THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:31

Nick Út tặng bức ảnh 'Em bé Napalm' cho bảo tàng Việt Nam

 

Chia sẻ về lý do tặng bức ảnh, ông Nick Út cho biết, ông muốn gửi bức ảnh tại một nơi để gìn giữ lịch sử cho đất nước, cho thế hệ trẻ. Hình ảnh về một người phụ nữ, câu chuyện về một người phụ nữ trong chiến tranh như chị Kim Phúc không đâu phù hợp hơn là Bảo tàng phụ nữ Việt Nam.

Nick Út đã tặng bảo tàng 5 bức ảnh, trong đó có 4 bức ông chụp và một bức do đồng nghiệp chụp có hình ảnh của ông khi cứu giúp bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng do bom Napalm ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Ông cũng tặng cho bảo tàng chiếc máy ảnh Nikkormat mà ông đã sử dụng trong thời gian làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam. 

 

Các bức ảnh của ông Nick Út được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ.

"Dù nhiều bảo tàng trên thế giới muốn có những bức ảnh này để triển lãm song tôi đã quyết định tặng bức ảnh về người Việt Nam cho mảnh đất này", ông Nick Út nói.   

Kể lại thời điểm chụp bức ảnh "Em bé Napalm", Nick Út cho biết, khi ông đang ở chiến trường Trảng Bàng, chuẩn bị về Sài Gòn thì được chứng kiến máy bay thả 4 trái bom Napalm. Sau đám khói đen, ông thấy nhiều người chạy ra kêu cứu, trong đó có bà ngoại của Kim Phúc bế đứa cháu 3 tuổi chết trên tay, chạy sau bà là cô bé không mặc quần áo, toàn thân bị bỏng. Nick đã đưa các em bé đến bệnh viện Củ Chi chữa trị. 

Tiếp nhận những bức ảnh chiến tranh, bà Dương Thị Hằng, Phó giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, bày tỏ bảo tàng rất vinh dự được ông Nick Út tin cậy gửi tặng những bức ảnh của mình. "Đây là những bức ảnh có giá trị lịch sử, có sức sống vượt thời gian. Bức ảnh đã truyền tải nỗi đau của chiến tranh, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh trên thế giới", bà nói. 

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ trưng bày các tác phẩm đến 18/5 phục vụ khách tham quan, sau đó sẽ cất giữ để bảo quản.

Ông Nick Út (bên phải) trao tặng các bức ảnh và máy ảnh cho lãnh đạo Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. 

Năm 1972, bức ảnh Em bé Napalm sau 4 giờ được gửi đi từ Sài Gòn đã gây sốc toàn thế giới, châm ngòi cho phong trào phản chiến ở Mỹ và nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh khắp châu Âu. Tác phẩm cũng mang về giải thưởng danh giá Pulitzer (Mỹ) cho Nick Út năm 1973. Từ một nạn nhân chiến tranh, cô bé Kim Phúc đã trở thành Đại sứ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Giờ đây, cô đi khắp thế giới để nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, cả những di chứng và những vết thương đã khép miệng. 

Phóng viên ảnh Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 tại Long An. Nick Út nhập quốc tịch Mỹ và làm phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, Mỹ. Ông theo dõi tất cả loại tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh