THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:06

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật điêu khắc Phật giáo quốc gia

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật điêu khắc Phật giáo quốc gia - Ảnh 1.

Trước khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, người Việt đã có những tín ngưỡng bản địa như đạo Mẫu, tín ngưỡng Tứ Pháp… trong quá trình phát triển, Phật giáo và tín ngưỡng bản địa đã có sự hoà nhập, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của đời sống văn hóa tâm linh người Việt.

Những giáo lý từ bi, cứu khổ cứu nạn, dạy người thiện lương, tin vào những điều tốt đẹp, giáo dục nhân quả của Phật giáo đã đi vào tâm thức của từng người dân, hoà quyện vào cuộc sống thường ngày một cách nhẹ nhàng mà có sức sống bền bỉ.

Cũng chính những khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, đã giúp các nghệ nhân thành công trong việc truyền tải các ước vọng đó thông qua những "vị' Phật có dáng vẻ giản dị, khuôn mặt hiền từ, bao dung nhưng cũng đầy uy lực của Phật pháp.

Đến nay, đã có rất nhiều các hiện vật liên quan đến điêu khắc Phật giáo được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam. Giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đóng góp của điêu khắc Phật giáo vào nền nghệ thuật nước nhà.

Những hiện vật tiêu biểu: 

Tượng A di đà

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật điêu khắc Phật giáo quốc gia - Ảnh 2.

Tượng A di đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là những pho tượng thời Lý. Đây là giai đoạn cực thịnh của Phật giáo với nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc đặc sắc của dân tộc. Tuy nhiên, trải qua bao cuộc bể dâu, số lượng hiện vật tượng thờ thời Lý còn lại rất hiếm hoi và cũng không có pho tượng nào còn nguyên vẹn.

Điển hình là pho tượng A di đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh) có niên đại 1057, là một công trình điêu khắc cổ, có vị thế vô cùng quan trọng đối với nền mỹ thuật Việt Nam.

Tượng được tạc bằng đá xanh nguyên khối, có kích thước tương đối lớn, cao 1,85m, cả bệ là 2,7m. Thân tượng biểu đạt một vị Phật đang ngồi tọa thiền, mắt khép hờ trong thiền định, khí sắc thanh tịnh tươi nhuận. Đầu tượng kết tóc xoắn ốc, vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ, tuổi thọ vô lượng. Hai bên má đầy đặn trông phúc hậu, nhân ái. Sống mũi thẳng, nảy nở, thể hiện sự bao dung rộng lượng…

Đây được xem là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo thời Lý và tạo ảnh hưởng đến các nghệ nhân chế tác tượng Phật các thời kỳ sau này. Tượng được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012.

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thầy

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật điêu khắc Phật giáo quốc gia - Ảnh 3.

Bộ tượng Di đà Tam Tôn tại chùa Thầy

Bộ tượng Di đà Tam Tôn tại chùa Thầy được cho là bộ tượng Phật Di Đà Tam Tôn bằng gỗ cổ nhất ở Việt Nam. Chùa Thầy, được Thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng từ thời nhà Lý đến nay đã có niên đại hơn 1000 năm. Bộ tượng được công nhận như một tác phẩm đỉnh cao cho nghệ thuật điêu khắc thời Lý với hình thức trang trí đặc biệt, không tìm thấy trong trang trí tượng Phật giáo ở chùa Việt các thế kỷ trước và sau này. Tượng được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013.

Ngoài Bộ tượng Di Đà Tam Tôn, chùa Thầy còn là nơi lưu giữ số lớn lượng tượng Phật được đắp bằng đất sét phủ sơn ta vô cùng độc đáo.

Bộ tượng Tam Thế Phật bằng đá tại chùa Linh Ứng (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật điêu khắc Phật giáo quốc gia - Ảnh 4.

Sự tồn tại nguyên vẹn của 3 pho tượng Tam Thế Phật chùa Linh Ứng là rất hiếm.

Bộ tượng Tam Thế chùa Linh Ứng ra đời khoảng đầu thời Trần, tầm thế kỷ thứ 13. Chùa đã bị phá hủy nhiều lần, nhưng 3 pho tượng Tam Thế tạc bằng đá này vẫn còn. Đây là những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ và hiếm hoi còn sót lại của nghệ thuật nhà Trần bởi tượng đá giai đoạn này gần như đã không còn.

Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật điêu khắc Phật giáo quốc gia - Ảnh 5.

Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay.

Được coi là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam, pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay của chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) được làm năm 1656 lại mang đến một ý nghĩa khác về triết lý và tư tưởng nhân sinh.

Tượng cao 3,7m, vành hào quang rộng 2,1m và bệ tượng dày 1,15m và được tạc trong dáng nữ giới với khuôn mặt đôn hậu, điềm tĩnh siêu thoát, chứa đựng nhiều ẩn ngữ, triết lý sâu xa. Từ khuôn mặt nhìn chính diện ở hai bên có hai khuôn mặt nữa (thể hiện tam thế), trên mũ có ba tầng đầu với 8 khuôn mặt khác nhau (ba tầng trời) và trên đỉnh có một pho tượng A di đà (niết bàn). Ngoài hai đôi tay chính chắp trước ngực theo kiểu "liên hoa hợp chưởng" và được đặt trên đùi theo kiểu "thiền định", còn có 40 cánh tay lớn nằm ở hai bên.

Đằng sau lưng Phật bà có 958 cánh tay nhỏ, được sắp xếp theo những vòng tròn đồng tâm và đặt so le nhau ở từng lớp, tạo thành những vòng hào quang độ lượng của Phật. Trong lòng mỗi bàn tay của tượng đều chạm một con mắt mang ý nghĩa vừa nhìn thấu cõi nhân gian vừa giang tay cứu vớt mọi nỗi thống khổ trên thế gian.

Do những giá trị nghệ thuật đặc sắc sắc, tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013. Ngoài ra, 3 pho tượng Tam thế thể hiện Đức Phật trong 3 cõi quá khứ, hiện tại, vị lai cùng tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án (cũng của chùa Bút Tháp) đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm cùng năm đó.

Tượng 18 vị La Hán

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật điêu khắc Phật giáo quốc gia - Ảnh 6.

Trích đoạn 18 vị La Hán chùa Tây Phương.

Khác với lối tạo hình tượng Phật giáo truyền thống, 18 vị La Hán tại chùa Tây Phương của các nghệ nhân làng mộc truyền thống Chàng Sơn (Sơn Tây) vào thế kỷ 18 đã kế thừa những tinh hoa từ các nghệ nhận đi trước trong lối tạo hình giàu cảm xúc mang đậm bản sắc Việt.

Thông thường, tượng Phật thường được tạo hình trong trạng thái tĩnh với dáng vẻ nghiêm cẩn. Trong khi đó, các tượng La Hán chùa Tây Phương được hoá thân vào đời sống dân dã nên có những biểu cảm rất sinh động. Người thì ngước mặt lên trời chỉ vào mây khói; người thì tỳ cằm trên đầu gối, nhếch môi cười nửa tinh nghịch nửa mỉa mai; người thì đăm chiêu, người thì tươi tắn; người cầm quạt, người ngoáy tai, có người như đang phân bua hay thì thầm trò chuyện cùng ai đó... đây được coi là một bộ tượng hoàn thiện nhất của điêu khắc gỗ Việt Nam trong thế kỉ XVIII. Tượng được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2015

Ngoài những hiện vật kể trên, không thể không kể đến hệ thống tượng Phật được đắp bằng đất sét trộn giấy dó phủ sơn ta tại chùa Thầy (Hà Nội), chùa Mía (Sơn Tây), chùa Đào Xuyên (Hà Nội), chùa Mễ Sở (Hưng Yên). Cùng với đó là các tác phẩm tượng Phật ở khu vực phía Nam như Đồng Dương, Bình Hoà, Sa Đéc, Trà Vinh… cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia trong những năm gần đây.

Phát huy những giá trị của bảo vật

Có thể nói, trong suốt dòng chảy của mình, Phật giáo đã để lại cho chúng ta nhiều di sản quý báu về tư tưởng cũng như các di tích, hiện vật có giá trị trong đó có điêu khắc tượng thờ trong hệ thống chùa Việt. Việc công nhận những tác phẩm điêu khắc Phật giáo là Bảo vật quốc gia cho thấy sự quan tâm và coi trọng của Đảng, Nhà nước về các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của Phật giáo trong cuộc sống. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đặc biệt của những di sản này trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của địa phương và vùng phụ cận, trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn.

Thông qua những bảo vật này, cũng giúp chúng ta nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc cùng với sự tài hoa của những nghệ nhân dân gian và quan niệm triết lý nhân sinh gắn liền với Phật giáo. Đó cũng là cách để các Bảo vật quốc gia được ứng xử và tôn vinh với đúng vị thế trong quá khứ, hiện tại và tương lai



Xuân Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh