Báo động tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
- Pháp luật
- 17:35 - 15/06/2016
Xâm hại tình dục cả con ruột
Theo cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TPHồ Chí Minh, trong 3 năm từ năm 2013 đến năm 2015, đơn vị này thụ lý 137 tin tố giác 142 đối tượng có hành vi hiếp dâm 139 trẻ em. Bình quân mỗi năm, tại thành phố xảy ra từ 40 đến 50 vụ, tập trung chủ yếu tại các quận ven và huyện ngoại thành. Đáng lưu ý, trong số này có nhiều vụ cha cưỡng dâm con ruột, mẹ đưa con gái đi bán dâm lấy tiền tiêu xài, trừ nợ, chú quan hệ tình dục với cháu họ, bé gái mới 13 tuổi đã chủ động làm quen, nói mình trên 16 tuổi và rủ rê bạn trai quan hệ tình dục. Ngoài ra, không ít đối tượng phạm tội hiếp dâm dù có trình độ đại học.
Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đội phó Đội 7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật xã hội (PC45) - Công an TPHồ Chí Minh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tội xâm phạm tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân cơ bản, cốt lõi nhất là do gia đình thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục, định hướng lối sống cho trẻ. Dẫn chứng điều này, Trung tá Dũng nói: “Có vụ việc, gia đình quản lý dễ dãi đến mức con gái mới 13 tuổi nhưng đã quen và dẫn bạn trai về nhà mình quan hệ tình dục rất nhiều lần nhưng gia đình không hề hay biết. Khi phát hiện trong nhà có đôi dép lạ, cha mẹ mới kiểm tra, phát hiện sự việc và tố giác đến công an. Đến đây thì sự việc đã đi quá xa, dù đối tượng phạm tội bị pháp luật xử lý nhưng nạn nhân vẫn phải gánh hậu quả”.
Đại diện các đơn vị tham gia ý kiến tại hội nghị
Ngoài yếu tố buông lỏng quản lý con cái từ phía gia đình, đại diện các đơn vị tham gia hội nghị cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác như: Mạng internet - công nghệ số phát triển mạnh nhưng khả năng quản lý, ngăn chặn các thông tin tiêu cực (web sex, thông tin khiêu dâm, kích dục…) trên mạng của cơ quan chức năng còn hạn chế; vấn đề tạo thêm sân chơi lành mạnh, trang bị kỹ năng tự vệ cho trẻ vẫn là “chuyện dài nhiều tập”, đến nay vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế; việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tình dục, giới tính, hôn nhân gia đình chưa được nhiều địa phương, tổ chức đoàn thể quan tâm thực hiện, có nơi làm hình thức, chiếu lệ, có nơi không làm…
Bên cạnh đó, công tác lấy chứng cứ, điều tra để truy tố, xử lý các đối tượng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em cũng gặp nhiều khó khăn. Đại diện Phòng PC45 - Công an TPHồ Chí Minh cho biết: “Nhiều trường hợp, cha mẹ làm đơn tố giác hành vi phạm tội đối tượng xâm hại tình dục con mình, nhưng chính đứa con (nạn nhân) lại không chịu giám định màng trinh vì ngại, hoặc sợ bạn trai vào tù nên không hợp tác. Cũng có trường hợp đối tượng quan hệ tình dục thừa nhận hành vi phạm tội với cơ quan điều tra, nhưng khi đưa nạn nhân đi giám định màng trinh lại phát hiện có tế bào nam của một đối tượng khác. Thực tế đã có nhiều vụ việc phải đình chỉ điều tra, hoặc kéo dài thời gian điều tra, truy tố đưa xét xử với những lý do trên”.
Tập trung tuyên truyền, chăm sóc có hiệu quả
Bàn về giải pháp ngăn chặn hiệu quả các tội xâm phạm tình dục trẻ em, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHồ Chí Minh nói: “Trong số các vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát giác trong thời gian qua, địa điểm quan hệ tình dục được phát hiện chủ yếu ở các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn. Do đó nếu chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm (cho khách không có giấy tờ tuy thân thuê, chứa mại dâm…), chắc hẳn số vụ xâm hại tình dục trẻ em sẽ được kéo giảm”.
Phó Bí thư Thành đoàn TNCS TPHồ Chí Minh Vương Thanh Liễu nhìn nhận: Thực tế các vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua cho thấy “gốc” của vấn đề đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là yếu tố con người. Chính việc chưa ý thức, hiểu rõ mối nguy hiểm, tác động tiêu cực của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em của một bộ phận phụ huynh, trẻ em, thậm chí cơ quan quản lý, chăm sóc trẻ em…) đã khiến tội phạm xâm hại tình dục gia tăng. Bà Liễu kiến nghị: “Chính quyền, đơn vị chức năng các cấp cần tập trung tuyên truyền kiến thức tình dục, hôn nhân gia đình một cách rộng rãi, cụ thể và thường xuyên đến người dân, nhất là trong môi trường học đường, đối tượng tuyên truyền nhắm đến là học sinh, thanh thiếu nhi, phụ huynh (công nhân, người lao động, người dân ở ngoại thành). Một khi công tác tuyên truyền triển khai có hiệu quả, chắc hẳn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ giảm”. Ở góc độ cơ quan đoàn thể, Phó bí thư Thành đoàn Vương Thanh Liễu cho biết, Thành đoàn - Hội đồng Đội TP sẽ tăng cường các hoạt động định hướng thanh thiếu niên sống tốt, xây dựng thêm nhiều sân chơi, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng tự vệ cho thiếu nhi, học sinh nữ trong thời gian tới…
Nhiều ý kiến khác kiến nghị cơ quan lập pháp cần bổ sung vào Bộ luật Hình sự 2015 quy định hành vi “Quấy rối tình dục” là 1 tội độc lập để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành những hành vi phạm vào các tội có tính chất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.