THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 04:17

Bạo lực học đường - Một phần lỗi ở cha mẹ, thầy cô và xã hội

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ BLHĐ gây bức xúc dư luận, các trường học đã tiến hành hòa giải hoặc tạm đình chỉ học học sinh gây bạo lực. Nhiều người cho rằng hình thức xử lý này chưa thực sự thỏa đáng, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Bạo lực học đường xảy ra ở khắp các vùng miền, đặc biệt là ở lứa tuổi trung học. Có những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, khiến trẻ bị rối nhiễu tâm trí, bỏ học không dám tới trường, nhiều em bị sang chấn tâm lý lâu dài, mắc bệnh trầm cảm, thậm chí là tâm thần.

Đây có thể coi như một hồi chuông báo động tới toàn xã hội. Thực trạng này diễn biến rất phức tạp, đa dạng, không chỉ trẻ em nam mới gây ra bạo lực mà trẻ em gái cũng tụ tập, bắt nạt bạn bè, gần đây có cả vụ việc học sinh bạo lực với chính thày, cô giáo dạy mình gây bức xúc xã hội.

Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB&XH.

Để giải quyết tận gốc vấn đề bạo lực học đường cần phải tìm ra nguyên nhân cốt lõi, đó là: tình hình kinh tế - xã hội phát triển, mọi người, mọi nhà mải lo kiếm tiền, một số gia đình sao nhãng việc giáo dục con; một số trẻ đua đòi học điều xấu; cách mạng công nghệ phát triển, trẻ em tiếp xúc mạng xã hội sớm… những điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách ở trẻ.

Nhà nước, xã hội, mà trước hết là nhà trường phải có trách nhiệm trong giáo dục, quản lý các em. Một số vụ bạo lực học đường còn chưa giải quyết kịp thời, gây bức xúc cho những nạn nhân và gia đình.

Về vai trò quản lý của Nhà nước, nhiều văn bản điều hành và xử lý trong lĩnh vực giáo dục còn chậm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; thiếu đội ngũ cán bộ xã hội trong trường học để tư vấn tâm lý cho học sinh và một số giáo viên chưa được trang bị các kiến thức phòng, chống bạo lực học đường, thiếu kỹ năng giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trong học sinh.

Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải đưa ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, giáo dục thuyết phục trẻ vẫn là giải pháp chính, đồng thời phải áp dụng cả biện pháp kinh tế, xử phạt hành chính, kỷ luật học sinh, kể cả biện pháp hình sự đối với những hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (biện pháp hình sự là biện pháp cuối cùng nếu trẻ đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật).

Một số người cho rằng, biện pháp hòa giải, cho học sinh tạm thời nghỉ học chưa đủ mạnh để răn đe, tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng, đây mới chỉ là một giải pháp và nó được áp dụng theo quy chế của các trường học do Bộ GD-ĐT quy định.

Chúng ta phải xác định tất cả trẻ em là người chưa thành niên, còn chưa phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Các em chưa có đủ năng lực hành vi để phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi trước pháp luật. Các em vi phạm nhưng lỗi một phần là do cha mẹ, thầy cô và xã hội...

Dù vi phạm các em vẫn cần được bảo vệ, giáo dục và giúp đỡ để trở thành người tốt, không mặc cảm.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Pháp luật đã quy định chỉ xử lý hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nếu trẻ gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà chưa đủ yếu tố cấu thành theo quy định của pháp luật hình sự thì vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, với biện pháp hành chính, nếu trẻ gây ra bạo lực học đường từ đủ 12 tuổi trở lên có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, song điều này chỉ xảy ra khi có quyết định của Tòa án theo đúng trình tự pháp luật.

Theo tôi, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để đưa ra được một giải pháp đồng bộ, không để bạo lực xảy ra rồi mới đi hòa giải mà phải có biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực học đường ngay từ đầu. Đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội và cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, của các tổ chức và cá nhân.

Nhiều vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận (Ảnh cắt từ clip).

Nhiều vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận (Ảnh cắt từ clip).

Vậy theo ông, cần giáo dục trẻ như thế nào để các em không gây ra những hành vi bạo lực học đường?

- Trẻ em cần được giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội để các em có ý thức không để xảy ra những hành vi bạo lực. Mặt khác, chúng ta cần phải có các cơ sở tư vấn tâm lý, nhân viên tư vấn tâm lý trong trường học để giải quyết những vướng mắc và xích mích của trẻ ngay khi nó xảy ra.

Các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm, nắm bắt tâm lý trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời, đúng đắn. Với những trẻ có nguy cơ bị bắt nạt, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, trong trường hợp việc bị bắt nạt xảy ra thì trẻ cần thông tin ngay cho cha mẹ và nhà trường để được hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người về vấn đề phòng, chống bạo lực học đường, trong đó trọng tâm là truyền thông tới các gia đình, học sinh và nhà trường.

Chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn các vụ bạo lực học đường tiếp diễn, thưa ông?

- Một lần nữa, tôi nhắc lại, để xử lý những trẻ em gây ra bạo lực học đường thì biện pháp chính vẫn là giáo dục và thuyết phục là chính. Người lớn cần “mở đường” để các em trở thành người hướng thiện, tiếp tục được học tập và phát triển chứ không phải cứ thấy các em sai lầm là bắt các em nghỉ học, thôi học và xử lý hành chính, hình sự.

Nếu trẻ cứ vi phạm là bị đuổi học thì các em ra xã hội thậm chí còn gây ra hậu quả khó lường.

Để ngăn chặn bạo lực học đường, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định một cách rõ ràng và nâng cao trách nhiệm của các thầy cô giáo, đồng thời tăng cường các nguồn lực. Ở đây, nguồn lực là con người, là các thầy cô và cán bộ xã hội.

Trong nhà trường phải có nhân viên tư vấn tâm lý để tư vấn kịp thời cho các em học sinh. Nguồn lực cũng bao gồm cả tài chính để phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Hiện nay, Tòa án Nhân dân tối cao đang chủ trì chuẩn bị dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để trình Quốc hội xem xét ban hành, trong đó dự kiến áp dụng biện pháp “xử lý chuyển hướng” để thay thế các hình phạt trong Bộ luật Hình sự bằng biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc và tính nghiêm minh của pháp luật.

Và một vấn đề đặt ra là phải làm thế nào đồng bộ giữa pháp luật hành chính và pháp luật hình sự để xử lý cho hài hòa. Chúng ta cần nghiên cứu để có thể đưa ra các giải pháp căn cơ, đồng bộ, đảm bảo quyền lợi của tất cả trẻ em chứ không phải chỉ những em bị bạo lực học đường.

THANH HUYỀN (thực hiện)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh