THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:33

Bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau

Bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Đồng chí Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương chia sẻ: "Trong thời gian qua công tác giảm nghèo được thực hiện đồng bộ trên cả 3 mặt, giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ công cộng: Y tế, giáo dục - dạy nghề, nhà ở, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi phát triển ngành nghề cơ sở hạ tầng thiết yếu trong các xã, thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn, ưu tiên đường, trường, trạm y tế… nhằm giúp người nghèo, vùng nghèo vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,76% năm 2011 xuống còn dưới còn 5% năm 2015. Dự kiến giảm xuống dưới 4,30% năm 2019 và đến cuối năm 2020 còn khoảng 3,5% hộ nghèo.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng, các nhóm, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là các vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Quy mô cung cấp dịch vụ xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư hệ thống an sinh xã hội hiệu quả chưa cao.

Mục tiêu của Nghị quyết đến 2020 cơ bản đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân, bảo đảm cuộc sống tối thiểu về thu nhập, y tế, giáo dục, nước sạch và góp phần từng bước nâng cao thu nhập bảo đảm đời sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc hơn".

Bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 2.

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Tổ Phó Tổ biên tập báo cáo Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI.

Báo cáo và đánh giá kết quả về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội gia đoạn 2012 - 2020 và một số định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030, ông Đào Quang Vinh cho biết: "Về công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công được đảm bảo. Năm 2018, 99% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 98,5% xã, phường trong toàn quốc được công nhận là xã, phường thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ.

Coi trọng và đẩy mạnh giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Duy trì tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có việc làm cao (trên 77%), tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (chỉ dao động ở mức 2 - 2,2%).

Đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội, mở rộng độ bao phủ hệ thống bảo hiểm xã hội đến mọi người lao động, theo cả 3 nhóm chính sách lớn là bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Với chủ trương bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, trong 8 năm qua đã thực hiện phát triển mạnh báo hiểm y tế. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 86,9% năm 2018.

Bên cạnh đó, nghị quyết rất chú trọng phát triển trợ giúp xã hội và giảm nghèo, coi đầu tư cho trợ giúp xã hội là đầu tư cho tăng trưởng bền vững và giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Kết hợp hiệu quả vai trò của nhà nước với vai trò của xã hội và từng người dân. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn nhằm giúp người nghèo, vùng nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Không những vậy nghị quyết Trung ương 5 chú trọng đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội có nhiều tiến bộ. Phòng, chống tệ nạn xã hội và kết quả thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế có hiệu quả đã góp phần quan trọng vào kiểm soát và đảm bảo trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.

Như vậy, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ đã tạo nền tảng quan trọng về nhận thức và thực tiễn thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và an sinh xã hội đối với toàn bộ các cấp chính quyền và người dân, góp phần cải cách chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội của một nước có thu nhập trung bình".

"Để đổi mới hệ thống an sinh xã hội đến 2030 cần phát triển chính sách an sinh xã hội với cách tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an sinh toàn dân theo hướng linh hoạt, đa tầng, đa dạng, thích ứng với già hóa dân số và biến đổi khí hậu; cung cấp các dịch vụ xã hội toàn diện, có chất lượng cao, công bằng, bao trùm nhằm đảm bảo sức khỏe, giáo dục, thoát nghèo cho người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau", ông Đào Quang Vinh nhấn mạnh.

Bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 4.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo.

Là một trong các tỉnh phía Nam thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, về lĩnh vực chính sách ưu đãi người có công, thành phố đã vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" hơn 44,7 tỷ đồng, xây dựng thêm 460 căn nhà tình nghĩa với hơn 29,3 tỷ đồng, 252 căn nhà tình thương cho diện chính sách, hơn 9,2 tỷ đồng; sửa chữa, chống dột 1.123 căn, hơn 22,8 tỷ đồng; tặng sổ tiết kiệm và kết nghĩa đỡ đầu 2.591 trường hợp, hơn 4,1 tỷ đồng.

Về công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020 với chuẩn hộ nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống. Thành phố huy động tối đa các nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo với mức bình quân trên 4.000 tỷ đồng/năm. Đến cuối năm 2018 thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020.

Về lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội, tinh đến tháng 6/2019, thành phố đã trợ cấp xã hội hàng tháng cho 137.385 người, với tổng kinh phí 71,438.480.000 đồng/tháng. Thành phố có 17 cơ sở bảo trợ xã hội công lập đang tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.186 người thuộc diện bảo trợ xã hội. Ngoài ra, thực hiện chủ trương xã hội hóa, các tổ chức xã hội, tôn giáo và các cá nhân đã tham gia thành lập 60 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, đang nuôi dưỡng chăm sóc là 3.349 người.

Bên cạnh công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội…thành phố Hồ chí Minh luôn tuyên truyền, tập huấn phòng chống ma túy, mại dâm và mua bán người. Số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định đã được thực hiện cai nghiện tại gia đình, số tham gia điều trị methadone và số tự nguyện cai nghiện ma túy tại các cơ sở là khá lớn. Thành phố đã ban hành 38.086 quyết định đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú vào các cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý…


XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh