CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:28

Báo và tạp chí của Ngành cần chủ động tạo dấu ấn trong xã hội

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí, truyền thông của Ngành

Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Đào Hồng Lan, đại diện lãnh đạo: Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Pháp chế, Đảng uỷ và Công đoàn Bộ. Về phía các cơ quan báo chí truyền thông của Bộ có lãnh đạo Báo LĐ&XH, Tạp chí LĐ&XH, Tạp chí Gia đìnhTrẻ em, Cổng Thông tin điện tử Bộ và Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em).

Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Bộ đã báo cáo tóm tắt chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, tình hình hoạt động của từng đơn vị trong 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016 và kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.


Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc

 

Báo cáo với Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động của Báo Lao động và Xã hội, ông Nguyễn Thành Phong,Tổng biên tập của Báo tập trung thông tin những nét chính về xu thế phát triển mạng xã hội và vai trò của báo điện tử là rất lớn trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Khái quát về quá trình phát triển của Báo điện tử Dân Sinh, ông Phong cho biết, tháng 8/2014, Báo Lao động và Xã hội được Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp Giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp và ngày 1/1/2015, trang thông tin điện tử Dân Sinh bắt đầu đi vào hoạt động, đến nay đã ổn định. Với mong muốn phát triển tốt công tác truyền thông của Ngành LĐ-TB&XH thông qua báo điện tử, Báo Lao động và Xã hội tiếp tục trình hồ sơ xin cấp phép hoạt động báo điện tử. Đến tháng 8/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử cho Báo Lao động và Xã hội với tên gọi báo Dân Sinh tại địa chỉ www.thuviensuckhoe.org. Báo điện tử Dân Sinh đã tiếp nối chức năng của trang thông tin điện tử tổng hợp Dân Sinh kể từ ngày 1/9/2016.

Tổng biên tập NguyễnThành Phong cũng cho biết thêm, hiện nay lượng truy cập Báo điện tử Dân Sinh tăng lên khá nhanh từng ngày, vươn lên vị trí cao trong số các trang thông tin điện tử trong Bộ và vượt xa thứ hạng của nhiều tờ báo khác ra đời trước, trong đó có bạn đọc từ các quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan, Úc… Để có được thành công đó là nỗ lực phấn đấu của tập thể từ  lãnh đạo đến từng CBCNVC trong đơn vị, là kết quả của sự đoàn kết, ổn định và phát triển. 

Việc vận hành báo điện tử đã thành nề nếp với các quy trình, quy định chặt chẽ về phân cấp, thẩm quyền và quy trình quản lý, xử lý thông tin. Báo đã xây dựng và ban hành bộ Quy chế gồm Quy chế dân chủ, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế tuyển dụng tạm thời, quy chế khen thưởng - kỷ luật để duy trì nề nếp, nội quy, quy định trong cơ quan cũng như đảm bảo dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình áp dụng có sự giám sát cũng như điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình mới. Tổng biên tập Nguyễn Thành Phong cũng cho biết thêm, bên cạnh việc tập trung phát triển báo điện tử Dân Sinh, Báo Lao động và Xã hội tiếp tục phát triển ổn định tờ báo giấy và các ấn phẩm thuộc báo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi làm việc các cơ quan báo chí, truyền thông cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong triển khai thực hiện như: Lực lượng nhân sự còn hạn chế; năng lực, kiến thức chuyên sâu của phóng viên chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; chưa chủ động, kịp thời nắm bắt các chủ trương, định hướng về hoạt động chính trị cũng như chính sách của Ngành; công tác phối hợp với các đơn vị chuyên môn còn bất cập. 

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các cơ quan báo chí, truyền thông thời gian qua, đồng thời cho rằng đây là công việc mang tính xuyên suốt của Bộ, Ngành trong việc truyền tải thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ, cũng như việc trao đổi thông tin giữa Bộ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, trong bối cảnh “bội thực” thông tin hiện nay, chúng ta cần xác định mục tiêu, định hướng hoạt động báo chí của Ngành nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin theo đúng tôn chỉ, mục đích, phù hợp với xu hướng, lộ trình phát triển của báo chí hiện đại.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ với các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ

Chia sẻ và đồng cảm với các cơ quan báo chí, truyền thông của Ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng toàn cầu hóa thông tin đang tạo ra các cơ hội và thách thức đối với hoạt động báo chí, trong đó có báo chí của Ngành. Bộ trưởng cũng nhìn nhận những cố gắng của các cơ quan báo chí, truyền thông của Ngành trong thời điểm này đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt, tiến bộ rõ rệt về công nghệ làm báo; chất lượng văn hóa, chính trị, nghiệp vụ, kỹ thuật từng bước được hoàn thiện; đội ngũ phóng viên tăng nhanh về số lượng, có bước phát triển về chất lượng, có đặc thù riêng. "Về cơ bản giữ vững được tôn chỉ, mục đích, bám sát nhiệm vụ chính trị, phản ánh nhanh, kịp thời chỉ đạo của Bộ cũng như những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong chức năng quản lý của Bộ. Đồng thời thực hiện được chức năng là diễn đàn, tiếng nói của người lao động về các lĩnh vực chuyên ngành" - Bộ trưởng đánh giá.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại của các cơ quan báo chí, truyền thông của Ngành vẫn còn một số điểm: Chưa thực sự làm tốt vai trò định hướng dư luận, xã hội về một số lĩnh vực của Ngành; đôi khi để lọt thông tin một cách không chính thức, không trung thực, thiếu chính xác; chưa chú trọng đến việc phát hiện, tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến nhằm cổ vũ, phát triển rộng. Nhìn chung, hoạt động báo chí của Ngành còn nhiều khó khăn, mức độ ảnh hưởng trong xã hội còn khiêm tốn.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng Đào Hồng Lan chụp ảnh lưu niệm cùng các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Bộ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trò chuyện thân mật cùng lãnh đạo, cán bộ báo Lao động và Xã hội

 

Để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng chỉ đạo: Khối các cơ quan báo chí, truyền thông cần quán triệt sâu sắc và đầy đủ hơn về tư tưởng báo chí cách mạng, báo chí là phương tiện, công cụ đắc lực của Ngành nhằm góp phần phản ánh, định hướng tâm trạng, tư tưởng xã hội, hình thành dư luận xã hội lành mạnh; Phổ biến các chủ trương, chính sách đến với người lao động và nhân dân, tạo ra diễn đàn trao đổi, cung cấp thông tin, giới thiệu điển hình thông qua đó cổ vũ, khuyến khích tạo sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong xã hội; Các hoạt động xã hội, các hoạt động sau mặt báo cần chủ động lựa chọn, tạo ra ấn tượng, dấu ấn trong xã hội. "Thông tin báo chí phải bám sát tôn chỉ, mục đích, phản ánh đúng, đảm báo tính thời sự, lành mạnh, đúng nguyên tắc, bám sát thực tiễn và có sức thuyết phục; Phấn đấu là cầu nối giữa người lao động với cơ quan quản lý của Ngành và ngược lại, là các đơn vị thay mặt Bộ, cùng với Bộ tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Ngành; Là diễn đàn rộng rãi để người lao động tham gia phản biện xã hội, nâng cao chất lượng dân trí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của những người công tác trong Ngành; Tiếp tục xây dựng đội ngũ người làm báo và các cơ quan thông tin với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên môn nghiệp vụ cao, đồng thời tạo ra các sân chơi để phát huy tài năng, sức sáng tạo của phóng viên nhằm phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng để có những cây bút chủ lực, sắc sảo; Xây dựng từng cơ quan báo chí là những tập thể đoàn kết, gắn bó và vững mạnh" - Bộ trưởng lưu ý .

VĂN BÌNH- MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh