Báo chí và showbiz
- Văn hóa - Giải trí
- 15:00 - 22/06/2015
Một bước thành sao… nhờ truyền thông mạng
Nếu như khoảng 15 năm về trước, để một người nổi tiếng thì gần như tất yếu người đó phải có tài năng hay sự cống hiến đặc biệt gì đó cho công chúng và cộng đồng. Nhưng những năm trở lại đây, rất nhiều người đẹp nổi tiếng, thậm chí giàu có mà cái vốn của họ không có gì ngoài tấm thân nhan sắc. Họ trở thành các hotgirl, thành sao, thành người của công chúng lóng lánh hào quang và rủng rẻng tiền của (đó là theo những gì họ khoe trên mạng cho công chúng thấy).
Bà Tưng Lê Thị Huyền Anh.
Như cổ nhân vẫn nói “Một bàn tay vỗ không thành tiếng” được, việc gì muốn thành tựu cũng phải có hai phía tác hợp mới thành. Và để biến một cô nàng dẫu xinh đẹp long lanh nhưng chưa ai biết tiếng, không chút vốn liếng, thì cần phải có ông bầu, cần cả một ê kíp lắm chiêu trò để tạo ra những màn PR xôn xao đình đám.
Từ đó mà đánh động gây sự chú ý tới đám đông sẵn tò mò nhưng cũng vốn vô tình, bàng quan. Có ông bầu, có ê kíp, nhưng không thể thành công, nếu không có những trang báo mạng giúp thể hiện những màn tung hê đánh bóng tên tuổi cho các nàng xinh đẹp được. Và dù giấu diếm hay công khai, thì công chúng cũng lờ mờ hiểu rằng, đằng sau sự nổi tiếng của họ, có lẽ có một sự thỏa thuận nào giữa báo chí truyền thông mạng với các ông bầu. Bởi lẽ, ở đời “không ai cho không ai cái gì cả”, nhất là khi sự nổi tiếng của các cô gái vốn xinh đẹp sẽ mang lại những khoản tiền kếch sù.
ả chăng, khi pháp luật còn chưa cấm cản, khi công chúng còn quan tâm những chuyện giật gân và những màn khoe thân khoe của của các người đẹp, cùng với nhu cầu tăng thu nhập cho truyền thông mạng, thì tội gì mà không thỏa hiệp?
Nhìn qua nhìn lại, bao năm rồi, dù truyền thông mạng có bùng nổ hay hiện đại cỡ nào, thì những chiêu trò để tạo nên sự nổi tiếng cho những người đẹp cũng chỉ quẩn quanh với những chiêu thức quen thuộc như: khoe thân hình bằng cách tung clip hot, ảnh nóng, lộ hàng, phát ngôn gây sốc, tạo những scandal như kiểu bị giật chồng hoặc bị tố giật chồng người khác, khoe của, khoe cặp đại gia, ăn theo người nổi tiếng…
Trong showbiz Việt hiện nay, những mỹ nhân trẻ chỉ cần đăng tải vài ba bức hình, khoe số đo 3 vòng gợi cảm là sẽ làm cho hàng triệu người vừa “sốc” vừa tò mò.
Rất nhiều người đẹp áp dụng chiêu khoe vốn tự có nóng bỏng của mình để gây dựng tên tuổi, từ Á hậu Trang Nhung, Angela Phương Trinh, Ngọc Trinh, Andrea, Hồng Quế, bà Tưng Lê Thị Huyền Anh… và rất nhiều những cái tên hot của những mỹ nữ trong showbiz Việt.
Với tốc độ lan truyền như tia chớp hiện nay của cộng đồng mạng chỉ sau vài giây, những thông tin này đã đến với hàng triệu độc giả. Và trong chớp mắt, từ những cô nàng vô danh không ai biết đến, tên tuổi họ bỗng nổi như cồn, thành nhân vật của công chúng, thành tâm điểm dư luận. Nhất cử nhất động của họ luôn được truyền thông mạng bám sát và chưng lên cho công chúng thỏa mãn trí tò mò xen lẫn sự trầm trồ ghen tỵ.
Ngoài chiêu trò khoe “vốn tự có”, để nổi tiếng trong showbiz, ê kíp của những người đẹp này còn tìm ra nhiều chiêu khác bất kể là có đẹp đẽ hay không miễn là gây chú ý cho công luận, tạo tên tuổi cho “gà nhà” của họ. Đó có thể là những màn phát ngôn gây sốc, những chiêu tố bị lừa tình lừa tiền, bị giật chồng hay ăn theo sự nổi tiếng của người khác để mình nổi tiếng theo. Và rồi truyền thông mạng lại vào cuộc hà hơi, thổi cho những chuyện hư hư thực thực đó trở nên càng ồn ào, khiến cho thiên hạ càng nháo nhác lên… càng tốt.
Vì có thế thì các người đẹp mới càng nổi tiếng, có thương hiệu, có “đẳng cấp”. Thời nay, cái “tiếng” của người đẹp đi liền cái “miếng” chứ không như ngày xưa mang tiếng “hồng nhan bạc phận”, “có tiếng mà chẳng có miếng”. Càng nổi tiếng, họ càng dễ kiếm tiền, càng giàu.
Ai sẽ gánh chịu hậu quả?
Nếu chịu khó theo dõi về quá trình nổi tiếng của các người đẹp trong giới showbiz Việt, thì sẽ thấy cái giá cho sự nổi tiếng cũng không hề rẻ, không dễ dàng gì. Bởi khi một người đẹp dám từ bỏ sự e lệ, thầm kín của người phụ nữ Á Đông để cởi xiêm y khoe thân… thì cùng lúc họ cũng phải chịu những sự xỉ vả lên án của công chúng nghiêm khắc lẫn sự ghen tỵ của những “đồng nghiệp”.
Ngọc Trinh
Và đâu đó, sau bức màn hào nhoáng của giới showbiz, vẫn ngấm ngầm những trò ghen ăn tức ở, hại nhau, cạnh tranh bằng sự “giẫm đạp” lên nhân phẩm của chính mình và của người khác để được nổi tiếng!
Lâu lâu công chúng lại được một phen ngơ ngác, hoang mang vì một người đẹp lên tiếng trên mạng rằng mình bị lừa tiền hay bị “đồng nghiệp” giật trên tay người tình đại gia. Thế mà, trước đó người ta vừa thấy họ tuyên bố và chụp ảnh với nhau thân mật như chị em, trước khi người kia biến thành tình địch, thành đối thủ. Không tin, cứ tìm thông tin về Dương Yến Ngọc thì rõ.
Hóa ra, những người đẹp đối xử với nhau “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Hay như chuyện “Bà Tưng” Lê Thị Huyền Anh, nổi tiếng sau những màn khoe thân, được doanh nhân trẻ Hùng Cửu Long ôm vai bá cổ trong những bữa tiệc sang trọng cùng những lời tán thưởng; nhưng rồi bỗng chốc anh ta quay ra nói xấu Bà Tưng…
Sau khi dũng cảm tung những bức ảnh nóng, tự tung hoặc (đa phần) kêu là bị tung những clip chốn phòng the của mình lên mạng để nổi tiếng; thì không phải người đẹp nào cũng được nhận về mật ngọt danh tiếng lẫn tiền tài. Có không ít trường hợp đã phải ngậm quả đắng. Và đằng sau những chuyện này, ai là người phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất? Chuyện những người đẹp hoặc ai đó đứng sau họ dùng chiêu trò, mánh lới để giúp họ nổi tiếng, một khi mà pháp luật chưa cấm thì vẫn chưa quy kết tội cho họ được.
Còn cái phạm trù gọi là đạo đức xã hội hay thuần phong mỹ tục của chúng ta thì xem ra ngày càng trở nên mong manh và bất lực trước sự xâm lăng của trào lưu văn hóa ngoại lai lẫn sự cám dỗ của danh vọng và tiền bạc. Tuy nhiên, cần phải nói một điều thẳng thắn rằng: Nếu không có sự giúp sức phù trợ của truyền thông mạng, thì dẫu có tinh quái, đa mưu… gì gì đi nữa, họ- những người đẹp và ê kíp của họ, cũng không thể tung hoành, khuấy động dư luận để mưu cầu sự nổi tiếng và trục lợi.
Và như vậy, cần đặt ra ở đây câu chuyện về đạo đức nghề nghiệp lẫn hành lang pháp lý cho việc đưa những thông tin dạng này của truyền thông mạng. Có lẽ không chỉ kêu gọi suông về đạo đức nghề nghiệp mà còn phải xử phạt những trang mạng đưa những thông tin thiếu lành mạnh như thế này.
Thời gian qua các cơ quan quản lý đã xử lý nhiều vụ việc nhưng chưa xuể. Vì mưu cầu sự nổi tiếng để đạt được danh lợi, các người đẹp sẵn sàng xả thân nên họ có bị trả giá cũng là quy luật, có chơi có chịu. Nhưng còn vai trò của báo chí mạng khi tiếp tay cho họ thì sao?
Nhìn ở góc độ nào đó, chính những hành vi khoe thân… để nổi tiếng của các người đẹp đã làm đảo lộn các giá trị nhân văn, cái giá trị và nét đẹp truyền thống của dân tộc. Nó vô tình cổ vũ, tuyên truyền và tiêm nhiễm cho một lối sống thác loạn, thực dụng đến vô trách nhiệm của đám đông mà phần lớn là giới trẻ.
Từ những hành vi không tốt đẹp của một số cá nhân đã lan tỏa, tiêm nhiễm vào bộ phận không nhỏ của xã hội, thành trào lưu, giết chết những cái gọi là tâm hồn, danh dự và nhân phẩm. Văn hóa truyền thống và đạo đức xã hội dần suy đồi cũng từ nguyên nhân này mà sinh ra. Và hậu quả của nó cả xã hội phải gánh chịu!