Bảo vệ con em trước hiểm họa ma túy: Cần sự vào cuộc của cả xã hội
- Pháp luật
- 23:57 - 15/06/2020
Theo Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, từ năm 2013 đến nay, các chất ma túy mới và tiền chất xuất hiện rất nhanh không những ở trong nước mà cả trên thế giới. Nếu năm 2013, trong danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quản lý có 235 chất ma túy và 41 tiền chất, thì đến nay đã có 540 chất ma túy và 57 tiền chất.
Theo nghiên cứu, trong số những người nghiện ma túy, nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm hơn 70%, cá biệt có nơi lên đến hơn 90%. Ngày càng nhiều trường hợp bị rối loạn tâm thần nặng do dùng ma túy tổng hợp với các biểu hiện như: lo âu, hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm. Nhiều trường hợp bị ảo giác gây ra các hành vi phạm tội như giết người hoặc tự sát, gây khó khăn cho công tác quản lý và điều trị. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu điều trị cho người nghiện bằng việc can thiệp sức khỏe tâm thần sẽ làm giảm tần suất sử dụng chất gây nghiện, tiến tới từ bỏ việc sử dụng ma túy.
Theo bác sĩ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), tỷ lệ người sử dụng ma túy có vấn đề về sức khỏe tâm thần rất cao, giao động từ 20-40%. Trong độ tuổi thanh thiếu niên, não bộ vẫn tiếp tục phát triển, đến 24-25 tuổi mới hoàn thiện, nếu trong quá trình đó, thanh thiếu niên sử dụng các chất kích thích gây tác động lên thần kinh trung ương như ma tuý, rượu... sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ dẫn đến nguy cơ bị mắc các căn bệnh về sức khỏe tâm thần nhiều hơn, nguy cơ nghiện cao hơn.
Việc sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng amphetamine (ATS) nói riêng đang khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, trong số người sử dụng ma túy tổng hợp, phần lớn là sử dụng và lạm dụng các chất kích thích dạng ATS. Trong khi đó, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS, mà cần một giải pháp tổng thể, bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội và các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng.
Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD cho biết, trước tình trạng mua bán ma túy diễn ra dễ dàng, việc làm cần và cấp thiết hiện nay chính là truyền thông sâu hơn, rộng hơn và làm sao hiệu quả hơn về công tác PCMT. Những hình thức tuyên truyền cần hấp dẫn, phù hợp tâm lý lứa tuổi nhằm đạt hiệu quả nhất.
Cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò của gia đình và nhà trường trong quản lý, giáo dục con em ý thức bảo vệ bản thân trước cám dỗ và những kiểu bẫy tinh vi của tội phạm ma túy. Chẳng hạn như muốn tăng sự hiểu biết về ma túy để từ đó có kỹ năng hỗ trợ con em mình, Viện PSD đã và đang tổ chức chương trình Tập huấn, chia sẻ kiên thức và kỹ năng PCMT trong trường học. Đây là chương trình kết hợp với Sở giáo dục HN trong 5 năm qua với hàng trăm nghìn học sinh khối THCS, THPT, hàng chục nghìn giáo viên và phụ huynh. Chúng tôi tập trung và cố gắng chia sẻ kỹ năng làm thế nào để không vướng vào ma túy cho tất cả đối tượng, thành phần…
Ông Lê Trung Tuấn cũng chia sẻ thêm: "Viện PSD đang phối hợp Bộ Giáo dục xây dựng bộ tài liệu chính thống về PCMT cho học sinh, sinh viên trên cả nước. Với tài liệu này chúng tôi hi vọng giảm bớt nhiều phần gánh nặng trong mối lo ma túy học đường cũng như nhiệm vụ PCMT của cả quốc gia nói chung.
Trách nhiệm hơn, chủ động hơn và minh bạch hơn trong vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát công tác PCMT, từ cấp cơ sở. Nhất là những năm gần đây cùng với phát triển kinh tế, các dịch vụ giải trí ngày thêm đa dạng, theo nhu cầu ngày một tăng. Thực tế đó làm xuất hiện nhiều hơn những tụ điểm nhạy cảm, dễ tạo điều kiện cho sử dụng, tàng trữ, buôn bán ma túy. Từ đây gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho xã hội."