kmrơng Prông A  không bỏ bữa gùi nước nào: “Nước ở đây lấy mãi không hết, lại sạch mát nữa. Mình tranh thủ tắm, giặt rồi gùi nước về dùng luôn!”. Để người dân gắn bó với rừng, trưởng buôn cho các hộ trồng xen thêm các loại  tre, chuối, cau vào các khoảng trống trong rừng. Cây trồng vừa cho bóng mát, vừa tạo nguồn thức ăn, khiến họ càng yêu quý, bảo vệ rừng hơn.

Bà H’ Triệu Kdoh, Phó Chủ tịch xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Người dân hai buôn Kmrơng Prông yêu rừng, giữ rừng lắm. Dù cây có chết khô bà con vẫn quyết không cho hạ, để tự đổ mới lấy làm củi. Nhờ vậy, rừng mới yên lành”.

Nhà của già Ama Hrin được tôn tạo hợp với hiện đại nhưng không mất cổ xưa

Giữ rừng bằng Truyền thuyết tình yêu lay động lòng người

Trong khi đại ngàn trên khắp Tây Nguyên bị xâm hại không ngừng, gây đại hạn khiến người dân và hàng vạn cây trồng chịu cảnh khô khát chờ mưa, thì rừng đồi Cư H’Lăm vẫn xanh tốt, chúng tôi dừng chân tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), cách Buôn Ma Thuột chừng 15 cây số, tìm hiểu huyền thoại đồi Cư H’Lăm rộng 18,6 ha với những lời nguyền bí ẩn, giúp khu rừng được bảo tồn, trở thành “chiếc máy điều hòa” cho thị trấn ngột ngạt.

Gặp già làng Y Ruê Mlô (67 tuổi) nhiều năm giữ chức trưởng buôn ở buôn Ea Mắp, thị trấn Ea Pốk hỏi về sự tích rừng Cư H’Lăm, ông vui vẻ cho hay: Đã nhiều người đến hỏi nguồn cội việc này. Mình  nghe ông bà xưa kể rằng: Ngọn đồi này đã có từ lâu, thuở ấy nó chưa có tên gọi, cho đến khi có mối tình say đắm giữa nàng H’Lăm và chàng Y Đhin. Ngày ngày họ dắt nhau lên đồi hái hoa nguyện thề suốt đời bên nhau. Tuy nhiên mối tình của họ sớm tan vỡ khi phạm vào luật tục người cùng họ không được lấy nhau.

Bị gia đình, buôn làng cấm cản, chàng Y Đhin đau buồn bỏ đi biền biệt. Còn nàng H’Lăm bỏ làng lên đồi ngày đêm ngồi khóc sầu thảm. Khóc đến nỗi nước mắt nàng tuôn dòng chảy lở cả núi, đọng thành hồ rộng lớn. Rồi nàng cũng tan biến vào rừng xanh. Y Đhin sau ba mùa rẫy bỏ làng ra đi vẫn không quên được hình bóng người yêu. Chàng về định tìm đưa nàng đến một nơi thật xa nhưng đã muộn. Y Đhin lên đồi chỉ còn thấy một khe nước nhỏ chảy róc rách, như tiếng nỉ non than khóc của người tình. Chàng liền cởi trần nhảy xuống khe nước, trầm mình cho đến lúc cơ thể tan biến vào nước. Linh hồn của họ cùng nhập vào cây rừng, khiến cả đồi cây trở thành khu rừng thiêng. Mọi biến hóa thời tiết khác thường như có nắng có mưa, hoa thơm ngào ngạt, chim kêu vượn hót… người dân đều cho rằng đó là tâm trạng của nàng H’Lăm. Khu đồi có tên từ đó để tưởng nhớ một mối tình sắt son, chung thủy.

Lời nguyền góp phần bảo vệ khu rừng

Câu chuyện trên được lưu truyền qua nhiều thế hệ cùng với lời nguyền khó lý giải. Nếu ai vào rừng vô tình nhắc đúng tên Y Đhin và H’Lăm sẽ bị thần rừng giam giữ đi mãi không ra. Những ai có ý đồ đen tối, trục lợi rừng Cư H’Lăm đều phải đền tội. Chặt cây dựng nhà, lập tức nhà sập hoặc bị cháy trụi. Còn săn bắt thú rừng sẽ gặp tai nạn hay phát bệnh điên khùng vô phương cứu chữa, tại hồ nước ở khu rừng có rất nhiều khoai môn nước, nhưng người dân chỉ được phép lấy đem luộc rồi ăn tại chỗ chứ dứt khoát không được đem về, nếu không sẽ mắc tai họa cho bản thân. Người trong làng còn truyền tai rằng, cách đây gần 10 năm, một người trong làng vào rừng bắt được con rùa vàng. Về đến nhà người này đang bình thường bỗng hóa dại. Gia đình liền thả rùa về rừng nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.  

Mới đây Y Brô (26 tuổi) đi thả lưới bắt cá tại đầm Sình Đỉa gần đồi Cư H’Lăm nhưng không vớt được cá mà vớt trúng một sinh vật lạ giống con trăn nặng khoảng 13 ký liền đem về nhà sau đó cùng dân làng đêm thả lại hồ. Một vài người già nói đây là con nưa có 9 lỗ mũi. Theo quan niệm của người Ê Đê ở Tây Nguyên, nưa là loài vật linh thiêng được ví như Yàng. Chúng chỉ xuất hiện ở những khu vực tâm linh. Nếu ai mua bán, giết hại hoặc ăn thịt thì tai họa sẽ ập xuống gia đình đó. Ngày xưa, mỗi lần con nưa xuất hiện ở khu vực dân làng sinh sống, người dân phải làm lễ cúng tạ lỗi rồi mới thả về lại tự nhiên. Các băng nhóm lâm tặc bên ngoài đều không dám bén mảng tới, nhờ vậy rừng Cư H’Lăm còn vẹn nguyên đến giờ.

Bao quanh rừng là hồ nước rộng lớn 15 ha mang tên Sình Đỉa được coi là nơi chứa đựng dòng nước mắt của nàng H’Lăm, bốn mùa gợn sóng. Sở dĩ có tên Sình Đỉa là vì trước đây hồ nước này chỉ toàn là đỉa. Dân làng không ai dám đến gần. Nhưng đó chỉ là tương truyền thôi, giờ người dân hút nước tưới cà phê quanh năm. Nước ở đây, chưa bao giờ cạn, già Y Ruê Mlô khẳng định.

: Người dân sinh hoạt tại bến nước

Năm 2009, rừng Cư H’Lăm được UBND tỉnh Đắk Lắk làm lễ công nhận là “Di tích danh lam thắng cảnh” khiến dân chúng địa phương càng tự hào, quyết tâm bảo vệ rừng hơn nữa. Dẫu sao, câu chuyện tình đầy nước mắt gắn liền với rừng thiêng Cư H’Lăm chứa nhiều yếu tố ly kỳ hư ảo đã có tác dụng giúp khu rừng được bảo tồn. Nhiều loài gỗ quý như sao, hương, cà te… đã hơn trăm tuổi vẫn sừng sững tỏa bóng che chở cho nương rẫy, buôn làng. Với cách thức bảo vệ rừng như vậy hiện nay nếu biết vận dụng tốt các phong tục, tập quán, luật lệ quản lý và bảo vệ rừng trên cơ sở của Luật Bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước để xây dựng nên một quy chế bảo vệ và phát triển rừng ở từng cơ sở, thì việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng sẽ có hiệu quả hơn

Ông Cao Văn Tứ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), đơn vị được giao quyền quản lý rừng Cư H’Lăm cho biết: Người dân rất có ý thức bảo vệ rừng. Từ năm 2002 đến nay, công ty trồng thêm hơn 1.000 cây sao, giúp phủ xanh khu đồi, đồng thời lập tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi xâm phạm.

Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh