CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:19

Báo động tình trạng mất an toàn hoạt động ngoại khóa của học sinh

Ngày 13/1/2021, Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) tổ chức cho 400 học sinh đi ngoại khóa tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương). Không may, 1 học sinh nam lớp 4 rơi xuống vùng biển nhân tạo (khu vực dành cho học sinh tiểu học). Ngay sau đó, nam sinh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), đến tối 14/1 thì tử vong.

Báo động tình trạng mất an toàn hoạt động ngoại khóa của học sinh - Ảnh 1.

Tàu lượn siêu tốc tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).

Cũng trong ngày 14/1/2021, tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), tàu lượn đang trong quá trình vận hành bất ngờ một khoang chở khách rơi khỏi đường ray, khiến 3 học sinh THPT ở huyện Đông Anh (Hà Nội) gặp nạn. Trong đó, 1 học sinh bị đập đầu xuống nền bê tông bất tỉnh, dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi, 2 em còn lại bị thương.

Cũng tại Đảo Ngọc Xanh, năm 2014 đã xảy ra vụ tai nạn. Thời điểm đó, 12 học sinh của trường THCS ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang chơi trên đu quay thì hệ thống máy bị vỡ ti ô thủy lực, khiến đu quay rơi tự do xuống đất ở độ cao 2m, 6 em đã phải nhập viện.

Hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường là quyền lợi của học sinh và đem đến sự trải nghiệm cho các em. Những hoạt động ngoại khóa này là theo chương trình của nhà trường đã được Sở GD&ĐT cấp phép. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường muốn tổ chức hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường cho học sinh phải có tờ trình, đề án hoạt động rõ ràng, đơn vị phối hợp, địa điểm tổ chức và ý kiến phụ huynh học sinh.

Các hoạt động ngoại khóa không thể thiếu trong chương trình giáo dục. Nếu tổ chức tốt, những chuyến đi này sẽ tạo cho học sinh nhiều trải nghiệm, giúp việc học tập tốt hơn. Tuy nhiên, các trường phải đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn cho học sinh khi tổ chức hoạt động ngoại khóa. Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mỗi chuyến tham quan, trải nghiệm, nhiều phụ huynh kiến nghị khâu lựa chọn địa điểm, đơn vị phối hợp tổ chức cần có sự tham gia của phụ huynh.

Anh Trung Kiên (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) cho rằng đã đến lúc phụ huynh phải được tham gia vào quá trình lựa chọn địa điểm, đơn vị phối hợp tổ chức, chương trình chuyến đi. "Nếu chuyến đi không an toàn, phụ huynh có quyền biểu quyết hủy địa điểm, thậm chí hủy chuyến trải nghiệm đó. An toàn trong mỗi chuyến đi phải được đặt lên hàng đầu".

Báo động tình trạng mất an toàn hoạt động ngoại khóa của học sinh - Ảnh 2.

Học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa.

Có hai con đang học THCS, THPT, chị Mai Anh (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) không khỏi đau xót nói: "Khi xem thông tin 1 học sinh trường THPT Đông Anh tử vong và 2 học sinh khác bị thương khi toa tàu lượn siêu tốc bật khỏi đường ray, tôi đã khóc vì thương các cháu. Tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng với những chuyến đi dã ngoại của học sinh, địa điểm và cách thức tổ chức rất quan trọng. Vấn đề an toàn cho các con phải được đặt lên trước nhất".

Theo ghi nhận, nhiều phụ huynh tại Hà Nội cho rằng, khi xảy ra tai nạn trong chuyến tham quan, dã ngoại do nhà trường tổ chức, trách nhiệm thuộc về nhà trường, đơn vị phối hợp tổ chức… Vì thế, khâu tổ chức phải an toàn đến mức cao nhất chứ không phải đi lấy được, đi cho thành thông lệ. Đồng thời, phụ huynh cũng đề nghị phải được tham gia chọn địa điểm trải nghiệm của học sinh.

Theo quy định hiện nay của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường học khi lựa chọn địa điểm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tham quan, học tập ngoại khóa cho cán bộ giáo viên, học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, đối tượng tham gia. Việc tổ chức phải được thống nhất và đồng thuận của phụ huynh học sinh; lựa chọn đơn vị (công ty) cung cấp dịch vụ có đủ năng lực, uy tín, xe vận chuyển đảm bảo chất lượng; bố trí cán bộ giáo viên, phụ huynh cùng tham gia và quản lý học sinh.

Hòa Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh