THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:31

Hà Tĩnh: Khởi công xây dựng quần thể di tích Mai Hắc Đế

 

Lễ động thổ xây Đền thờ Mai Hắc Đế

Dự lễ khởi công có ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Đình Sơn,Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; đại diện Tập đoàn VinGroup – đơn vị đầu tư; đại diện lãnh đạo các tỉnh bạn; đại diện dòng họ Mai Lộc Hà và khắp đất nước, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân và con em quê hương Lộc Hà.

Dự án đầu tư đầu tư xây dựng Công trình Tu bổ tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Mai Hắc Đế, xây dựng tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế huyện Lộc Hà được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số: 404/ QĐ-UBND Ngày 5/2/2016, bao gồm có các hạng mục: Phần Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Mai Hắc Đế tại xã Mai Phụ, với tổng diện tích khu đất: 7.267 m2, trong đó diện tích xây dựng: 960 m2. Gồm các hạng mục: Nghi môn, tả vu, hữu vu, tiền tế, đền chính, nhà thủ từ, nhà truyền thống và nhà ban quản lý, cổng phụ, tường bao, lầu hóa vàng, khu dịch vụ, hệ thống sân vườn cảnh quan. Đền thờ Mai Hắc Đế đã được UBND tỉnh công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2011.


Lễ khởi công xây Đền thờ Mai Hắc Đế

Phần xây dựng tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế nằm tại xã Thạch Bằng và xã Thịnh Lộc, với tổng diện tích: 4,58 ha, trong đó diện tích xây dựng: 200 m2. Tượng đài được đúc bằng đồng liền khối cao 10,8m, phần đế được đúc bằng bê tông cốt thép ốp đá xanh tự nhiên. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 105.6 tỷ đồng do Tập đoàn VinGroup đầu tư. Trong đó: Phần Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ hơn 52.5 tỷ; Phần xây dựng tượng đài và quảng trường hơn 43.7 tỷ; Chi phí giải phóng mặt bằng:  9.3 tỷ đồng.

Cũng tại lễ khởi công, chính quyền địa phương đã tổ chức đón nhận Bằng công nhận Cây di sản lịch sử văn hóa Việt Nam đối với hai cây đa cổ thụ tại Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Mai Hắc Đế xã Mai Phụ. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống, góp phần khai thác tiền năng, phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch biển trên địa bàn huyện Lộc Hà nói riêng và trên địa bàn tỉnh nhà nói chung.

 

Lễ động thổ xây Quảng Trường và Tượng đài Mai Hắc Đế

 

Theo một số tài liệu: Mai Hắc Đế  vị “Vua đen” hay còn gọi là Mai Thúc Loan- người có công đánh đuổi giặc Đường năm 722 , chấm dứt nạn triều cống phương Bắc là người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông sinh ra tại gò Mơ thuộc làng Kẽ Mõm nay là làng Mai Lâm xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà ( Hà Tĩnh). Theo truyền thuyết thì mẹ ông là bà Vương Thị, một người phụ nữ xinh đẹp làm nghề mò cua bắt ốc ở Cửa Sót, bà  mang thai Mai Thúc Loan với ông Mai Sinh, một người có vị thế trong làng nhưng người này không nhận. Mặc dầu vậy bà vẫn quyết “vượt cạn” sinh ra Mai Thúc Loan bên mép sông Cửa Sót, rồi nhờ sông nước Cửa Sót mà nuôi Mai Thúc Loan qua cơn khát sữa đầu đời. Tuy vậy, càng ngày bà càng không thể chịu đựng được sự hắt hủi và dị nghị của làng xóm, nên trong một đêm mưa gió bà đã ẵm đứa con trai của mình lặn lội ra Nam Đàn (Nghệ An) sinh sống. Từ đó mẹ con bà được sự đùm bọc của người dân bản địa mà nuôi nhau. Và nhờ sức khỏe cũng như trí thông minh hơn người mà Mai Thúc Loan lớn lên đã nhanh chóng trở thành lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (năm 713-722), chống lại ách đô hộ của quan quân nhà Đường.

 

Gò Mai Lâm ( Cửa Sót) nơi mẹ Mai Hắc Đế từng mò cua bắt ốc và sinh ra ông

Hiện nay tại quê hương Mai Thúc Loan ở làng Mai Lâm, xã Mai Phụ còn có nhà thờ họ Mai  và đền thời Mai Hắc Đế. Theo ông Mai Văn Bình, hậu duệ của Mai Hắc Đế, một trong 8 hộ gia đình thuộc dòng tộc Mai Hắc Đế đang sinh sống tại xã Mai Phụ cho biết, nhà thờ Mai Hắc Đế thờ Mai Hắc Đế, được coi là vị Thần tổ của họ Mai. Nhà thờ này được xây dựng cách đây gần 900 năm, trải qua bao đổi thay của thời gian, nhà thờ đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được kiến trúc riêng biệt, và nay vẫn là nơi thờ tự chính của con cháu họ Mai khắp cả nước, (lễ cúng Mai Hắc Đế được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm); Đền thờ Mai Hắc Đế được triều đình nhà Nguyễn xây dựng cách đây hơn 100 năm nhằm để tưởng nhớ công lao của vua Mai Hắc Đế đối với dân tộc. Đền thờ  mặc dù cũng được trùng tu nhiều lần nhưng xuống cấp nhanh. Hơn nữa,  khuôn viên của ngôi đền quá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu tế lễ hàng năm.

 

Cây đa trước đền thờ Mai Hắc Đế tại làng Mai Lâm

Việc xây dựng đền thờ, tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế tại quê hương của nhà Vua, là việc làm cần thiết, đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân quê hương nhà Vua từ bao đời nay, đồng thời khẳng định tinh thần tự hào của dân tộc đối với nhà Vua.

 

Hai anh em ông Mai Chí Thành và Mai Văn Bình ( hậu duệ của Mai Hắc Đế tại nhà thờ họ Mai thờ vị thần tổ Mai Hắc Đế)

Ông Lê Đình Sơn dâng hương động thổ xây dựng đền thờ Mai Hắc Đế

Lễ khởi công xây dựng tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế

Đền thờ Mai Hắc Đế được nhà Nguyễn xây dựng hơn 100 năm tại làng Mai Lâm đã được trùng tu

Lễ động thổ xây dựng tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế

Gò Mai Lâm ( Cửa Sót) nơi mẹ Mai Hắc Để mò cua bắt ốc và "vượt cạn" một mình 

Phối cảnh tổng thể tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế

Nguyễn Ngọc Vượng/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh