THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:44

Ở nơi kiểm "lâm bản" miệt mài bảo vệ rừng và môi trường

 

Miệt mài đi tuần

“Phải xem môi trường như hơi thở cuộc sống vậy. Môi trường mà ô nhiễm rồi thì sẽ có tác hại nhiều lắm. Chúng tôi hầu như ngày nào cũng đi tuần tra qua các lòng hồ, lòng suối trong khu vực quanh bản của mình để ngăn chặn kịp thời các hành vi gây ô nhiễm. Ở đâu không biết, chứ ở đây rừng và môi trường được bảo vệ rất nghiêm”-Anh Hồ Văn Thắng,Trưởng bản Ruộng kiêm Đội trưởng đội tuần tra bảo vệ rừng và môi trường của bản Ruộng tâm tình.

Như để minh chứng cho những lời nói của mình, anh Thắng dẫn chúng tôi đi thực địa cùng đội tuần tra. 4 người trong đội già trẻ khác nhau, người lớn nhất đã trên 50 tuổi, trẻ nhất là 26 tuổi. Người dân trong thôn hay ví von họ là “kiểm lâm”, là nhân viên “môi trường bản”. Không có lợi lộc nhiều, cũng chỉ là người nông dân quanh năm làm lụng nhưng họ nhận thấy được những lợi ích to lớn từ rừng, từ môi trường nên đã xung phong đi trông nom và bảo vệ. Không có những bộ quân phục, những khẩu súng trường oai vệ như những anh kiểm lâm, chỉ có những chiếc rựa nhưng họ luôn tràn đầy nhiệt huyết.

              Đội kiểm lâm bản Ruộng 


Anh Hồ Văn Qúy chỉ mới 26 tuổi, đã có 4 năm tham gia đội bảo vệ bộc bạch: “Sống cạnh rừng, mình thấy rừng mang lại được nhiều lợi ích cho dân bản, nên mình cũng xung vào đội để giữ rừng thôi. Cái chi có lợi là mình làm, cái xấu, cái dở mình học theo làm chi. Đi ri vui lắm, thấy mình sống có ý nghĩa, chứ không vô dụng”.

Cơn mưa rừng bất chợt ùa về, những tán rừng như chiếc dù rộng lớn che chở cho mọi người. Mưa vẫn cứ rơi và càng lúc càng nặng hạt. Nhưng những bước chân vẫn cứ bước đều trên con đường đã hằn lối các anh đi. Những con vắt, muỗi rừng... dường như đã ngửi được mùi con người, chúng thi nhau bấu víu vào da thịt của các anh để cắn, đốt. Có đi theo mấy anh mới cảm nhận được cái khổ, cái cực của việc đi rừng. Những dốc núi dựng thẳng đứng, dây leo chằng chịt, gai rừng tua tủa chỉ chực sẵn để cào người.

Mọi nỗi vất cả của họ như được xua tan đi bởi những cây cổ thụ được an toàn, những dòng suối bốn mùa mát trong. Anh Thắng tâm sự: "Chính quyền địa phương hết sức ủng hộ việc chúng tôi đi bảo vệ sông suối, rừng già. Không nặng về vật chất nhưng có những lời động viên cũng ấm lòng. Trước đây thỉnh thoảng có tốp vàng tặc định vào phá rừng, khoét suối chúng tôi liên tục mật phục và báo cho các lực lượng chức năng khác. Vậy là chúng phải rút ngay”.

 Suối, rừng yên ổn thì bản làng yên vui

Bản Ruộng với 105 hộ dân nằm nép mình bên khu rừng già nguyên sinh với nhiều dòng suối vắt qua. Tuy cuộc sống của những người dân ở đây còn khó khăn nhưng ở trong bản ai cũng có ý thức tham gia bảo vệ rừng. Những nội quy về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, những hình phạt khi có ai chặt phá rừng, làm ô nhiễm môi trường luôn được anh trưởng bản Hồ Văn Thắng lồng ghép vào trong mỗi cuộc họp hay sinh hoạt của bản. Những giá trị, những lợi ích to lớn của rừng, từ môi trường đã ăn sâu vào trong tâm thức của bà con dân bản. Thế nên ở bản Ruộng từ bao đời nay không có ai bị phạt do việc chặt phá rừng, làm ô nhiễm môi trường sống.

Năm 2006, bản Ruộng được giao 101ha rừng tự nhiên cho cộng đồng cư dân bảo vệ và hưởng lợi. Ngay từ khi nhận rừng, toàn bản với 105 hộ dân đều tự nguyện tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Bản cũng đã xây dựng bộ quy ước bảo vệ rừng, thành lập 4 đội tuần tra, mỗi đội 4 thành viên thay phiên nhau đi tuần. Đồng thời thường xuyên phổ biến, vận động người dân cùng chung sức bảo vệ, trong đó bộ quy ước luôn chú ý đến vai trò to lớn của già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng.

Trong nội quy bảo vệ rừng của bản Ruộng có đoạn nêu: Nếu ai chặt một cây trong rừng thì sẽ bị phạt. Cây to thì con trâu to, cây nhỏ thì con trâu nhỏ. Nếu có ai muốn xin một vài cây để dựng nhà thì phải làm đơn thông qua thôn bản và chính quyền xã. Còn ngoài ra không ai được phép chặt cây, cho dù đó là một nhánh củi nhỏ. Ai cũng phải ra sức bảo vệ rừng. Với môi trường, ai làm phóng uế bừa bãi bị phạt một ngày công, ai làm hủy hoại sông suối phạt một con trâu.

Anh thắng cho biết thêm: “Từ khi giao rừng cho bà con dân bản thì rừng được quản lí tốt hơn. Những sự việc khai thác trái phép, xâm lấn không còn nữa. Chúng tôi luôn lồng ghép và tuyên truyền về lợi ích của rừng trong các cuộc họp của thôn bản nên bà con ai cũng có ý thức”.

ĐẠO-THÀNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh