THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:55

“Lao động và Xã hội phải là tờ báo truyền thông hiệu quả các lĩnh vực của Ngành…”

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

 

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, tôi xin được nồng nhiệt chúc mừng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo qua các thời kỳ, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập.25 năm về trước, được sự đồng ý của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin, tuần Báo Lao động và Xã hội - đánh dấu sự ra đời của một cơ quan báo chí thuộc Bộ LĐ-TB&XH, tờ báo có chức năng tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Ngay từ ngày đi vào hoạt động, tờ báo đã được Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Trần Đình Hoan quan tâm đặc biệt và phân công đồng chí Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm, Anh hùng Lực lượng vũ trang, kiêm nhiệm làm Tổng biên tập đầu tiên của Báo.

Báo Lao động và Xã hội buổi đầu chỉ xuất bản 1 số/ tuần, rồi tăng dần 2 số/tuần, rồi 3 số/tuần. Trải qua nhiều khó khăn những ngày đầu thành lập, Báo đã nhanh chóng định hình các trang báo, chuyên mục về lao động, việc làm, dạy nghề, người có công, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới… mang bản sắc một tờ báo của ngành LĐ-TB&XH. Cùng với  đội ngũ phóng viên của tòa soạn, Báo đã thu hút được nhiều cây bút, nhà báo tên tuổi tham gia cộng tác, viết bài và được bạn đọc trong và ngoài ngành đón nhận.

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của ngành, cùng với xu thế hoạt động của các cơ quan báo chí cả nước, từ nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Báo Lao động và Xã hội đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay chăm sóc đời sống gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khắp mọi miền của Tổ quốc. Báo đã tổ chức một số chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật được dư luận đón nhận, như: Chương trình Huyền thoại Mẹ Việt Nam anh hùng, Linh thiêng Việt Nam, Vầng Trăng cổ tích, Những Trái tim đồng cảm… Được sự cho phép của lãnh đạo Bộ, Báo đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật về Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới… thu hút hàng vạn bài viết của các tác giả đến từ khắp các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cơ sở. Trải qua các giai đoạn phát triển, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hiện nay Báo đã duy trì ấn bản báo giấy 16 trang, xuất bản 3 số/tuần và có thêm phiên bản báo điện tử: thuviensuckhoe.org, hòa vào xu thế phát triển mạnh mẽ các loại hình báo điện tử, cập nhật kịp thời, nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc trong và ngoài ngành.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung định hướng phát triển Báo Lao động và Xã hội để đáp ứng yêu cầu của ngành.

 

Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, các chính sách do Bộ nghiên cứu, tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành, đi vào cuộc sống đều có tác động trực tiếp đến đời sống, tâm lý của đông đảo người dân, đặc biệt là đội ngũ công nhân, người lao động. Hàng năm, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội  như Nghị quyết của Quốc hội đề ra về các  nhóm chỉ tiêu: Giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo học nghề, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước… đòi hỏi sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, nhạy bén của lãnh đạo Bộ, sự tập trung trí tuệ, năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành của các đơn vị thuộc Bộ. Các chính sách do Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, ban hành luôn bám sát sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi tổ chức thực hiện phải huy động, khơi dậy được sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, tạo được sự đồng thuận, đón nhận của toàn xã hội. Để thực hiện được nhiệm vụ này, công tác tuyên truyền, giới thiệu, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, thông qua hệ thống thông tin đại chúng đóng vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, cùng với các cơ quan báo, tạp chí của Bộ LĐ-TB&XH, Báo Lao động và Xã hội đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần lan tỏa các chính sách của ngành LĐ-TB&XH vào cuộc sống.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự lan tỏa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ LĐ-TB&XH được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho nhiều trọng trách, nhiệm vụ quan trọng trong việc hoạch định, tham mưu và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật lao động, người có công và xã hội, nhất là việc nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Lao động, triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương (Nghị quyết số 27-NQ/TW), về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW). Triển khai chương trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp; vấn đề lao động - việc làm hướng tới hình thành thị trường lao động hoàn thiện và đồng bộ... Sau chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, phát huy những thành quả đã đạt được, trong giai đoạn tới, để phát triển ổn định và xứng tầm với nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo Bộ giao, Báo Lao động và Xã hội cần tập trung phấn đấu thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, luôn bám sát tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo Bộ giao, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng các bài viết tuyên truyền để nhân rộng các mô hình, điển hình tốt trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về  giải quyết việc làm, phong trào Đền ơn đáp nghĩa, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của gia đình người có công với cách mạng, các mô hình giảm nghèo bền vững, công tác bảo đảm quyền của trẻ em, thúc đẩy công tác xã hội, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy...

Hai là, Báo cần nhạy bén nắm bắt các chủ trương, định hướng nghiên cứu xây dựng các chính sách, pháp luật mới của Bộ về cải cách chính sách tiền lương cho người lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tuyên truyền có hiệu quả, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc tổ chức thực hiện khi chính sách được ban hành. Báo cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ để nghiên cứu, điều chỉnh nội dung tin bài, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của ngành. Đồng thời, mỗi nhà báo, phóng viên, biên tập viên của Báo cần phấn đấu trở thành những chuyên gia hiểu biết chuyên sâu về từng lĩnh vực được giao phụ trách, để có những  tuyến bài viết sắc sảo, thuyết phục, được độc giả và xã hội đón nhận tích cực.

Ba là, trong xu thế phát triển báo điện tử và các loại hình đa phương tiện, Báo Lao động và Xã hội cần có bước thay đổi mạnh mẽ, đẩy mạnh việc phát triển loại hình báo điện tử, đáp ứng xu thế và nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài ngành; phối hợp với các doanh nghiệp, nhà tài trợ tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật gắn với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH. Báo Lao động và Xã hội cần phấn đấu trở thành tờ báo đi đầu về truyền thông chính sách, pháp luật an sinh xã hội, lao động, việc làm, người có công, tạo sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành tuyên truyền có hiệu quả.

Chúc các đồng chí lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo sức khỏe, thành công. Chúc Báo Lao động và Xã hội vững bước phát triển, đổi mới mạnh mẽ.

ĐÀO NGỌC DUNG

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh