CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:35

Ăn lá ngón tự tử: Càng tuyên truyền số người tự tử…càng tăng?

 

Cần trách xa cây lá ngón
Đã hơn 4 tháng trôi qua, nhưng anh Vừ A Cho, bản Tìa Ló B, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông vẫn chưa khỏi ngỡ ngàng trước sự ra đi đường đột của vợ mình. Chỉ vì xích mích, cãi nhau, vợ anh đã tìm đến cái chết bằng lá ngón, để lại một mình  anh gà trống nuôi hai con nhỏ ăn học. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng thêm chồng chất.
Anh Cho kể lại: Hôm đấy hai vợ chồng có xẩy ra xích mích, cãi nhau vài lời rồi tôi đi làm. Đến khoảng 7 giờ tối trở về thì thấy vợ tôi nằm bất động, mặt tái xanh. Tôi đưa vợ ra trạm y tế xã để chữa trị nhưng không cứu được nữa. Vợ mất đi khiến cuộc sống của tôi trở nên vô cùng khó khăn, 2 đứa con thiếu đi tình thương của mẹ.
Vợ anh Vừ A Cho không phải là trường hợp duy nhất tìm đến cây lá ngón để tự tử ở xã Noong U. Mỗi năm, xã Noong U lại có cả chục người tự tử vì lá ngón, và trong số đấy, chỉ may mắn cứu được 5 - 6 người. Kể từ đầu năm 2016, xã Noong U đã ghi nhận 11 trường hợp tự tử vì lá ngón, trong đó có 3 người chết, 8 người may mắn được cứu sống do phát hiện và đưa lên trạm y tế sớm.
Ăn lá ngón tự tử: Càng tuyên truyền số người tự tử…càng tăng?Nếp nhà buồn hơn vì có người ăn lá ngón tự tử
Ông Cứ A Chá, Phó Chủ tịch UBND xã Noong U cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến việc tự tử do lá ngón thì vô vàn. Có thể do mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn tình cảm Vợ chồng; Các cháu nhỏ hiểu biết nông cạn, yêu đương, nhưng không được bố mẹ chấp nhận cũng tìm đến lá ngón. Đối khi, gia đình không đáp ứng được các đòi hỏi về vật chất như chiếc điện thoại di động, cái xe máy, các cháu cũng có thể tìm đến lá ngón để giải quyết.”
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Noong U, những năm qua cán bộ xã đã rất tích cực tuyên truyền về việc không nên sử dụng lá ngón để tự tử. Thế nhưng ông Chá cũng thừa nhận rằng “mình càng tuyên truyền, hình như số lượng người dân ăn lá ngón tự tử lại càng tăng lên”.
Hiện nay, xã Noong U có hơn 500 hộ, nhưng vẫn còn hơn 400 hộ nghèo. Theo lãnh đạo UBND xã Noong U, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân tự tử bằng lá ngón trong những năm qua.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, trong 8 tháng đầu năm 2016, ngành y tế huyện ghi nhận có 73 trường hợp tự tử vì lá ngón, trong đó có 29 người chết. Con số người tử vong tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015, trong 8 tháng đầu năm ngoái, trên địa bàn huyện ghi nhận có 59 trường hợp tự tử bằng lá ngon, trong đó có 15 người tử vong.
Ngoài Noong U, trong 8 tháng đầu năm 2016, những xã có số lượng người tự tử bằng lá ngón đáng báo động như: Xã Sa Dung là 9 trường hợp, trong đó có 7 người tử vong; Phì Nhừ 10 trường hợp, 4 người tử vong; Tìa Dình 8 trường hợp, 4 người tử vong;…Đa số các trường hợp tự tử bằng lá ngón đều là người dân tộc Mông ở các bản vùng cao.
Cần sớm tìm ra giải pháp hạn chế người ăn lá ngón
Bác sĩ Cao Thị Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông cho biết: Các trường hợp tử vong chủ yếu là do người dân ăn lá ngón ở trong rừng, ở nương rẫy nên khó phát hiện. Khi được phát hiện và đưa đến các trung tâm y tế, hay trạm xá thì đã quá muộn, hầu hết đã tử vong nên không thể cứu chữa. Còn lại những ca được đưa đến trung tâm ý tế sớm đều được cứu sống hoàn toàn.
Bác sĩ Lý cũng cho biết thêm, trong năm 2016, công tác tuyên truyền đã được nâng cao, tuy nhiên nhận thức của người dân rất hạn chế, họ vẫn chưa nhận thức được cần phải trân trọng cuộc sống của mình. Cứ xẩy ra xích mích vợ chồng hay bố mẹ không đồng ý một vấn đề gì đó là họ có thể vào rừng ăn lá ngón để tự tử.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông cũng khẳng định, giải pháp khả thi nhất để ngăn chặn tình trạng này vẫn là tuyên truyền. Tuyên truyền tới từng già làng, trưởng bản, tới từng hộ gia đình để người dân hiểu rõ hơn về tác hại của cây lá ngón. Bên cạnh đó, cần triển khai các dịch vụ y tế đến các tuyến cơ sở như đội ngũ y tế thôn bản. Tuyên truyền đến người dân khi phát hiện các trường hợp tự tử bằng lá ngón phải khẩn trương đưa đến các cơ sở y tế để kịp thời chữa trị.

Điện Biên Đông được ví như thủ phủ của lá ngón. Lá ngón sống xung quanh các bản làng, đồi núi rất dễ bắt gặp. Bởi vậy để nhổ bỏ được hết cây lá ngón dường như là không thể. Khẩn trương đưa đi cấp cứu khi có trường hợp ăn lá ngón cũng chỉ là biện pháp khi sự việc đã rồi. Biện pháp khả thi vẫn là tuyên truyền, nhưng tuyên truyền phải đúng cách, phải tìm cách thay đổi nhận thức của người dân, cơ bản hơn là thay đổi thái độ coi nhẹ mạng sống của mình đối với nhiều bà con dân tộc Mông ở các bản làng vùng cao. Khi đó mới mong rằng sẽ không còn những cái chết thương tâm, dại dột vì “con ma” lá ngón nữa.

THẾ THIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh