THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:33

Bảo đảm chất lượng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Bảo đảm chất lượng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Học sinh trường nghề trong giờ thực hành.

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với các Bộ: VHTT&DL, LĐ-TB&XH; GD&ĐT về vấn đề giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, diễn ra tại trụ sở Chính phủ chiều 6/4/2021.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành trao đổi, thảo luận về những hạn chế, vướng mắc đang đặt ra trong công tác giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục phổ thông tại các trường nghề cũng như giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Luật Giáo dục, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia đều mong muốn thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ, giữa các hệ thống và hình thức đào tạo.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang thực hiện tốt việc này. Những năm gần đây, tín hiệu đáng mừng là số lượng học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đi học nghề nhiều hơn trước. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH đã bàn phương án để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được chuyển sang học nghề và cho tuyển sinh hệ cao đẳng nghề. Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích học sinh học nghề, chúng ta cũng phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông để đạt chuẩn chung và thực hiện hội nhập quốc tế, để văn bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia của Việt Nam được các nước công nhận.

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 2857/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, góp phần phân luồng học sinh Trung học cơ sở từ năm học 2020-2021. Theo đó, Bộ GD&ĐT tạm thời để các trường nghề trực tiếp dạy văn hóa tương đương với chương trình Trung học phổ thông.

Về khối lượng kiến thức văn hoá giảng dạy trong các trường nghề, mặc dù Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, soạn thảo nhưng vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau về mức độ kiến thức phù hợp, vừa bảo đảm kiến thức theo mặt bằng chung, vừa đảm bảo thời gian học nghề của học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện, để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Các ý kiến tại cuộc họp bày tỏ mong Bộ GD&ĐT tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương giảng dạy văn hóa bậc Trung học phổ thông trong các trường nghề; sớm có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục theo đúng quy định của Luật Giáo dục chỉ có các trung tâm giáo dục thường xuyên chủ động hoặc kết hợp với trường phổ thông để dạy văn hóa bậc Trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục giảng dạy chương trình văn hóa bậc Trung học phổ thông theo đúng quy định pháp luật và thực hiện quyền tự chủ trong việc thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên để tiếp tục dạy văn hóa giáo dục phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục, trên tinh thần "không làm tăng biên chế, bộ máy tổ chức".

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có giải pháp sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Việc sắp xếp được tổ chức theo hướng "những cơ sở có điều kiện có thể sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa theo mô hình "vừa học, vừa làm".

Hòa Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh