Bảo tồn Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng
- Văn hóa - Giải trí
- 12:58 - 27/02/2016
Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, gắn mục tiêu bảo tồn với khai thác, phát huy giá trị di tích; hoạch định các tuyến du lịch gắn kết với các điểm di tích, đưa các không gian bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể vào quy hoạch chung để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm giáo dục truyền thống yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, giới thiệu với quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Quảng Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Tranh sơn dầu chiến thắng quân Nguyên- Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288
Trước đó, việc đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án theo đúng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 18/2/2013.
Cụ thể, sẽ xây dựng hệ thống đường giao thông vào các cụm di tích: bãi cọc đồng Má Ngựa, Bãi cọc đồng Vạn Muối, đền Trung Cốc, đình Trung Bản; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình cảnh quan phụ trợ di tích: hệ thống giao thông nội bộ khu di tích, cây xanh, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường, cấp điện khu vực di tích...Địa điểm đầu tư dự án thuộc địa bàn các phường, xã: Yên Giang, Liên Hòa, Nam Hòa, Quảng Yên của thị xã Quảng Yên. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.
Di tích bãi cọc gỗ xưa trên địa bàn thị xã Quảng Yên
Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Năm 938, Ngô Quyền đóng cọc gỗ ở sông, đem quan khiêu chiến nhử quân giặc vào trận địa bố trí rồi tung quân đánh tan chiến thuyền giặc Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước Đại Việt. Năm 981, Lê Hoàn theo cách đánh của Ngô Quyền, sai quân sĩ trống cọc gỗ ở sông để cản quân xâm lược nhà Tống, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.
Hệ thống cọc gỗ dùng ngăn cản chiến thuyền quân Nguyên- Mông trên sông Bạch Đằng xưa
Đặc biệt, Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định sức mạnh không thể nào lay chuyển được của quân dân Đại Việt, đập tan âm mưu cướp nước ta của đế quốc Nguyên - Mông.