THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:05

Đem tâm nguyện làm điều ân nghĩa

Vang mãi khúc quân hành

Cách đây đúng 10 năm, Giáo sư David Stic (thuộc Đại học Califoclia, Mỹ) đã ngã mũ trước anh linh cách anh hùng liệt sĩ bị bắt và tù đày. Khi đến thăm Bảo tàng, vị Giáo sư đã rơm rớm ghi vội vài dòng lưu bút: “tôi thấy khốc liệt lắm,… nhân dân Mỹ cũng phản đối nước Mỹ về sự tồn tại của nhà tù kiểu nhà tù Guantanamo”.

Cựu chiến binh kể lại thủ đoạn tra tấn dã man, tàn bào của quân thù

Không riêng gì David, bất cứ ai là người Việt hay người nước ngoài đều khó mà cầm lòng được khi được chứng kiến những hình ảnh tại Bảo tàng. Tuy chỉ vẻn vẹn có hơn 3000 hiện vật cùng hình ảnh trên mảnh đất 200m2 do các cựu tù Phú Quốc xây dựng nhưng nó là bản án tố cáo tội ác chiến tranh, là ý chí kiên trung bất khuất của dân tộc Việt, gần gũi hơn nữa đó là hiện vật thấm đượm máu của chiến sĩ, mỗi hiện vật ẩn hiện đâu đó linh hồn của liệt sĩ, là báu vật của những người đã ngã xuống cho nền độc lập hôm nay.

Trở về sau 4 năm, 8 tháng, 7 ngày bị địch bắt và tù đày tại lao tù Phú Quốc cựu chiến binh Lâm Văn Bảng không khỏi trăn trở. Ông nói: “tôi nghĩ phải làm một điều gì đó để tri ân đồng đội, trả nghĩa cho họ. Tôi cùng một số anh em lặn lội đi khắp các nhà tù, chiến trường, nghĩa trang liệt sĩ để sưu tầm kỷ vật chiến tranh, những hiện vật gắn với đồng đội trong những tháng ngày nghiệt ngã để thành lập Bảo tàng này”.

Mỗi một thước đất là một linh hồn. Trước mặt là người chiến sĩ mình trần bị giam cầm trong chuồng cọp, vết thương khôn rỉ máu; tiếp đến là người lính khác nằm co quắp rên lên vì đau khi kẻ thù đốt nến rỏ sáp nóng vào đầu, vào mặt; nữa là hình ảnh chiến sĩ Phùng Xuân Nghị (quê ở Hà Nội) đã hiên ngang trước quân thù cầm dao rạch bụng đòi quyền dân sinh, dân chủ cho đồng đội; rồi chiến sĩ Trần Hội (quê ở Hà Tĩnh) bị địch tháo 2 ống xương chân nhưng quyết không khai; chiến sĩ Lê Minh Chí bị địch giam giữ trên 10 năm trong xà lim; liệt sĩ Dương Bá Ngà (Hà Nội) bị địch bắt, đun nước xà phòng sôi đổ vào miệng rồi treo ngược lên đánh gãy chân; liệt sĩ Nguyễn Đình Xô bị dội nước sôi vào người cùng hàng loạt cách hình ảnh khác như nữ tù nhân bị chói vào cột thả rắn, thắp điện cao áp, nấu nước sôi, móc mắt.

Dụng cụ kẻ thù tra tấn chiến sĩ

Với sự hành hạ dã man, tàn bạo hàng chục năm trời như vậy nhưng người lính không làm nhục sứ mệnh, vẫn ngẩng cao đầu hôn lên lá cờ Tổ quốc. Đấy là lá cờ đặc biệt được dùng để kết nạp Đảng viên tại nhà tù Phú Quốc, tuy chỉ nhỏ bằng bao thuốc song chứng kiến bao lời thề son sắt. Kể về lá cờ, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng nhớ lại: Lá cờ do người bạn tù Phú Quốc tự thêu trong nhà giam, được người tù chuyền tay nhau suốt nhiều năm và cuối cùng được đồng chí Nguyễn Văn Dư cất giữ.

“Mỗi lần địch lục soát, đồng chí Dư lại cuốn nhỏ lá cờ vào túi ni-lông, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng cho trôi xuống dạ dày. Lúc an toàn lá cờ lại được kéo ra treo ngay ngắn trên tường để động viên, nhắc nhở và củng cố ý chí quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong ngục. Có lần bị địch phát hiện, chúng lôi anh em ra tra tấn dã man. Nhiều đồng chí yếu sức đã hy sinh ngay dưới ngọn roi, dùi cui. Còn đồng chí Dư thì vẫn kiên quyết: “đó là lá cờ mà anh em tin tưởng giao cho tôi, tôi phải có trách nhiệm giữ, hơn nữa lá cờ này là xương máu của đồng đội, là linh hồn của Tổ quốc, là báu vật vô giá của những Đảng viên bị tù đày nên quyết không để mất”, người cựu chiến binh nhớ lại.

Truyền lại cho mai sau

Bảo tàng được chia thành 9 phòng, gồm: Các khu Đền thờ Bác Hồ cùng các liệt sĩ đã hy sinh ở nhà tù Phú Quốc và các chiến trường; khu lưu giữ bút tích của Bác Hồ; khu lưu giữ vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ; khu trưng bày hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy; khu giới thiệu tấm gương kiên trung của chiến sĩ cách mạng và hoạt động của những đảng viên trong nhà tù Phú Quốc...

Bảo tàng được xây dựng không ngoài lý do nào ngoài việc tri ân các Anh hùng liệt sĩ, người có công và giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ mai sau. Như lời nguyên Đại úy Nguyễn Văn Uỷ, trong số đồng đội hy sinh tại nhà tù Phú Quốc có đồng chí Dương Bá Ngà là xót xa nhất. Đồng chí Ngà cưới vợ được ba ngày rồi khoác ba lô lên chiến trường, bị địch bắt, bị cho uống nước xà phòng rồi treo ngược lên cây rồi bị đánh đến gãy chân và hy sinh. Con sinh ra chưa biết mặt cha. Lần đầu tiên vợ và con đồng chí ấy đến bảo tàng, nhìn thấy hình ảnh chồng, cha treo trên cây mà òa ra khóc. “Nhưng biết làm sao được khi đấy là sự thật không thể che giấu! Giờ, thi thoảng con đồng chí ấy lại đến, lại vuốt ve tấm ảnh, rồi kể cho linh hồn đồng chí ấy nghe về cuộc sống ngày bình khiến chúng tôi cũng ấm lòng”, nguyên Đại úy chia sẻ.

Kẻ thù dùng nhục hình tra tấn chiến sĩ cách mạng

Bảo tàng là nơi các thân nhân gia đình chính sách đến với nhau khi người lính ra đi không về; Là nơi người lính đến để nhớ về đồng đội, học sinh sinh viên đến để tưởng nhớ công lao những người đã huy sinh cho đất nước, để biết đến tinh thần yêu nước, lòng căm thù quân giặc. Và, trong số những chiến sĩ bị địch bắt và tù đày tại Phú Quốc năm xưa còn có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Năm nào ông cũng đến đây để tri ân đồng đội và động viên anh em cựu chiến binh gìn giữ giá trị và ý nghĩa của Bảo tàng. Hoặc như cựu chiến binh Trần Hội, trước bị kẻ địch tháo hai ống chân, giờ thi thoảng ông vẫn đến bảo tàng để kể cho đám học trò hậu bối nghe về sự kiên trung của người lính.

Tuy là Bảo tàng do các cựu chiến binh, nhân chứng sống của chiến tranh lập nên nhưng bên trong chứa đựng ý nghĩa lớn lao, chất chứa tâm tư, nguyện vọng và tâm hồn người lính. Và đúng như bà Anna Maria Salvini, cán bộ Đại sứ quán Italia khi đến đây đã viết, “đây là một bảo tàng mà ở đó người ta kể lại những cái chết, những hành động bạo lực dã man nhưng vượt lên trên hết, đây là nơi cái sống sẽ chiến thắng cái chết, và những người đã sống sót vẫn giữ mãi ký ức về đồng đội…”.

HẠNH NGUYÊN - KHÁNH AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh