THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:23

Lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội chuyển biến tích cực

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế, xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 1,87% so với tháng 12/2018 và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 8/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 21/8/2019 tăng 7,71% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 8,47%); mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định.

Thu, chi ngân sách nhà nước, tính đến hết tháng 8/2019, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 997.600 tỷ đồng bằng 70,7% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 901.350 tỷ đồng, bằng khoảng 55,2% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội chuyển biến tích cực - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 161.271,361 tỷ đồng, đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 37,92% dự toán năm. Tính đến ngày 20/8/2019, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI 8 tháng đầu năm đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2019 đạt hơn 1,51 triệu lượt khách, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 8 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 11,3 triệu lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng đầu năm, cả nước có 115.999 doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 90.487 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn đăng ký; 25.512 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 56.359 doanh nghiệp, tăng 6% trong đó có 20.074 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 7%; 25.730 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 14,6%; 10.555 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,5%. Số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là 21.990 doanh nghiệp, tăng 14,5%.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%;…

Các lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa thể dục, thể thao, thông tin và truyền thông được quan tâm thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Công tác an toàn giao thông phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm quy định về vệ sinh môi trường, phòng chống thiên tai, bão lũ tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt, quốc phòng an ninh được bảo đảm, tình hình diễn biến phức tạp nhưng chúng ta rất cương quyết, các lực lượng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp với các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Phát biểu tại buổi họp báo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2019  đã đi qua chặng đường 8 tháng, còn 4 tháng nữa trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, thương mại toàn cầu sụt giảm, số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy tất cả nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn khác nhau… Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu nhưng các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn tích cực triển vọng trong năm 2019.

Lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội chuyển biến tích cực - Ảnh 3.

Các nội dung nóng liên quan vấn đề kinh tế xã hội đã được đưa ra buổi họp báo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy trong thời gian tới; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm (phân bón giảm 1,9%; dầu thô giảm 6,9%; xe máy giảm 8,3%; đường kính giảm 16,2%,…)….

Về xuất nhập khẩu: Hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực giảm, giá xuất một số mặt hàng ở mức rất thấp; xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm (thị trường EU giảm 0,5%; thị trường Trung Quốc giảm 2,5%).

Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, như dịch sốt xuất huyết; nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, kết luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm nay, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Chúng ta cần phải kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, chỉ bàn tiến không bàn lùi, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; làm việc gì cũng phải nghĩ đến đất nước, đến nhân dân trước; phát huy lòng tự hào dân tộc, tính sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Cần nghiêm túc thực hiện phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chất lượng, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết số 01, 02. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chúng ta phải quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2019; tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, còn những mặt hạn chế, yếu kém và còn nhiều khó khăn, thách thức phải tập trung xử lý, giải quyết. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2019, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Nguyễn Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh