THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:40

Phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Chợ tình Khâu Vai”

Chợ nằm ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, cách TP Hà Giang gần 200 km. Chợ tình Khâu Vai từ khi hình thành đến nay hơn 100 năm, là phiên chợ tình nổi tiếng, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày. Cứ vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, phụ nữ ở đây diện bộ trang phục đẹp nhất, đàn ông chọn bộ đồ tươm tất nhất để cùng đến điểm hẹn chợ tình Khâu Vai…

Chợ tình  Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm.

Chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm.

Nguồn gốc của chợ tình Khâu Vai

Nguồn gốc của chợ tình Khâu Vai bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ.

Chợ tình Khâu Vai là dịp để những cặp đôi từng yêu nhau nhưng không thành duyên vợ chồng có dịp gặp lại để tâm tình

Chợ tình Khâu Vai là dịp để những cặp đôi từng yêu nhau nhưng không thành duyên vợ chồng có dịp gặp lại để tâm tình

Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khâu Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ. Thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng.

Trước khi chia tay họ hẹn 27/3 âm lịch hàng năm sẽ lại đến Khâu Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách. Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày. Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3 âm lịch. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.

Chợ tình là cơ hội cho các đôi trai gái giãi bày tình cảm

Chợ tình là cơ hội cho các đôi trai gái giãi bày tình cảm

Trước đây người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu. Tuy mỗi người đã có một mái ấm gia đình, có người đã thành ông thành bà, xa nhau 3 năm, 5 năm, 10 năm hoặc vài chục năm, nhớ nhau đến chợ gặp nhau tâm sự, kể cho nhau nghe về những vui buồn của mình, gia đình, sự trưởng thành của con cháu và hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca quen thuộc (gửi gắm tình thương, nỗi nhớ và giận hờn vào câu hát). Có thể hai vợ chồng cùng đến chợ, khi đến chợ, chồng đi gặp người yêu cũ của chồng, vợ đi tìm người tình cũ của vợ, không có sự ghen tuông. Những người ở bản xa  đến chợ từ chiều hôm trước, họ tìm đến ngủ trọ ở nhà người quen ở gần chợ, đôi bạn tìm thấy nhau có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27/3, họ mời nhau uống rượu, ăn cơm nắm, cơm lam, các loại bánh (tất cả đồ ăn, đồ uống được mang từ nhà đến chợ) tình cảm của họ hoàn toàn trong sáng. Nếu một trong hai người  có sự sàm sỡ thì người kia coi là bị xúc phạm, bị bạn tình coi thường, tình cảm sẽ bị rạn nứt và không bao giờ gặp lại nhau nữa. Chiều ngày 27/3 chợ tan, đôi bạn tình bịn rịn chia tay hẹn gặp lại vào phiên chợ năm sau.

Từ năm 1991 trở lại đây đến chợ có nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai.

Đậm bản sắc văn hóa dân tộc trên cao nguyên đá

Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm thu hút du khách nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày, phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3. Người dân nơi đây tin rằng, chợ tình Khâu Vai hằng năm đã trở thành một "bảo tàng sống" sinh động, tái hiện lại các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trên cao nguyên đá. Ðó cũng chính là một trong những giải pháp để gìn giữ, lan tỏa văn hóa tới cộng đồng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa.

Chợ tình Khâu Vai thể hiện tính nhân văn, độc đáo

Chợ tình Khâu Vai thể hiện tính nhân văn, độc đáo

Đến với Lễ hội chợ tình Khâu Vai ở vùng cao núi đá huyện Mèo Vạc, du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giấy... Đây là nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của đôi lứa yêu nhau, của cả những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau. Có thể nói chợ tình Khâu Vai thể hiện tính nhân văn, độc đáo, là một hiện tượng văn hoá đặc sắc hiếm có ở Việt Nam và có lẽ cả trên thế giới.

"Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh