CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:56

Báo động môi trường giáo dục: Sự yếu kém về nghiệp vụ hay đạo đức nhà giáo?

 

 

“Kỷ lục buồn” của ngành Giáo dục

Khi trên trang nhất của các tờ báo chưa ngưng viết về hàng loạt các vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây trong môi trường giáo dục như: Phụ huynh ép giáo viên quỳ gối xin lỗi, gia đình học sinh đánh thầy giáo nhập viện, hay hành hung giáo viên dẫn đến nguy cơ sẩy thai, rồi học sinh bóp cổ cô giáo..., thì dư luận lại phải đón nhận thông tin về việc một cô giáo tiếng Anh tại Bến Tre đã bị nam sinh xúc phạm, tấn công. Đáng buồn hơn, khi báo chí vào cuộc thì sự việc này vẫn chưa ngừng, mà cô giáo tiếng Anh lại tiếp tục bị tấn công một lần nữa.

Tiếp đến là cô giáo dạy toán ở TP. Hồ Chí Minh lên lớp gần một học kỳ nhưng không giảng bài. Tất cả học sinh của lớp 11A1 phải sống trong nỗi ám ảnh và áp lực từ sự im lặng của “cô giáo quyền lực”. Nếu sự việc không được một học sinh lên tiếng trong nước mắt, thì có lẽ cô giáo này còn mãi tiếp tục hành vi của mình. Rồi ngay sau đó, tại Nghệ An, một phụ huynh đã đánh, lăng mạ một nữ giáo viên thực tập và bắt cô này quỳ xin lỗi con mình, dù cô giáo đã cố gắng van xin rằng đang mang bầu…

Và mới ngay trong những ngày đầu của tháng 4/2018, ngành Giáo dục lại nối tiếp câu chuyện buồn, đó là ngày 4/4, một học sinh lớp 3, ở trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng), chỉ vì nói chuyện riêng trong lớp mà đã bị cô giáo phạt bằng cách cho uống nước giẻ lau bảng. Vụ việc nhanh chóng được ông bà nội của em học sinh đó phát giác và phản ánh đến nhà trường. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5 cũng thừa nhận khuyết điểm và nhận hình thức kỷ luật của nhà trường.

Ngay sau sự việc trên, ngày 5/4 một vụ việc nghiêm trọng khác cũng đã xảy ra tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Lệ Thủy, Quảng Bình). Học sinh N.V.C. lớp 12A6 của trường vì có hình xăm ở trên cổ và được thầy giáo N.V.T. nhắc nhở về xóa vết xăm, để phù hợp với tiêu chuẩn và quy tắc của người học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, C. đã có thái độ hậm hực và khi hết buổi học, thì C. chặn trước cổng trường để “xử” thầy giáo của mình. C. đã dùng con dao bấm dài 10cm, đâm vào bụng thầy giáo T. khi thầy vừa bước ra cổng trường và không kịp phản ứng. Vết dao đâm vào vùng hạ sườn có kích thước 2 x 2 cm, làm tổn thương gan khiến thầy T. phải trong tình trạng cấp cứu.

 

Thầy giáo ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (Lệ Thủy, Quảng Bình) bị học sinh dùng con dao bấm dài 10cm đâm vào bụng.

 

Sự yếu kém của nghiệp vụ sư phạm

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng phân tích, là nhà sư phạm trước hết phải khoan dung với học trò, nghĩ ra cách giáo dục học trò chứ không phải trừng phạt các em. Những cách hành xử của giáo viên trong thời gian qua là rất đáng lên án. “Những giáo viên đó cần xem xét lại phẩm chất đạo đức nhà giáo và nghiệp vụ sư phạm quá kém. Bạo lực và sử dụng nhục hình là điều tối kỵ. Giáo viên không hề có sự tôn trọng học sinh. Điển hình như trường hợp đang gây bức xúc dư luận là giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng là hành động quá dã man. Những hình phạt, cách cư xử đó của giáo viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến tâm lý và việc hình thành nhân cách các em sau này”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cho rằng việc có kỷ luật với học sinh là cần thiết, nhưng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo viên cần xây dựng cho các em tinh thần kỷ luật tự giác. Để làm được điều này cần mất nhiều thời gian, là cả một quá trình giáo dục học sinh về giá trị sống, kỹ năng sống, giúp học sinh hiểu ý nghĩa của kỷ luật và biết tự chịu trách nhiệm. Các hình thức kỷ luật cũng cần rõ ràng, công khai. “Kỷ luật trên nguyên tắc để giáo dục chứ không phải là hạ nhục hay làm tổn thương học sinh. Ở trường Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi phạt học sinh vệ sinh lớp, quét sân trường, hoặc nếu không học bài thì sẽ phải chép bài hoặc hôm sau phải học bài tốt hơn”, thầy Lâm chia sẻ.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc trong môi trường giáo dục, ngành Giáo dục cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh. Ví dụ như phụ huynh không được phép vào trong lớp học trong giờ giảng bài mà nhà trường cần tổ chức tiếp đón và trả lời những thắc mắc của phụ huynh ở một phòng họp riêng, có lắp camera theo dõi. Nếu phụ huynh vào trường mà làm gì đó gây ảnh hưởng đến trường và học sinh thì có thể con họ không được học ở trường nữa.

Quy định với thầy cô giáo, nhà trường là không được xâm phạm vào thân thể, làm ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự của học sinh. Nếu giáo viên vi phạm thì có thể bị chấm dứt hợp đồng làm việc. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn để hướng dẫn cho cả giáo viên và phụ huynh xử lý các tình huống giáo dục trẻ. Việc giáo dục trẻ em là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh, chứ không chỉ dồn hết về phía nhà trường.

Ở góc độ của nhà quản lý giáo dục, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, các vụ việc trên dù xảy ra ở một số trường tại một số địa phương, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo, tác động xấu đến môi trường giáo dục và gây bức xúc trong dư luận. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và tiếp tục chỉ đạo các sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghị định ở các địa phương và các cơ sở giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố điện thoại đường dây nóng 0888.598.666; email: [email protected] để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh