CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:33

Ba Li - thủ lĩnh làng cười Nha Trang

Trịnh Phú Hải tuổi khỉ (1944) quê ở Vĩnh An (Hải Phòng). Anh đi bộ đội làm lính cơ yếu, nghĩa là chuyên môn ngồi nhận, giải mã và chuyển những tài liệu quân sự mật.

Sau giải phóng Trịnh Phú Hải học Đại học Công đoàn, sau học thêm cử nhân luật rồi về làm giáo viên ở Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà. Anh thuộc dạng hoạt ngôn, lại thêm ham đọc, ham tìm hiểu nên khi giảng bài học trò rất mê vì những ví dụ, những chuyện thời sự mà thầy lồng vào.

Tôi gặp Trịnh Phú Hải, tức Ba Li từ năm 1996 và trở nên thân thiết ngay, lúc ấy anh đang cộng tác viết bài cho Báo Lao động và có nhiều phóng sự nổi tiếng về đất đai, phá rừng cũng như về các băng nhóm tội phạm kiểu xã hội đen ở Nha Trang. Có lần anh bảo:

-  Cầu Đà Rằng còn như hiện nay là có công của tớ đấy.

-  Chuyện như thế nào?

Ba Li qua nét vẽ Lê Vũ.Ba Li qua nét vẽ Lê Vũ.

Tháng 3/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam đang diễn ra. Hôm đó đúng phiên mình trực thì nhận được bức điện khẩn. Sau khi giải mã thì có nội dung là cho nổ mìn đánh sập cầu Đà Rằng trên quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Phú Yên để ngăn chặn sự chi viện cũng như rút chạy của tàn quân địch.

Đây là cây cầu vào loại dài nhất trên quốc lộ 1, do binh lính chế độ cũ xây dựng, hoàn thành vào năm 1968. Đọc xong bức điện, trước khi gõ điện tín gửi đi để thực thi, Trịnh Phú Hải thấy băn khoăn, nếu nổ mìn đánh sập cầu trước mắt sẽ có khó khăn cho bộ đội trên đường tiến quân vào Sài Gòn, về lâu dài sẽ rất tốn kém khi làm lại. Vì thế, anh chần chừ chưa gửi tin ngay...

Và thật may, chỉ ít phút sau đó, anh lại nhận được điện huỷ lệnh phá cầu.

Năm 1990, có một làng được thành lập ở Nha Trang đó là Làng Cười và Ba Li được hơn 30 thành viên trong làng nhất trí suy tôn là Già Làng – anh giữ “chức vụ” này cho đến tận năm 2003 mới nghỉ vì bạo bệnh. Làng Cười Nha Trang là tổ chức tự nguyện của các cây bút, ngọn cọ châm biếm nổi tiếng ở Khánh Hoà như Vĩnh Hữu, Trí Nhân, Ớt Chỉ Xuống, Cầu Gai, Sừng Trâu...

Ba Li - thủ lĩnh làng cười Nha TrangTrò chuyện với bạn viết.

Thành viên Làng Cười Nha Trang có tranh, thơ châm biếm, tiểu phẩm hài đăng ở trên 600 tờ báo, tạp chí trong nước. Trong đó có 3 tờ báo đứng ra bảo trợ là Báo Lao động, Lao động & Xã hội và Nhà báo và Công luận.

Sau do kinh tế khó khăn, đến nay chỉ còn Báo Lao động & Xã hội bảo trợ và vẫn đăng tranh biếm, thơ, tiểu phẩm cho nhóm..

Ba Li viết tiểu phẩm hài không nhiều, chỉ khoảng 60 truyện được đăng rải rác trên nhiều tờ báo, sau anh tập hợp đăng thành tập với tựa đề “Truyền thuyết về tay phải tay trái”.

Nhưng nói như Vĩnh Hữu: “Cây bút thần khẩu của Ba Li đã khuấy động làng báo cả nước, để lại nhiều dấu ấn khó quên”.

Với lợi thế là nhà báo, kiêm luật gia, giáo viên chính trị, quan hệ rộng cả cán bộ lãnh đạo, chính khách lẫn dân thường, thậm chí là dân “anh chị” tiểu phẩm của Ba Li bám rất sát hiện thực cuộc sống với lối châm biếm sâu cay khiến người đọc đôi khi chỉ biết thốt lên: “Lợi hại – cực kỳ lợi hại”.

Khi thành phố rộ lên nạn vừa ôm vừa uống, anh có ngay tiểu phẩm “Phát hiện mới từ quán bia ôm”. Buồn cười ở chỗ sếp vừa ngồi ôm gái mới hay sếp lớn của mình – người ông ta vẫn kính trọng và sợ hãi, hoá ra cũng là khách ruột ở chốn này.

Tiểu phẩm “Vay không lãi” đọc xong cười ra nước mắt. Ấy là bởi vợ chồng A Ma Quay vì bệnh tật mà phải bán tài sản duy nhất của gia đình là con bò. Sau vợ chồng anh lại bị ép mua bò về nuôi nhờ được vay không lãi một khoản tiền.

Ba Li (thứ ba hàng đầu từ trái qua) trong vòng tay bạn bầu.Ba Li (thứ ba hàng đầu từ trái qua) trong vòng tay bạn bè.

Lúc A Ma Quay đi nhận bò thì đó lại đúng là con bò nhà anh bán khi trước, chỉ có điều giờ nó gầy nhom nhưng tiền mua thì lại tăng lên gấp mấy lần. Đề tài được Ba Li đề cập nhiều nhất, cũng là thành công nhất của anh là về tham ô, tham nhũng, lãng phí.

Thật buồn và đau xót khi người ta bòn rút của công, ăn chặn, ăn bẩn nhưng lại mượn tiếng là quan tâm, giúp đỡ cơ sở. “Nhờ đâu xã tôi có xe hơi” là chuyện huyện vì muốn mua xe mới nên bắt xã nhận xe cũ về để đắp chiếu. Những tiểu phẩm như “Đi học cái dốt”, “Biết xót tiền dân”, “Tiêu chuẩn giao đất”, “Càng lỗ càng lời”... viết rất dí dỏm, rất chua cay về những mánh khoé, thủ đoạn, mưu mô của những quan chức biến chất chỉ biết tìm mọi cách để vơ vét cho đầy túi.

Là người sành sỏi, không ngại đụng chạm lại rành rẽ pháp luật, Ba Li dường như biết hết những mánh khoé, thủ đoạn, những trò bẩn mà người ta dành cho nhau.

Vì thế đọc tiểu phẩm của anh, người ngay thấy thích, kẻ có tật giật mình, kẻ xấu, kẻ ác thấy bực bội, xấu hổ nhưng không thể không phục anh ở sự chính xác không thể chối cãi.

Làng Cười Nha Trang giờ có tới ba người hợp sức điều hành nhưng cũng không thể như hồi dưới sự dẫn dắt của Già làng Ba Li. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan gì đó, nhưng chắc chắn ai cũng phải thừa nhận nguyên nhân chính là chưa có người đủ tầm để các thành viên suy tôn như Ba Li – Trịnh Phú Hải.

Nguyễn Kim Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh