Những cây bút tên tuổi gắn với Báo LĐ&XH
- Văn hóa - Giải trí
- 17:57 - 25/08/2018
Nguyên Tổng biên tập Lê Văn Minh tại Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên.
Tháng 10/1996, Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên được thành lập, trụ sở đóng tại Nha Trang - Khánh Hòa. Những người đầu tiên gây dựng Văn phòng lúc ấy gồm: Nguyễn Kim Tuấn, Nguyễn Thu Hà, Khuê Việt Trường, Hà Thu Hồng và Nguyễn Đình Trung. Dù ra đời muộn nhưng Văn phòng đã có sức hút nhất định nên số người đến đầu quân ngày càng đông. Những năm tiếp theo, hàng loạt cây bút đã xin về Văn phòng hoặc làm cộng tác viên thân thiết. Năm 1997 có thêm Nguyễn Hải Lộng, Lê Công Bình, Lê Ngọc Minh rồi Huỳnh Thị Mỹ Dung, Nguyễn Thanh Hồng, Trần Anh Thường, Hoàng Ngọc Ân, Lê Thu.... Cộng tác viên có Trịnh Phú Hải, Nguyễn Chính, Vĩnh Hữu, Lê Bá Dương, Hoàng Xuân Vinh, Trần Kháng Địch, Nguyễn Hoàng Bá….
Với lực lượng phóng viên, cộng tác viên hùng hậu như vậy, báo LĐ-XH đã phản ánh kịp thời hầu hết các sự kiện quan trọng trong khu vực, có nhiều bài viết phanh phui tiêu cực được bạn đọc quan tâm. Đó là các diễn đàn kinh tế khu vực và thế giới, các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu người Việt ở nước ngoài, Hoa hậu Việt Nam… Báo viết nhiều bài điều tra khá nổi tiếng như vụ án phá rừng ở huyện Khánh Vĩnh - Khánh Hòa, vụ xã hội đen hoành hành tại thành phố biển, nhân vật chính là trùm xã hội đen Năm Lửa và Thái Chém. Đặc biệt, báo LĐ-XH cùng với luật sư Nguyễn Hồng Hà, nhà báo Nguyễn Chính, báo Đại đoàn kết là những tờ báo đầu tiên đăng loạt bài nói lên sự thật về người tù oan Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận (còn gọi là vụ án vườn điều). Vừa qua ông Nén đã được minh oan và bồi thường 13 tỷ đồng.
Đội ngũ những nhà báo đã từng công tác tại báo LĐ&XH một thời.
Thời gian sau, vì những lý do riêng, cũng có thể bởi “cái áo” Lao động - Xã hội đã chật, nhiều người đã đầu quân cho các báo khác. Hầu hết họ đều thành công, đang giữ những cương vị quan trọng, nhưng tất cả đều không quên, vẫn coi Lao động - Xã hội là nhà mình.Tại TP Nha Trang, những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX có khoảng 12 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện, thường trú. Trong một số lần họp báo do tỉnh tổ chức, có đôi lần trở thành cuộc họp “nội bộ” của báo Lao động - Xã hội vì có tới 2/3 số phóng viên nguyên là người từng làm việc tại báo.
Anh Khuê Việt Trường - tên thật là Phan Huy Trạm là nhà báo có năng khiếu bẩm sinh, bất kỳ chuyện gì anh cũng có thể viết để đăng báo và luôn cuốn hút bạn đọc. Năm 1996, khi Lao động - Xã hội mở Văn phòng tại Nha Trang, anh là một trong 5 người có mặt đầu tiên. Khuê Việt Trường là cây bút đa năng: Làm thơ hay, viết truyện ngắn hấp dẫn, giữ nhiều chuyên mục cho nhiều tờ báo. Sau anh sang báo Văn hóa, hiện là Trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh. Anh cùng với Vĩnh Hữu được coi là “quái kiệt” trong làng báo, với rất nhiều “kỷ lục” không chỉ ở Nha Trang mà là cả nước. Rất mừng và rất tự hào vì cả hai cây bút tài hoa đó đều gắn bó rất thân thiết với Lao động - Xã hội.
Anh Nguyễn Hải Lộng cũng là người về Lao động - Xã hội từ 1997 và gắn bó gần 10 năm. Không chỉ viết khỏe, làm quảng cáo, tuyên truyền giỏi, Nguyễn Hải Lộng còn rất tích cực trong việc phát hành giới thiệu báo đến các doanh nghiệp, các xã, phường. Có lẽ vì thế anh luôn nằm trong “tầm ngắm”, sự mời chào của không ít tờ báo có văn phòng đại diện ở miền Trung và Tây Nguyên. Hiện Nguyễn Hải Lộng đang là Trưởng Văn phòng đại diện báo Đại đoàn kết, với 30 năm tuổi Đảng.
Nhà báo Khuê Việt Trường.
Nhà báo Vĩnh Hữu.
Anh Lê Công Bình là Cử nhân Văn trường Đại học Đà Lạt. Sau nhiều năm lăn lộn, thử sức ở khá nhiều cơ quan, năm 1997 anh chính thức về đầu quân cho Lao động - Xã hội. Lê Công Bình viết sắc sảo ở các thể loại như phóng sự xã hội, phóng sự điều tra và rất có duyên khi viết về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Bởi vậy, thời gian sau anh chuyển sang làm phóng viên báo Văn hóa, rồi Doanh nghiệp. Hiện Lê Công Bình là Phó Tổng biên tập -Phụ trách báo Dân tộc và Miền núi.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Dung trước đây là phóng viên của báo Phú Yên, chị về đầu quân cho báo năm 1999, có khá nhiều đóng góp. Hiện chị đang là Trưởng Văn phòng đại diện báo Công thương tại Khánh Hòa.
Hiện vẫn còn khá nhiều phóng viên chủ lực của một số tờ báo Trung ương và tỉnh xuất thân từ Lao động - Xã hội như Tăng Thị Thúy, báo Lao Động, Tạ Văn Long, báo Khánh Hòa, Trần Trinh Mai, báo Nông thôn Ngày nay, Ngô Xuân Lộc, Cổng thông tin Điện tử Văn phòng Chính phủ, Xuân Đương, báo Người cao tuổi, Minh Trung, báo Người Hà Nội, Nguyễn Thanh Hồng… Nhiều người không tiếp tục con đường làm báo mà chuyển sang lĩnh vực khác như Hà Thu Hồng, Lê Hồng, Nguyễn Đình Trung…
Báo Lao động - Xã hội có quyền tự hào vì ra đời không sớm, nhưng đã có khá nhiều nhà báo trưởng thành từ đây và tỏa đi muôn nơi, đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước.