THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:53

Cái nôi của làng cười Nha Trang

 

LCNT ngày ra mắt 1991

 

Năm 1991 LCNT chính thức gõ trống, rung chuông ra nhập làng báo cả nước với 30 làng viên và do Ba Li - Trịnh Phú Hải làm Già làng. LCNT là tổ chức tự nguyện của các cây bút, ngọn cọ châm biếm nổi tiếng ở Khánh Hoà như: Vĩnh Hữu, Trí Nhân, Ớt Chỉ Xuống, Cầu Gai, Tiếu Liên Miên, Sừng Trâu, Sơn Dương, Tiến Sĩ Giấy, Thanh Hồ, Thợ Chích, Ngọc Bách….

Mục đích là:

“Noi gương Cù Móc, Cù Nèo

Dân cười phố Biển tập khoèo cho vui

Xúm nhau thành một Làng Cười

Móc, nèo, cù, ngoáy… hơn mười thuốc bô (hiểu là bổ)

Hô hô… các bạn mại dzô”!

                                      (ST)

Để có kinh phí hoạt động, các làng viên có trách nhiệm đóng góp tùy theo hoàn cảnh, ngoài ra là một phần tiền nhuận bút khi có bài đăng báo. Làng cười gặp nhau mỗi tháng một lần vào sáng chủ nhật, địa điểm là chòi cà phê trong khuôn viên Nhà thiếu nhi Khánh Hòa trên đường Thái Nguyên - Nha Trang. Khi đến họp mỗi làng viên có trách nhiệm phải trình làng ít nhất một tác phẩm mới. Hàng tuần, LCNT luôn có mặt ở các báo Thanh Niên, Lao Động Chủ Nhật, Tuổi Trẻ Cười, Long An Cuối Tuần, Người Lao Động, Lao động và Xã hội… với các tiểu phẩm, thơ châm, biếm họa, chuyện vui cười, phóng sự…

 

Già làng Ba Li - Trịnh Phú Hải

 

Khi đó, Báo Tuổi Trẻ Cười ngoài việc đăng bài, giới thiệu LCNT, hàng tháng còn trợ giúp cho LCNT 50.000 đồng để chi phí cho những cuộc sinh hoạt hàng tháng. Báo Thanh Niên cũng đã thưởng đột xuất cho LCNT 500.000 đồng về thành tích "cộng tác nhiều với báo Thanh Niên". Báo Lao Động Chủ Nhật cũng hứa sẽ hỗ trợ cho LCNT mỗi tháng 200.000 đồng… Tháng 10/1996, văn phòng miền Trung và Tây Nguyên Báo Lao động và Xã hội chính thức được thành lập tại Nha Trang, tôi vốn xuất thân từ Hội Văn nghệ nên được rủ tham gia Làng cười. Để hỗ trợ Làng cười có điều kiện sinh hoạt, sáng tác cũng là tạo nguồn bài vở cho Lao động và Xã hội, tôi xin ý kiến và được Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Niên đồng ý hỗ trợ LCNT mỗi tháng 500 ngàn đồng (khi đó cũng là một khoản tiền đáng kể), ưu tiên đăng tác phẩm trên báo. Kể từ đó Làng cười hoạt động sôi nổi hẳn, số tác giả tăng lên trên 50 người. Nhiều cây bút từ cái nôi này đã trở nên nổi tiếng như: Vĩnh Hữu, Khuê Việt Trường, Trịnh Phú Hải, Hoàng Xuân Vinh, Ngọc Bách…

Tranh vui, tiểu phẩm hài, thơ châm biếm của LCNT đã có mặt trên 600 tờ báo của cả nước. Những tác giả như: Vĩnh Hữu, Khuê Việt Trường, Hoàng Xuân Vinh, Ngọc Bách… chỉ nguyên báo tết mỗi năm cũng có trên 100 tác phẩm được đăng. Họ thực sự trở thành những cây bút chủ lực về lĩnh vực này. Họa sĩ B.BA sau ký là TINTIN, tên thật Nguyễn Ngọc Bách tham gia cuộc thi vẽ tranh châm biếm của báo Tuổi Trẻ cười đã giành được giải A. Còn Vĩnh Hữu thì tần suất xuất hiện trên các báo từ Trung ương đến địa phương dày đặc. Thậm chí anh còn không nhớ hết bút danh mà mình đã đặt như Mãn Đình Hồng, Vĩnh Bò Cạp, Pằng Chíu Chíu, Tiểu Nương Nương… Có những chuyện về anh là chuyện thật mà nghe cứ như giai thoại.

 

Các làng viên dưới con mắt biếm họa

 

Hàng năm, sau khi lo cho con vào năm học mới xong Vĩnh Hữu lại tập trung viết bài, vẽ tranh vui cho báo xuân. Có bận anh đến bưu điện thành phố mua tem gửi thư. Nghe anh nói, cô nhân viên không tin vào tai mình hỏi lại:

- Anh mua bao nhiêu con tem?

- Một ngàn, một ngàn con ý!

Cô nhân viên lục hết trong tủ cũng chỉ còn hơn 800 con tem để bán cho Vĩnh Hữu. Nghĩa là mỗi dịp cuối năm anh phải gửi trên 1.000 bài viết và tranh vui cho các báo tết, số được sử dụng có năm lên tới 600, còn thường là trên 400 tác phẩm. Vậy nên mới có chuyện, Vĩnh Hữu phải thuê hàng chục cô gái gần nhà mình tham gia “sản xuất” tranh vui. Anh có nhiệm vụ vẽ tranh, đánh dấu chỗ nào cần tô màu gì và phần còn lại là của các cô gái tô thuê. Tô mỗi bức tranh cho Vĩnh Hữu các cô được trả công 500 đồng. Không những thế, Vĩnh Hữu còn có hẳn một trợ thủ có nhiệm vụ nhắc nhở và đòi nhuận bút giúp anh. Ấy vậy mà số nhuận bút thu được cũng chỉ đạt trên 60%, còn thì là nợ khó đòi, nợ không thể đòi.

 

LCNT kỷ niệm sinh nhật lần thứ 8

 

Năm 2001 được Tổng biên tập Lê Văn Minh cho phép Văn phòng miền Trung và Tây Nguyên tổ chức cuộc thi tiểu phẩm hài và thơ nghịch nhĩ. Các làng viên LCNT đã rất tích cực tham gia và đạt giải cao. Đến khoảng năm 2003, Già làng Ba Li - Trịnh Phú Hải sức khỏe yếu sau cơn đột quỵ, LCNT có sự thay đổi đôi chút. Làng bầu thêm 2 Phó già làng trực tiếp điều hành các hoạt động là nhà báo Nguyễn Kim Tuấn và nhà thơ Trí Nhân. LCNT vẫn tiếp tục hoạt động sôi nổi, ngoài sáng tác còn in sách chung, sách riêng như tập truyện “Tay phải tay trái”, tập thơ trào phúng và làm một phóng sự truyền hình về hoạt động của các làng viên.

Đến năm 2008, khi Phó già làng Nguyễn Kim Tuấn chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh, công việc được giao lại cho nhà thơ Trí Nhân. Sau đó vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người chuyển công tác, người do sức khoẻ yếu… LCNT hoạt động cầm chừng, nhất là từ khi báo Lao động và Xã hội bỏ chuyên mục Sop Nghêu sò ốc hến. LCNT được báo chí cả nước biết đến, được giới thiệu khi có bạn bè văn nghệ đến thăm thành phố biển, nhưng sẽ không quên đã từng được hỗ trợ, được tiếp sức từ cái nôi Lao động và Xã hội.

VĂN DƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh