THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Báo động tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên

Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc học sinh tự tử, thậm chí liên tiếp hai ngày 31/3 và 1/4 xảy ra 2 vụ việc đau lòng. Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung – Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra rằng, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, tỉ lệ trẻ vị thành niên tự sát rất cao.

Tư vấn học đường cho trẻ em.

Tư vấn học đường cho trẻ em.

Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể về tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử chiếm bao nhiêu % trong số các nguyên nhân gây tử vong tại lứa tuổi này. Tuy nhiên, theo 1 nghiên cứu tại Úc, con số này chiếm đến 20% trong tổng số ca tử vong ở lứa tuổi vị thành niên. Cũng theo bác sĩ Nhung, tỉ lệ trẻ vị thành niên tự sát cao hơn so với người lớn. Đặc biệt là nam nhiều hơn nữ do đặc điểm về tâm sinh lí của 2 giới tính khác nhau. Về nguyên nhân tự tử của trẻ vị thành niên, 90% là do các bệnh lí về tâm thần. Trong đó, trầm cảm nội sinh đứng đầu bảng.

Đã có rất nhiều báo cáo, con số cho thấy gia tăng tỉ lệ lo âu trầm cảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nguyên nhân có thể do sự cách li xã hội kéo dài, trẻ không được đến trường, thiếu giao tiếp với thầy cô, bạn bè, lo lắng về dịch bệnh, sự mất mát người thân… Tất cả những yếu tố nêu trên có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên.

Theo các bác sĩ, thực tế, tình trạng trẻ vị thành niên gặp vấn đề tâm lý, rối lọan lo âu, trầm cảm và có ý định tự sát đang rất phổ biến. Nhiều trường hợp trong đó không thể cứu vãn, lựa chọn cái chết là con đường giải thoát duy nhất. Đáng tiếc là trước đó, trẻ đã có những dấu hiệu của trầm cảm, nhưng gia đình không nhận ra hoặc không lường trước được hậu quả.

TS, BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đưa ra một số dấu hiệu để nhận ra trẻ đang có suy nghĩ tự sát. Đó là con đột nhiên phấn khởi một cách lạ thường. Đây là biểu hiện trấn an bản thân, cảm thấy đã có lối thoát nên phấn khởi hơn. Thứ hai, bé cũng có thể trầm uất nặng nề hơn. Trẻ trăn trở, giằng xé, khó xử nên sẽ có thái độ bất mãn. Thứ ba, trẻ có thể nói những câu chuyện kỳ quặc, nói vu vơ về những chuyện liên quan đến cái chết hoặc dọa tự tử. Khi con có các dấu hiệu bất thường về tâm lý nói trên, cần đưa bé đi khám ngay để được bác sĩ sàng lọc, tư vấn, can thiệp.

Để phòng tránh các vấn đề tâm lý, trầm cảm cho trẻ, theo TS, BS Trần Thị Hồng Thu, cha mẹ cần thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của con, tìm cách giúp trẻ nói hết mọi suy nghĩ mình. TS Thu cho rằng, bố mẹ có hạnh phúc thì con mới được chăm sóc tốt nhất, bởi vậy bố mẹ trước tiên phải chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần thần của bản thân, khi tinh thần thoải mái mới có thể hiểu con hơn, giảm được việc mắng mỏ, chỉ trích đứa trẻ sai cách.

Bên cạnh đó, nên có sự gần gũi, quan tâm đến con, lắng nghe, chia sẻ với các bé nhiều hơn và cố gắng đặt bản thân vào địa vị của trẻ để giải quyết vấn đề. Ví dụ, trẻ hay cáu gắt là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi con gặp vấn đề tâm lý. Nếu thấy bé liên tục phản ứng như vậy mà chúng ta lại cho qua, xem nhẹ, thậm chí còn mắng mỏ thêm thì có thể con sẽ cảm thấy không còn lối thoát nào nữa.

K.VÂN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh