THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:50

Báo Lao động và Xã hội không ngừng đổi mới và phát triển

 

* Khi còn là lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, bà là người luôn quan tâm đến công tác truyền thông và dành nhiều thời gian, công sức lãnh đạo báo chí của ngành. Là người trực tiếp phụ trách báo trong một thời gian, bà có đánh giá gì về báo LĐ-XH, báo điện tử Dân sinh?

- Tôi có thời gian phụ trách khối báo chí của Ngành LĐ-TB&XH, trong đó có báo LĐ-XH, báo điện tử Dân sinh. Tuy nhiên, trước đó, ở cương vị Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ, tôi cũng thường xuyên theo dõi các công việc liên quan đến thông tin, báo chí viết về Ngành LĐ-TB&XH, trong đó có báo LĐ-XH. Phải khẳng định rằng, trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí cách mạng nói chung và báo LĐ-XH, báo điện tử Dân sinh nói riêng đã thông tin, tuyên truyền nhiều về chính sách do Ngành LĐ-TB&XH tham mưu để Quốc hội, Chính phủ ban hành. Thông tin phản ánh của Báo chí cũng rất đa chiều, có nhiều bài viết chuyên sâu, phân tích bình luận về các vấn đề, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH, đặc biệt là ở các mảng xã hội như: Chăm sóc người có công, lao động, việc làm, giảm nghèo, xuất khẩu lao động, phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác trẻ em…

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan luôn quan tâm đến công tác báo chí của ngành LĐ-TB&XH.

 

Với Báo LĐ-XH, Báo điện tử Dân sinh trong nhiều năm qua đã có nhiều cố gắng bám sát, tuyên truyền kịp thời về các lĩnh vực của Bộ, đặc biệt các vấn đề cần tập trung chỉ đạo trong từng giai đoạn. Báo LĐ-XH đã có nhiều đổi mới trong việc tiếp cận thông tin ngay từ khi các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu, soạn thảo chính sách mới. Một số phóng viên của Báo có trình độ, tư duy phản biện các chính sách khá sắc sảo. Bên cạnh đó, Báo đã có nhiều tiến bộ trong hình thức gồm cả báo in và báo điện tử nên đã cung cấp thông tin đến bạn đọc và tiếp nhận phản hồi chính sách của Bộ được nhanh chóng, kịp thời.

Vừa qua trong những thời điểm khó khăn nhất, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ cũng như nỗ lực cố gắng, tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, báo đã nhanh chóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng để tiếp tục phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí của tờ báo.

* Thưa bà, hiện nay báo LĐ-XH (báo in và báo điện tử) đang ngày càng nỗ lực cải tiến để đáp ứng nhu cầu của độc giả, bà có nhận xét gì về những cải tiến này của Báo?

- Có thể khẳng định, thời gian qua, báo LĐ-XH, báo điện tử Dân sinh đã có nhiều đổi mới, cải tiến cả về nội dung và hình thức. Chất lượng tin, bài không ngừng được nâng lên. Hình thức trình bày, màu sắc cũng có nhiều cải tiến phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của độc giả. Bên cạnh những bài viết đảm bảo tính thời sự, Báo có nhiều bài viết chuyên sâu về lĩnh vực ngành LĐ-TB&XH.

25 năm hình thành và phát triển, đây là khoảng thời gian để báo LĐ-XH nỗ lực, vượt qua nhiều thách thức, vươn lên để tự khẳng định vị trí của một tờ báo đối với bạn đọc cả nước những năm vừa qua, nhất là từ năm 2016 đến nay. Báo đã không ngừng đổi mới, bám sát chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Bộ, tập trung cải tiến toàn diện để Báo LĐ-XH là tờ báo mạnh về lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội và người có công. Báo ngành đã có nhiều bài viết sâu, định hướng xã hội và lan tỏa để người dân hiểu và thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác lao động xã hội. Tờ báo phải có thông tin tốt, nhanh và chính xác. Quán triệt chỉ đạo, định hướng ấy, báo đã cải tiến để phù hợp với sự phát triển và yêu cầu truyền thông của ngành trong sự phát triển mới, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả.

Có thể kể đến một số thành công như: Tòa soạn báo đã định hướng rõ nét nội dung truyền thông của từng số báo giấy và lịch xuất bản báo điện tử. Từ đó thông tin báo chí về ngành được phản ánh sâu, đậm và dễ tiếp cận. Ví như báo đã có nhiều loạt bài phân tích sâu, có góc nhìn đa chiều về một sự việc thời sự và được bạn đọc quan tâm. Nhiều bài phản ánh, điều tra đã đi đến cùng sự việc, giúp cho bạn đọc hiểu thấu đáo và thực hiện làm theo. Một số sự kiện quan trọng của ngành được lãnh đạo tòa soạn chỉ đạo truyền thông nhiều bài, nhiều kỳ liên tục, đa chiều, đã tạo hiệu ứng truyền thông tốt. Ngoài việc xuất bản báo, tòa soạn đã thể hiện nhiều cố gắng lan tỏa công tác LĐ-TB&XH đến các cơ quan truyền thông khác. Tôi được biết đến nay, nhờ chất lượng truyền thông và nội dung báo đề cập, đã có hơn 30 cơ quan báo chí và trang tin điện tử link nguồn từ báo LĐ&XH, báo Điện tử Dân sinh. Đây là một thành công của tòa soạn.

Mặt khác, Báo cũng đã bám sát nhiệm vụ của ngành, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chủ động hợp tác với các cơ quan chuyên ngành trong và ngoài Bộ để nghiên cứu, phân tích có nhiều bài viết định hướng dư luận xã hội hiệu quả, thể hiện được tính chủ động, làm tốt chức năng định hướng của báo chí.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, Báo LĐ&XH đã mạnh dạn củng cố bộ máy và Chi hội Nhà báo, dành nhiều thời gian đào tạo, tập huấn cho cán bộ, phóng viên, chú trọng công tác quản lý báo chí và thực hiện tốt những quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.

Điều quan trọng đã được khẳng định là, dù cạnh tranh gay gắt trên thị trường báo chí nhưng báo LĐ&XH vẫn kiên định mục tiêu, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để phục vụ tốt nhiệm vụ của ngành. Đó là sự nỗ lực của cả tập thể Báo LĐ&XH. Nhờ đó, báo ngày càng có lượng độc giả lớn hơn.

* Vậy theo bà báo cần có những cải cách, đổi mới nào để trở thành tờ báo “vừa hồng vừa chuyên” của ngành, là địa chỉ đỏ để độc giả tìm hiểu những thông tin về Ngành?

- Báo LĐ-XH, trong đó có bản điện tử là tờ Dân sinh có đối tượng độc giả khá rộng lớn. Bởi những nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH rất rộng lớn và phong phú, liên quan đến nhiều mặt của cuộc sống. Báo đã chọn mục tiêu truyền thông chính xác là bám sát việc triển khai nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH, kết hợp với những sự kiện được độc giả quan tâm để tìm đề tài hay và hấp dẫn, chuyển tải lớn lượng thông tin chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân. Đồng thời, báo cũng là cầu nối ghi nhận quá trình triển khai các chính sách đó từ cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhân rộng các điển hình mẫu. Vì thế, có thể nói, cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân đặt rất nhiều kỳ vọng và niềm tin vào tờ báo chính thống của ngành LĐ-TB&XH.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, báo chí gặp không ít thách thức. Vì thế, việc Báo LĐ-XH đổi mới là điều cần thiết. Tuy nhiên, báo LĐ-XH, báo Điện tử Dân sinh với đặc trưng là tờ báo của ngành LĐ-TB&XH vì thế, bên cạnh việc cập nhật thông tin nhanh nhạy, đa chiều thì cần bám sát hơn nữa nhiệm vụ chính trị của ngành để có thêm nhiều bài báo phân tích, phản biện chuyên sâu, sắc sảo. Tất nhiên, báo LĐ-XH là tờ báo của Bộ nên muốn phản biện được các chính sách ban hành, trước tiên, phóng viên phải hiểu, nắm bắt kỹ các chính sách thì mới có thể có bài viết chuyên sâu, sắc sảo mang tính thuyết phục được bạn đọc và các cơ quan quản lý, ban hành chính sách. Và muốn vậy, phóng viên cũng đồng thời phải bám sát thực tiễn đời sống trực tiếp với người dân, người lao động để lắng nghe được ý kiến phản hồi về các chính sách một cách chính xác nhất. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải chủ động nghiên cứu học tập và tìm hiểu chính sách, nhất là những nội dung được triển khai đi vào cuộc sống, để khi nhắc đến các lĩnh vực an sinh xã hội, các lĩnh vực quản lý của ngành LĐ-TB&XH cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân nghĩ và tìm đến báo LĐ-XH, Báo điện tử Dân sinh.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

VÂN KHÁNH (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh