THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:16

Bảo tồn tranh gương cung đình Huế

Tranh gương được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế

Tranh gương được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế

Theo thống kê, tranh gương thời triều Nguyễn để lại còn tồn tại với số lượng khoảng 100 bức, đang được Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế lưu giữ, bảo quản. Những bức tranh quý này đang được trưng bày tại các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế như: Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế (điện Long An và kho hiện vật); cung Diên Thọ; lăng Minh Mạng (điện Sùng Ân); lăng Thiệu Trị (điện Biểu Đức); lăng Tự Đức (điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm); lăng Dục Đức (điện Long Ân); lăng Đồng Khánh (điện Ngưng Hy) và điện Huệ Nam (điện Hòn Chén).

Theo các nhà nghiên cứu, tranh gương cung đình Huế là loại hình tranh mang bản sắc riêng bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo. Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng rất cầu kỳ, tinh tế. Loại tranh này dùng chất liệu bột màu pha keo hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương, tức vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt gương (vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản).

“Kỹ thuật vẽ ngược chiều như tranh gương đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức khéo léo và có trí tưởng tượng phong phú. Do kỹ thuật phức tạp, tư duy về mặt hình tượng rất riêng, người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải) nên đòi hỏi sự phối hợp giữa tư duy, kỹ thuật, chất liệu. Trong từng đường nét cũng phải tính toán nét trên hay nét dưới, độ đậm như thế nào, từng mảng màu chồng, phối hợp thế nào để tạo ra hiệu quả của thị giác. Bố cục, không gian, tả về chiều sâu cũng vậy. Tất cả tạo nên nét riêng, độc đáo và tinh tế của tranh gương, điều này làm nên những đặc trưng riêng của tranh gương cung đình mà không có loại hình mỹ thuật nào của Huế có được”, PGS, TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế nhận định.

Về nguồn gốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (TP Huế) cho rằng, tranh gương cung đình do triều Nguyễn đặt hàng (ký kiểu) từ Trung Quốc, được vẽ theo mẫu do Bộ Công vẽ dưới hình thức mộc bản.

Nội dung tranh gương cung đình Huế thường được chia làm 3 loại chính. Trong đó, loại tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế là loại tranh vịnh các cảnh đẹp của đất Thần kinh, chủ yếu là 20 cảnh đã được vua Thiệu Trị xếp hạng với 40 bức khá nguyên vẹn. Tiếp đó là loại tranh không đề thơ nhưng có đề rõ chủ đề tranh và cuối cùng là loại tranh vẽ tĩnh vật xoay quanh 2 chủ đề bát bửu cổ đồ và các loại hoa quả. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Huế, dù mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với triều Nguyễn nhưng đến nay, dòng tranh gương lại ít được chú ý nghiên cứu nếu không nói là gần như bị lãng quên.

Hiện nay, tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế còn lưu 19 bức tranh gương, trong đó có 6 bức treo tại điện Long An đều là tranh đề thơ ngự chế, gồm các bức: “Đình Trừ Xúc Cúc” (Dạo vườn cúc bên thềm); “Sào Chi Miệt Tước” (Chim sẻ làm tổ trên cành); “Vĩnh Thiệu Phương Văn” (Truyền mãi hương thơm); “Sơn Tủng Tùng Đình” (Đình tùng ở núi cao); “Khúc Chiểu Hà Huyên” (Khúc hát của Sen); “Yến Lược Không Lương” (Én vờn cành trống). Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng còn lưu trữ 13 bức tranh khác nhưng có đến 9 bức chỉ còn khung tranh, 4 bức tranh còn lại đều bị hư hỏng nghiêm trọng.

Còn tại cung Diên Thọ, có 8 bức tranh gương đều treo tại điện chính. Những bức tranh này vốn đưa ra từ kho của Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế sau khi được tu bổ, gồm các bức: “Thiên Mụ Chung Thanh”; “Thanh Trì Hương Luyện”;  “Thường Mậu Quan Canh”; “Hàn Chung”… Ngoài ra, tại lăng vua Tự Đức có 24 bức treo tại 2 điện Hòa Khiêm và Lương Khiêm. Lăng Thiệu Trị có 23 bức, trong đó có 17 bức vẽ tĩnh vật, chủ đề bát bửu cổ đồ với cỡ tranh 74cm x 94cm.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, tranh gương là loại hình tranh độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế thời triều đình nhà Nguyễn. Theo ông Hải, với người thưởng lãm hay du khách, những bức tranh này có thể chỉ đơn thuần là cảnh đẹp của thiên nhiên, của non nước hữu tình. Nhưng với các nhà nghiên cứu, bên cạnh giá trị nghệ thuật, mỗi bức tranh gương chính là cứ liệu lịch sử quan trọng để phục dựng, trùng tu các di tích có liên quan. 

Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang quản lý số lượng tranh gương nhiều nhất. Trong thời gian qua, đơn vị đã có nhiều nỗ lực bước đầu nhằm phục chế một số bức tranh gương bị hư hỏng, xuống cấp để đem ra tái trưng bày. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bức tranh gương quý đã bị hư hỏng trầm trọng nhưng vẫn chưa được tu sửa. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là phải có sự đầu tư nghiên cứu nhằm phục hồi kỹ thuật phục chế, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị loại tranh độc đáo này. 

CT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh