THỨ SÁU, NGÀY 18 THÁNG 10 NĂM 2024 01:39

Bảo tồn dệt Thổ cẩm của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bình Phước giàu bản sắc văn hóa, với 41 thành phần dân tộc. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, trong cùng một dân tộc nhưng mỗi nhóm, ngành mang đặc điểm, sắc thái riêng với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội rất phong phú.

Hiện ngoài các dân tộc bản địa như S’tiêng, Khơme, trên địa bàn huyện Phú Riềng còn có rất nhiều dân tộc nhập cư đến từ các tỉnh, thành trong cả nước như: Tày, Thái, Hoa, Chơro, Chăm, Mạ, Vân Kiều, Sán Dìu… Người S’tiêng gắn liền với nghề dệt thổ cẩm, điệu múa dân vũ kết hợp với đánh cồng chiêng; người Khơme có múa lâm thôn, món bún nước lèo; đồng bào Tày duy trì đàn tính, hát then; người Chăm có lễ hiến sinh, lễ cưới hỏi, tháng lễ ăn chay Ramadan…

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt Thổ Cẩm

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt Thổ Cẩm

Những ngày rảnh rỗi, bà Thị An Đê, thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, Bình Phước lại làm công việc mình yêu thích, đó là dệt những tấm thổ cẩm để làm quầy, khố, mền, túi xách, áo… Đây là những sản phẩm truyền thống được sử dụng trong đời sống thường ngày, mang đậm nét văn hóa của người M’nông. Nhiều năm trước, việc dệt thổ cẩm trong thôn rất phổ biến. Nhà nào cũng có vài khung dệt, phụ nữ hầu như ai cũng biết làm nghề truyền thống này. Hoa văn trên thổ cẩm được dệt tinh tế, phong phú với nhiều họa tiết gần gũi giữa con người với thiên nhiên, đặc trưng lao động, sản xuất của đồng bào và sáng tạo trong phối màu.

 

 Theo bà Thị K’minh, nghệ nhân thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cho biết: Thổ cẩm có rất nhiều ý nghĩa đối với đồng bào M’nông. Nhà nào có nhiều thổ cẩm được coi là giàu có, sang trọng. Thổ cẩm được dùng làm quà tặng cô dâu và 2 bên sui gia trong ngày cưới. Khi người con gái đi lấy chồng, được mẹ đẻ tặng tấm thổ cẩm to, đẹp sẽ rất hãnh diện với bà con, dòng họ. Trong các dịp lễ, tết, các cô gái khoác lên mình những tấm thổ cẩm mới, nhiều hoa văn sặc sỡ, lộng lẫy do chính tay mình dệt nên thể hiện sự giỏi giang, khéo léo. Những tấm thổ cẩm đó cũng chính là niềm tự hào của các cô gái, là một trong những tiêu chí để các chàng trai M’nông lựa chọn làm người yêu, làm vợ.

 Đến nay, nhiều hộ đã cất khung dệt, làm những công việc khác trong lúc nông nhàn như: cạo vỏ lụa hạt điều, đi làm công nhân… thay vì dệt thổ cẩm như trước đây. Vì vậy, số người còn dệt thổ cẩm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu làm vì đam mê và nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm bằng phương pháp thủ công sẽ mất nhiều thời gian, giá bán cao, do vậy tiêu thụ chậm, bà Thị An Đê trăn trở: “Những người già trong thôn, xã có kinh nghiệm dần dần sẽ mất đi, nghề dệt đứng trước nguy cơ mai một. Do vậy, những lúc ngồi dệt, tôi thường chỉ dạy cho con gái và các cháu để sau này biết lưu giữ văn hóa của dân tộc mình”.

Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn

Với quyết tâm giữ nghề dệt thổ cẩm có nguy cơ bị mai một ở địa phương, bà An Đê đã quyết định thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở thôn Sơn Hòa với 35 thành viên yêu nghề dệt. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ, bà đã cùng các thành viên trong Câu lạc bộ sáng tạo nhiều sản phẩm như túi, xách, khăn, váy, áo thổ cẩm...Câu lạc bộ được Sở Công Thương tỉnh Bình Phước đã mở 3 lớp tập huấn nghề dệt thổ cẩm cho các thành viên trong Câu lạc bộ, từ đó nhiều thành viên đã vững tay nghề hơn.

Trong các dịp lễ, tết, các cô gái khoác lên mình những tấm thổ cẩm mới, nhiều hoa văn sặc sỡ, lộng lẫy do chính tay mình dệt nên thể hiện sự giỏi giang, khéo léo.

Trong các dịp lễ, tết, các cô gái khoác lên mình những tấm thổ cẩm mới, nhiều hoa văn sặc sỡ, lộng lẫy do chính tay mình dệt nên thể hiện sự giỏi giang, khéo léo.

Nghệ nhân An Đê cho biết: Từ niềm đam mê vẻ đẹp của những tấm thổ cẩm, bà quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc M’nông bởi nếu không tiếp tục truyền lại cho thế hệ trẻ, sau này nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ bị mai một. Kể từ khi Câu lạc bộ được thành lập, phụ nữ trong thôn thêm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Bà An Đê mong nghề dệt thổ cẩm của dân tộc M’nông luôn được giữ gìn.

Ngoài nghệ nhân An Đê, để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông, không thể không nhắc đến vai trò của già làng, trưởng thôn luôn tích cực tuyên truyền trong cộng đồng dân cư qua các buổi hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ, loa truyền thanh, qua đó khuyến khích người dân gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Cùng với Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, ngay từ ngày mới thành lập, công tác bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các DTTS đã được cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Phú Riềng quan tâm thực hiện. Từ đó, chất lượng hoạt động văn hóa của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng cao; hoạt động văn nghệ - thể thao diễn ra sôi nổi, thu hút nhân dân tích cực tham gia.

Ông Nghiêm Văn Nam, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Riềng cho biết: Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp chính là góp phần hạn chế, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào. 5 năm qua, huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn, nhất là duy trì và phát huy giá trị nét văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng và Chăm, giai đoạn 2016-2019. Đến nay, toàn huyện có 8 bộ cồng chiêng còn lưu giữ ở các thôn, 1 bộ lưu giữ tại Phòng Văn hóa - Thông tin; tạo điều kiện cho hàng trăm người biết dệt thổ cẩm và sử dụng thành thạo cồng chiêng, trong đó có hàng chục nghệ nhân. Huyện còn tổ chức 6 lớp dạy cồng chiêng, 3 lớp dạy múa dân gian, 1 lớp dạy đàn đá, thu hút hàng trăm lượt người tham gia; đồng thời triển lãm trưng bày tranh ảnh, hiện vật, công cụ, nhạc cụ, trang phục… của đồng bào các DTTS.                           

 Ông Điểu Khuê, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng chia sẻ: “Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con người M’nông có rất nhiều câu chuyện gắn với thổ cẩm, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc, nên việc đề nghị các cấp, ngành giữ gìn nghề dệt thổ cẩm là rất cần thiết và cấp bách”.

Theo bà Thị Diệu Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: Huyện Bù Đăng có 41% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào M’nông chiếm tỷ lệ cao. Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa riêng biệt của bà con nơi đây. Do vậy, UBND huyện đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ bà con dân tộc M’nông trong việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Đồng thời kết nối tìm đầu ra để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa để gìn giữ và phát huy các làng nghề truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc. 

PL

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh